MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều kiểu lừa đảo online trong dịch Covid-19

01-08-2021 - 12:18 PM | Thị trường

Nhiều kiểu lừa đảo online trong dịch Covid-19

Cơ quan chức năng đã cảnh báo và vào cuộc điều tra, xử lý nhiều vụ việc lợi dụng dịch Covid-19 để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên môi trường số hoặc qua điện thoại song không ít người vẫn "sập bẫy".

Dịch Covid-19 kéo dài khiến công việc và thu nhập bị ảnh hưởng, nhiều người tranh thủ thời gian rảnh rỗi tìm kiếm cơ hội đầu tư online. Nhưng, không phải ai cũng tìm được kênh đầu tư uy tín, phần lớn bị lôi kéo tham gia vào các ứng dụng (app) lừa đảo.

Ham vốn nhỏ, thu lãi ngày

App mạo danh đầu tư vắc-xin với tên gọi r383 được giới thiệu có thể đem về lãi suất 5%-8%/ngày và số vốn đầu tư không quá lớn nên nhiều người đã tham gia. Chỉ cần bỏ ra một triệu đồng, sau một ngày, nhà đầu tư sẽ thu về mức lãi gần 100.000 đồng. Đầu tư càng nhiều thì mức lãi suất càng cao. Các đối tượng lừa đảo còn tạo ra các nhóm chat (trò chuyện) trên Zalo hoặc Telegram để tư vấn cho nhà đầu tư bất kể ngày đêm.

Anh Nguyễn Thế Bình (ngụ quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) trong thời gian nghỉ ở nhà do dịch Covid-19 đã thử tham gia một app đầu tư vì được hứa hẹn lợi nhuận cao, vốn nhỏ, lại được thu lãi hằng ngày. "Khi nộp tiền đầu tư, tôi tá hỏa phát hiện không thể rút vốn về. Nghi ngờ bị lừa tiền, tôi liên hệ với nhóm tư vấn thì không nhận được phản hồi. App này hiện đã sập và không ít nhà đầu tư như tôi mất trắng số vốn bỏ ra" - anh Bình kể.

Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (NCSC), lợi dụng dịch Covid-19 ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, đối tượng lừa đảo "tung" ra nhiều "bẫy" kiếm tiền, điển hình là kêu gọi đầu tư vào công ty cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên quan phòng chống, xét nghiệm, chữa trị Covid-19. "Mô hình lừa đảo đầu tư online được nhận diện qua một số dấu hiệu như: kêu gọi đầu tư làm giàu nhanh, hứa hẹn trả lãi cực cao, cam kết không có rủi ro hoặc rủi ro rất thấp, hoàn vốn theo tỉ lệ cố định và khó rút vốn" - đại diện NCSC nêu rõ.

Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định các chiêu trò nêu trên không mới nhưng nở rộ trong thời gian gần đây do các đối tượng đánh vào tâm lý quan tâm đến dịch bệnh, thông tin về vắc-xin, thuốc điều trị Covid-19... của người dân để "giăng bẫy". Vị luật sư lưu ý người dân hết sức cảnh giác với lời mời chào hấp dẫn về lãi suất hay các chính sách trả thưởng đi kèm.

Nhiều kiểu lừa đảo online trong dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Hầu hết vụ việc lừa đảo trên không gian mạng gần đây đều liên quan đến dịch Covid-19. Ảnh: NCSC


Giả mạo thông tin về dịch bệnh

Ngoài lừa đảo thông qua app kiếm tiền, nhiều đối tượng còn phát tán thông tin giả mạo liên quan đến dịch bệnh, sức khỏe... thông qua môi trường mạng internet, viễn thông, từ đó chiếm quyền tài khoản cá nhân phục vụ mục đích xấu.

