MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều hộ dân lao đao vì tôm rớt giá

28-07-2018 - 14:26 PM | Thị trường

Chúng tôi về nhiều làng quê nuôi tôm truyền thống của Hà Tĩnh ở Lộc Hà, Cẩm Xuyên… đều bắt gặp cảnh người nuôi tôm lo lắng vì tôm đang vào vụ thu hoạch chính, nhưng giá mỗi ngày lại xuống. Hơn 4 tháng trời dầm mưa dãi nắng, thức ngủ cùng tôm nhưng nhiều hộ dân ở mảnh đất này đang có nguy cơ trắng tay vì tôm được mùa nhưng rớt giá.

Lãng phí công trình nuôi tôm tiền tỷ Tai nạn lao động khôn lường từ hồ nuôi tôm Hỗ trợ người nuôi tôm hùm tỉnh Phú Yên

Nói về nuôi tôm, ở xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh nhiều người dân đều tấm tắc khen gia đình ông Nguyễn Cao Mại. Để chuẩn bị cho mùa vụ nuôi tôm, ông Mại cẩn thận lựa chọn từng loại giống, con giống, ông thuê người có chuyên môn về nuôi tôm hướng dẫn và tự tay vệ sinh ao hồ, kỹ thuật chăm sóc tôm…

Nhờ vậy, dù nuôi cùng lứa nhưng tôm của gia đình ông Mại bao giờ cũng khỏe mạnh, thu hoạch tôm thương phẩm cao hơn nhiều hộ gia đình khác so cùng diện tích và lượng giống thả. Mùa vụ này, gia đình ông Mại vừa thu hoạch 4 tấn tôm thương phẩm.

Đó là số tôm thu được mà gia đình ông mơ ước, song dù sản lượng cao nhưng ông Mại không vui vì giá tôm trên thị trường xuống quá thấp. Nhìn xa xăm về hồ tôm ông Mại cho biết, chăm sóc, lựa chọn từ con tôm giống rồi trông đêm trông hôm chăm sóc để đến ngày thu hoạch được tôm đã lấy đi của người nông dân như ông biết bao công sức. Mỗi khi nghe dự báo thời tiết thay đổi cũng đứng ngồi không yên vì sợ tôm dịch bệnh.

Nhiều hộ dân lao đao vì tôm rớt giá - Ảnh 1.

Dù thu được sản lượng tôm lớn nhưng nhiều hộ nuôi tôm ở Hà Tĩnh vẫn rơi vào cảnh lao đao vì giá tôm rớt xuống thấp

Được biết, cùng thời điểm này năm ngoái, tôm cùng loại được thu mua với giá 130 ngàn đồng/kg, người nông dân còn có đồng ra đồng vào nay giá tôm rớt xuống 100 ngàn/kg, trong khi giá nguyên liệu để nuôi tôm lại tăng nên người nuôi tôm trắng tay, thậm chí có hộ còn thua lỗ lớn.Thu hoạch tôm xong, thấy tôm to, khỏe, nhiều thì mừng nhưng khi thương lái chỉ mua 100 ngàn đồng/kg (khoảng 60-65 con) thì ông Mại và nhiều hộ nuôi tôm ở Hà Tĩnh trở nên thất vọng, lo lắng.

Chẳng hạn như gia đình anh Hà Nhật Linh và nhiều hộ nuôi tôm khác ở xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên đang thực sự phải đối mặt mất vốn khi nuôi tôm do tôm trước đó bị dịch bệnh và khi thu hoạch thì rớt giá. Anh Linh nuôi 2 hồ tôm, khi tôm đang ở thời kỳ sinh trưởng tốt thì gặp dịch bệnh nên một hồ tôm chết hết. Cả gia đình tập trung chăm sóc hồ tôm còn lại. Gia đình vừa thu hoạch được gần 2,7 tấn tôm có kích cỡ từ 110-115 con/kg. Thu hoạch xong thương lái chỉ mua với giá 80 ngàn đồng/kg. Với giá này thì người nông dân như anh Linh bị thua lỗ nặng.

Anh Linh than thở “Trông ngày trông đêm đến vụ thu hoạch tôm, để bán lấy tiền trang trải nợ nần nuôi tôm như tiền thức ăn, tiền giống, tiền điện, và chuẩn bị để nuôi tôm mùa vụ sau, nhưng giá rớt thảm thế này thì không biết xoay xở vào đâu…”.

Theo ông Nguyễn Công Hoàng-Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thuộc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh thì giá tôm năm nay nhìn chung ở tất cả các loại kích cỡ đều giảm hơn 30% so với năm trước, vì vậy người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn.

Trong quá trình đi tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy mặc dù tôm rớt giá hơn trước, người nông dân nuôi tôm nhỏ lẻ nhiều nơi rơi vào cảnh điêu đứng, song ở một số nơi nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm nuôi tôm, đồng thời ký hợp đồng tiêu thụ từ khi bắt tay vào nuôi nên người nuôi tôm vẫn có lãi và đầu ra cho con tôm vẫn được đảm bảo.

Chẳng hạn như ở Hợp tác xã NTTS Xuân Thành ở Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân đầu tư chăm sóc nuôi tôm ngắn ngày (từ 2,5-3 tháng) nên mọi chi phí cho con tôm đều giảm. Bên cạnh đó, Hợp tác xã NTTS Xuân Thành đầu tư công nghệ cao vào nuôi tôm với diện tích lớn, có chuỗi liên kết cung ứng tôm khi thu hoạch nên hợp tác xã vẫn có lãi. Người nuôi tôm vẫn hồ hởi trong mùa thu hoạch và phấn khởi chuẩn bị cho mùa vụ nuôi tôm mới.

Thiết nghĩ, để giúp đỡ người nông dân đứng vững trước mỗi mùa vụ (không chỉ nuôi tôm), các ngành liên quan cần chung tay, chung sức giúp đỡ bà con có định hướng đúng về cây trồng, vật nuôi, làm cầu nối cho người nông dân trong việc thu mua nguyên liệu, cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm hạn chế tình trạng “mất mùa được giá, được mùa mất giá” đã đeo đẳng nhiều nông dân ở các vùng quê.

Theo Sông Lam

CAND

Trở lên trên