Nhiều dự án tái định cư dang dở
7 năm trở lại đây, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã thực hiện nhiều dự án lớn. Để nhường đất cho dự án, hàng chục nghìn hộ dân đã phải di dời đến nơi ở mới. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hầu hết các dự án tái định cư này đều nằm trong tình trạng dở dang.
- 08-07-2023Hậu Giang phê duyệt 2 dự án tái định cư 220 tỷ đồng
- 07-07-2023Quảng Nam cho doanh nghiệp dừng thực hiện 3 khu tái định cư
- 04-07-2023Tái khởi động 6 công trình khu tái định cư Sân bay Long Thành
Không thể an cư
Hiện nay tại một số mặt bằng tái định cư (TĐC) do TP Sầm Sơn làm chủ đầu tư, nhưng hệ thống kết cấu hạ tầng trong cùng một khu vực chưa được đồng bộ, đồng nhất, một vài nơi, khu TĐC đã đưa vào sử dụng nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật vẫn còn dang dở, kéo dài nhiều năm ảnh hưởng đến quyền lợi và gây bức xúc trong nhân dân nhưng chưa được chủ đầu tư, chính quyền địa phương kịp thời khắc phục.
Một số khu TĐC đang bị bỏ hoang, gây lãng phí nguồn vốn ngân sách, điển hình như: Dự án TĐC tại xã Quảng Đại, dự án TĐC Đường Voi xã Quảng Minh, dự án TĐC xã Quảng Châu… đa số các khu TĐC này thường ở vùng ven, xa trung tâm hoặc xa khu dân cư, kết nối giao thông chưa đồng bộ khiến người dân khi đến ở bị tách xa địa bàn mưu sinh.
Đứng trên lô đất của gia đình được TĐC thuộc dự án Khu dân cư và TĐC tại khu phố Châu Thành (phường Quảng Châu), ông Lê Viết Nam cho biết, theo quy định “đất đổi đất”, gia đình ông được nhận 3 suất đất tại mặt bằng TĐC. Ngay sau khi nhận đất tại nơi ở mới, ông đã định tiến hành xây nhà mới, tuy nhiên do cơ sở hạ tầng của dự án chưa được hoàn thiện, không có điện, nước, đường giao thông chưa được kết nối nên gia đình ông cùng nhiều hộ dân khác trong thôn đành bám víu vào nơi ở cũ (hoặc đi thuê nhà ở tạm).
“Chúng tôi đã có thể làm nhà từ vài năm trước rồi, nhưng do không có điện, nước và do mặt bằng còn phải san lấp, nên đành phải chờ chủ đầu tư hoàn thiện. Hiện tại trong khu phố cũng đã có khoảng hơn chục hộ do không chịu được chật chội nên chấp nhận ra đây tự khắc phục khó khăn như sống chung với cảnh đường đi xuống cấp, bụi bẩn, hệ thống thoát nước chưa đảm bảo, ngập úng cục bộ. Ngay cả những nhu cầu thiết yếu như nước sạch, điện sinh hoạt hàng ngày, người dân cũng phải tự kéo để sử dụng” - ông Nam nói.
Trên thực tế, việc thu hồi đất dẫn đến người dân phải thay đổi môi trường sống cũng như sinh kế, tuy nhiên việc bố trí đất TĐC nhưng hạ tầng thiết yếu như điện, nước lại chưa đảm bảo là chưa đúng với chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa là đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Bên cạnh đó, chợ, trường học, nhà văn hóa cũng chưa được thành phố quan tâm, đầu tư xây dựng. Nhiều dự án tiến độ thực hiện còn chậm như: Dự án TĐC Bắc kỳ (phường Trung Sơn), Châu Chính, Châu Thành (phường Quảng Châu), Trung Tiến 2 (phường Quảng Tiến)… Ngoài ra, còn hàng loạt các bất cập khác như: Thời hạn giao đất TĐC chậm, nhiều hộ gia đình bị thu hồi đất đã 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa được nhận bàn giao đất TĐC để ổn định cuộc sống...
Chính quyền thiếu quyết liệt
Ngoài những nguyên nhân đã được đưa ra thì nhiều ý kiến khác cho rằng, để xảy ra hiện trạng các khu TĐC “thiếu đủ thứ” một phần là do tính chủ động, tích cực, quyết liệt trong công tác tham mưu của các cấp chính quyền chưa cao; công tác phối hợp giữa ban với các phòng, đơn vị xã, phường chưa nhịp nhàng và một số nhà thầu năng lực còn hạn chế, công tác giải phóng mặt bằng còn chậm.
Bên cạnh đó, cơ chế bồi thường, hỗ trợ, TĐC theo quy định mới của Luật Đất đai năm 2013 có thay đổi, nhất là cơ chế bồi thường về đất ở theo giá đất cụ thể (thay cho cơ chế đất đổi đất) còn có những mặt hạn chế.
Cụ thể ở đây là giá đất tại khu TĐC tương đối cao so với giá đất bồi thường, nhất là khu vực nông thôn, trong khi chính sách bồi thường chỉ hỗ trợ chênh lệch tiền sử dụng đất cho 1 lô đầu tiên. Đặc biệt, cơ chế hỗ trợ tiền thuê nhà ở, đơn giá bồi thường và cơ chế bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất nông nghiệp vẫn còn thấp, nhất là khu vực đô thị; chưa có cơ chế hỗ trợ tích cực khi thu hồi đất nông nghiệp, đất ở của hộ gia đình có diện tích lớn.
Ngoài ra, những hạn chế trong quản lý hiện trạng đất đai, quy hoạch, quản lý hồ sơ địa chính ở một số địa phương còn lỏng lẻo, chất lượng quản lý hồ sơ địa chính chưa đạt yêu cầu, nhiều diện tích đất đai chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ông Lương Văn Thịnh - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Sầm Sơn cho biết: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc hàng loạt dự án TĐC ở TP Sầm Sơn còn chậm là do công tác giải phóng mặt bằng khó khăn, công tác xác định nguồn gốc đất, sự chênh lệch về giá đất ở từng thời điểm; năng lực của một số nhà thầu còn hạn chế và giá nguyên vật liệu tăng cao… Điều này đã khiến nhiều dự án đến nay vẫn không thể thực hiện xong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã khiến hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng do chưa được di dời đến nơi ở mới.
Theo ông Lương Văn Thịnh - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Sầm Sơn, để giải quyết các vấn đề bất cập tại các dự án tái định cư, hiện nay TP Sầm Sơn đang nỗ lực tuyên truyền vận động người dân tại một số dự án trọng điểm cũng như đôn đốc các nhà thầu thi công mặt bằng tái định cư, sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng để người dân yên tâm sinh sống. Tuy nhiên, để các dự án hoàn thiện đồng bộ thì vẫn cần thời gian.
Đại đoàn kết