Chị Bùi Thúy Hà (ngụ quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) phản ánh trong thời gian làm việc tại nhà, chị thường xuyên nhận được email đính kèm tập tin hoặc đường link cập nhật về tình hình dịch Covid-19. Đáng chú ý, người gửi tự nhận là nhân viên y tế của các bệnh viện tuyến trung ương hoặc của các trung tâm kiểm soát bệnh tật địa phương. Tương tự, nhiều người cho biết nhận được tin nhắn thông báo lịch tiêm vắc-xin, đề nghị đăng ký tiêm vắc-xin theo đường link gửi kèm... nhưng không xác thực được thông tin có thật sự chính xác.

NCSC từng cảnh báo thủ đoạn giả mạo website của Bộ Y tế để lừa tiền cứu trợ, giả mạo thông tin xin trợ cấp tiêm vắc-xin. Một số trang web được NCSC điểm danh là: honapply.vn; miniboon.vn... Các cơ quan chức năng đã gỡ bỏ những website này và khuyến cáo người dân thường xuyên truy cập trang web chính thức của Bộ Y tế là https://moh.gov.vn/ để cập nhật thông tin tin cậy.

Dịch bệnh kéo dài cũng là cơ hội cho các đối tượng quảng bá sản phẩm mạo nhận có khả năng phòng ngừa virus, test nhanh Covid-19, tuyên truyền các phương thuốc chữa bệnh chưa từng được kiểm chứng trên các trang mạng xã hội. NCSC còn ghi nhận trường hợp kẻ xấu giả làm bác sĩ hoặc nhân viên bệnh viện để tiếp cận nạn nhân, mạo nhận đã điều trị khỏi Covid-19 cho bạn bè hay người thân của nạn nhân và yêu cầu thanh toán phí cho quá trình điều trị.

Ngày 29-7 vừa qua, Phòng An ninh mạng, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TP HCM đã tạm giữ đối tượng Nguyễn Minh Phụng (25 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức) và bước đầu xác định Phụng đăng tải trên Facebook, Zalo nội dung thông báo đăng ký tiêm vắc-xin Pfizer giá 1,25 triệu đồng/liều, AstraZeneca 1,08 triệu đồng/liều… Sau khi nạn nhân chuyển tiền, Phụng chặn liên lạc, chiếm đoạt số tiền được chuyển.

Theo cảnh báo từ NCSC, nếu người dùng mở các tập tin hay nhấp vào các đường link gửi kèm email lừa đảo, máy tính sẽ bị tấn công bởi các mã độc hoặc có thể bị lộ, lọt thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng... NCSC cũng lưu ý người dùng tỉnh táo khi tiếp cận các trang web liên quan đến dịch Covid-19 và chủ động báo cho cơ quan này khi phát hiện hoặc nghi ngờ website có dấu hiệu lừa đảo.

Ông Đào Đức Tiến, Giám đốc phát triển Công ty CP Thương mại máy tính An Phát, nêu thực tế nhiều người nhận được tin nhắn thông báo nhận trúng thưởng, khuyến mãi hoặc được yêu cầu đăng nhập thông tin, mật khẩu tài khoản cá nhân, ngân hàng... Ông lưu ý người dùng cẩn trọng với các website không chính thống và không truy cập vào các đường link được gửi vào hòm thư từ địa chỉ lạ. Ngoài ra, khi nhận được thông báo yêu cầu thay đổi mật khẩu tài khoản ngân hàng, phải liên hệ đến đường dây nóng của ngân hàng để kiểm tra trước khi thực hiện thao tác.

Thường xuyên đổi mật khẩu, tăng bảo mật

Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP HCM) khuyến cáo người dùng mạng xã hội thường xuyên thay đổi mật khẩu hoặc tăng tính năng bảo mật quyền riêng tư, không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân hay số tài khoản ngân hàng trên trang công khai. "Nếu cần có tài khoản ngân hàng công khai để giao dịch mua bán trên mạng thì số dư trong tài khoản này nên giữ ở mức thấp nhất để tránh bị chiếm đoạt. Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan công an" - luật sư Bình khuyến cáo và kiến nghị cơ quan công an đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm đưa ra xét xử các vụ lừa đảo để răn đe.

Theo Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên