Nhiều kịch bản lạc quan về kinh tế Việt Nam
Tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm nay của Việt Nam vượt kịch bản cao nhất mà Quốc hội đề ra. Chính phủ đã quyết nghị kịch bản tăng trưởng cả năm phấn đấu ở mức cận trên là 6,5-7%. Các tổ chức trong nước, quốc tế lần lượt cập nhật lại dự báo, triển vọng của kinh tế Việt Nam, một số mạnh dạn đưa ra kịch bản tăng trưởng cao hơn.
- 15-07-2024Nửa đầu 2024, kinh tế Việt Nam tăng 6,2%, chuyên gia nước ngoài dự báo 6 tháng cuối năm bằng 4 chữ
- 11-07-2024Fed bất ngờ tuyên bố sẽ giảm lãi suất trước ngưỡng lạm phát 2% và tác động đến kinh tế Việt Nam: Có thể xuất hiện "bẫy mất tiền" và cơ hội đầu tư mới?
- 10-07-2024Báo nước ngoài: Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng vượt mọi dự báo
Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) mới cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng năm 2024, cao hơn đáng kể so với dự báo hồi đầu năm (lần lượt ở mức 6,13-6,48%).
Kịch bản 1, CIEM cho rằng tăng trưởng GDP có thể đạt 6,55% trong bối cảnh xuất khẩu tăng 9,54% so với năm 2023, chỉ số CPI bình quân cả năm tăng 4,32% so với cùng kỳ và cán cân thương mại giữ được thặng dư ở mức 5,7 tỷ USD.
Kịch bản 2, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,95%, xuất khẩu cả năm tăng 11,64% so với năm 2023, chỉ số CPI bình quân tăng 4,12% so với cùng kỳ và cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 7,3 tỷ USD.
Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) - cho biết, tăng trưởng GDP đã có sự phục hồi tích cực qua các quý. Tốc độ tăng của tiêu dùng cuối cùng và tích lũy tài sản đang phục hồi dần về mức của các năm 2018-2019, thời điểm trước dịch COVID-19.
“Nếu làm tốt những cải cách đang thực hiện, đồng thời có một chút thuận lợi từ diễn biến kinh tế thế giới, Việt Nam có hy vọng đạt được kết quả tăng trưởng GDP là gần 7%”, ông Dương nhận định.
Với kết quả khả quan của 6 tháng đầu năm, TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo, ở kịch bản cơ sở, tăng trưởng cả năm có thể đạt 6,3-6,5%, cận trên mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra. Khả quan hơn, ở kịch bản tích cực, tăng trưởng đạt 6,5-6,7%
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, nhóm nghiên cứu khuyến nghị khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế như Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, TP.HCM cao hơn cả nước, tăng tính lan tỏa với các vùng và cả nước.
Đồng thời, quy hoạch điện VIII cần được đẩy nhanh triển khai; có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp FDI khi Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, sớm có phương án điều chuyển các cấu phần có tỷ lệ giải ngân thấp …
Các tổ chức quốc tế cũng cập nhật lại triển vọng kinh tế Việt Nam. Hầu hết mạnh dạn đưa ra kịch bản tăng trưởng cao hơn. Vừa qua, sau chuyến làm việc tại Việt Nam, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) phát đi thông cáo ghi nhận những sự thay đổi tích cực của nền kinh tế. Tuy nhiên IMF cũng lưu ý, rủi ro suy giảm vẫn còn lớn.
Ngân hàng OUB (Singapore) dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6% cho năm 2024. OUB cho rằng, mục tiêu tăng trưởng chính thức 6-6,5% năm nay có khả năng đạt được.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2024-2025 cao nhất Đông Nam Á. Trong báo cáo triển vọng phát triển Châu Á (ADO) mới công bố, ADB dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên, lần lượt ở mức 6% và 6,2%, đứng thứ hai trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (sau Ấn Độ) và cao nhất Đông Nam Á. Lạm phát sẽ ổn định ở mức 4% trong năm 2024 và 2025.
Tuy nhiên, ADB lưu ý, một trong những động lực phục hồi chủ yếu là khu vực chế biến chế tạo (liên quan đến thương mại) – dự kiến sẽ chậm lại trong thời gian tới, trong khi nhu cầu trong nước vẫn còn yếu.
Các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cũng bày tỏ lạc quan về tình hình kinh tế.
Ông Dominik Meichle - Chủ tịch EuroCham Việt Nam - cho biết: “Tiềm năng kinh tế của Việt Nam là không thể phủ nhận. Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vẫn tin tưởng vào tăng trưởng dài hạn của Việt Nam”.
Khảo sát của EuroCham chỉ ra gần 70% doanh nghiệp thành viên lạc quan về tăng trưởng Việt Nam trong 5 năm tới. Tuy nhiên, doanh nghiệp châu Âu vẫn bày tỏ lo ngại về những thách thức pháp lý dai dẳng, cản trở tăng trưởng và đầu tư. Các vấn đề chính được xác định bao gồm: thủ tục hành chính rườm rà; khó khăn về thị thực và giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài; nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân…
Tiền phong