MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều khoản thu giảm mạnh do COVID-19 và chính sách giảm thuế

Theo Bộ Tài chính, mặc dù dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động sản xuất - kinh doanh dần khôi phục, nhưng do hệ lụy của dịch bệnh, kết hợp chính sách gia hạn thuế, tiền thuê đất nên số thu ngân sách Nhà nước tháng 5/2020 đạt thấp.

“Trước tác động của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp hoạt động sản xuất - kinh doanh do gặp khó khăn về thị trường, gián đoạn nguồn cung nguyên, vật liệu đầu vào, cầu hàng hóa, dịch vụ sụt giảm mạnh... tạo sức ép ngày càng lớn đến nguồn thu ngân sách Nhà nước - NSNN", Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói.

Thông tin từ Tổng cục Thuế sáng 4/6, trong 5 tháng đầu năm 2020, toàn quốc có 48.341 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 5.419 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm ngoái; có 30.607 doanh nghiệp chấm dứt kinh doanh, giảm 90 doanh nghiệp; có 19.963 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 3.078 doanh nghiệp; nhưng cũng có 11.629 doanh nghiệp khôi phục kinh doanh, tăng 1.421 doanh nghiệp. Đến cuối tháng 5/2020, toàn quốc có 773.176 doanh nghiệp đang kinh doanh, tăng 15.643 doanh nghiệp (tăng 2,06%) so với thời điểm cuối năm ngoái.

Theo Bộ Tài chính, mặc dù giá dầu thô thế giới gần đây có xu hướng tăng (giá dầu Brent hiện dao động ở mức 32 - 35 USD/thùng) nhưng do độ trễ trong thanh toán, giá dầu thanh toán bình quân của Việt Nam tháng 5/2020 đạt khoảng 24 USD/thùng, thấp hơn 36 USD/thùng so với giá dự toán. Thu từ dầu thô tháng 5/2002 ước đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 1 nghìn tỷ đồng (âm 40%) so với tháng 4.  Nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 5/2020 ước đạt 12,3 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở tổng số thu thuế đạt 21,7 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 1,6 nghìn tỷ đồng (âm 6,9%) so tháng trước.

Năm tháng đầu năm nay, tổng thu NSNN ước đạt 577 nghìn tỷ đồng, bằng 38,2% dự toán, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm ước đạt 196,8 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng có số thu ngân sách lớn giảm như: Xăng dầu các loại giảm 48,1%, ô tô nguyên chiếc giảm 44%, sắt thép giảm 15,9%, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm 3%....

Đối với nguồn thu nội địa, theo Tổng cục Thuế, ước thực hiện thu NSNN tháng 5/2020 do ngành thuế quản lý đạt 58.000 tỷ đồng, đạt 4,6% so với dự toán pháp lệnh, chỉ bằng 63,1% so với cùng kỳ năm 2019. Nguồn thu NSNN lũy kế 5 tháng do cơ quan thuế quản lý ước đạt 499.832 tỷ đồng, bằng 39,8% so với dự toán pháp lệnh, bằng 97,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Để thực hiện thu đúng, thu đủ về ngân sách, cơ quan thuế, hải quan đã tích cực thu hồi thuế nợ đọng, thực hiện các biện pháp thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch. Tính đến ngày 20/5, ngành thuế đã thực hiện 15,2 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra thuế tại doanh nghiệp; tổ chức kiểm tra khoảng 163,73 nghìn hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp, kiến nghị xử lý thu vào NSNN và giảm lỗ 20,74 nghìn tỷ đồng, trong đó thu vào NSNN là 8,7 nghìn tỷ đồng; tích cực xử lý thu hồi 12,37 nghìn tỷ đồng thuế nợ đọng từ năm trước chuyển sang.

Tổng chi NSNN tháng 5/2020 ước đạt 130,3 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi 5 tháng đầu năm nay đạt 603,4 nghìn tỷ đồng, bằng 34,5% dự toán.  Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, trong điều kiện thu ngân sách dự kiến giảm, chi ngân sách tăng, cân đối NSNN rất khó khăn. Nhằm cân đối NSNN, Bộ Tài chính đã đặt quyết tâm hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu NSNN, bao gồm nhiệm vụ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước; đồng thời đẩy mạnh kiểm soát chi tiêu, triệt để tiết kiệm để cắt giảm các nhiệm vụ chi thường xuyên không thực sự cần thiết.

Đề cập việc đề xuất kéo dài thời gian nộp thuế, tiền thuê đất lên 12 tháng, thay vì 5 tháng theo Nghị định 41/2020 do nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: Nghị định 41 quy định thời gian gia hạn thuế, tiền thuê đất 5 tháng và các doanh nghiệp được gia hạn dài hơn, cụ thể là 12 tháng. Theo quy định Luật Quản lý thuế, việc gia hạn thuế, phí nếu ảnh hưởng đến dự toán ngân sách đã được Quốc hội thông qua thì phải trình Quốc hội.

"Trong trường hợp việc gia hạn thuế không làm ảnh hưởng đến ngân sách đã được Quốc hội thông qua thì tuỳ thuộc vào thẩm quyền của Chính phủ. Vì vậy, các trường hợp gia hạn thuế 5 tháng theo Nghị định 41 không ảnh hưởng đến dự toán của năm 2020. Bộ Tài chính cũng đề nghị các doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Nghị định 41 thuộc thẩm quyền của Chính phủ, trường hợp gia hạn dài hơn phải trình Quốc hội", Thứ trưởng Bộ Tài chính nói.

Theo Minh Phương

Báo tin tức

Trở lên trên