MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều loại lãi suất chủ chốt tiệm cận, thậm chí tương đương giai đoạn tiền rẻ

22-06-2023 - 14:57 PM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều loại lãi suất chủ chốt tiệm cận, thậm chí tương đương giai đoạn tiền rẻ

Những diễn biến trên thị trường tiền tệ gần đây có nhiều điểm tương đồng với giai đoạn tiền rẻ duy trì từ đầu năm 2020 đến giữa quý III/2022.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất cho vay VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) trong phiên 20/6 đã giảm về còn 0,55%/năm. Đây là mức thấp nhất kể từ giữa tháng 6/2022 và chỉ bằng 1/8 so với mức ghi nhận hồi đầu tháng 6.

Lãi suất qua đêm liên ngân hàng giảm sâu cho thấy chi phí vay mượn lẫn nhau giữa các nhà băng đã giảm rất mạnh trong những tuần qua. Đi cùng với đó, giá trị giao dịch liên ngân hàng vẫn được giữ ở mức cao (230.000 – 240.000 tỷ/phiên) thể hiện sự dồi dào về thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Nhiều loại lãi suất chủ chốt tiệm cận, thậm chí tương đương với giai đoạn tiền rẻ - Ảnh 1.

Nguồn: SBV

Sự dồi dào về thanh khoản còn được thể hiện một cách rất rõ nét và toàn diện hơn khi không có bất kỳ thành viên nào cần đến gói hỗ trợ của NHNN trên kênh thị trường mở (OMO) trong suốt 3 tuần gần đây, dù lãi suất OMO đã liên tục giảm.

Những diễn biến tại thị trường liên ngân hàng hiện tại khá tương đồng với giai đoạn "tiền rẻ" duy trì từ đầu năm 2020 đến giữa tháng 7/2022 – khoảng thời gian lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp và Nhà điều hành rất ít phải hỗ trợ thanh khoản hệ thống qua kênh OMO.

“Hiện nay, thanh khoản các tổ chức tín dụng đều đang rất dồi dào, kể cả các NHTM Nhà nước, các NHTM cổ phần lớn, nhỏ”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết tại buổi họp báo ngày 21/6.

Nhiều loại lãi suất chủ chốt tiệm cận, thậm chí tương đương với giai đoạn tiền rẻ - Ảnh 2.

Diễn biến lãi suất qua đêm liên ngân hàng. (Nguồn: Wichart)

Không chỉ trên thị trường 2, tình trạng dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng đã ngấm sâu sang thị trường 1 khi lãi suất huy động liên tục giảm rất mạnh trong những tháng gần đây.

Mới nhất, cả 4 ngân hàng lớn nhất hệ thống là BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank đã giảm lãi suất huy động cao nhất về 6,3%/năm, chỉ còn cao hơn khoảng 0,7 điểm % so với mức thấp kỷ lục ghi nhận vào hồi tháng 7, tháng 8/2022 - giai đoạn trước khi cuộc đua lãi suất tăng huy động xảy ra.

Bên nhóm các ngân hàng tư nhân, lãi suất huy động tại kỳ hạn 12 tháng cũng đã giảm 2 – 2,5 điểm % so với giai đoạn cao điểm hồi cuối tháng 1 và hiện chỉ còn nhỉnh hơn khoảng 0,8 – 1 điểm % so với cùng kỳ năm 2022.

Về lãi suất cho vay, số liệu của NHNN cho biết, hiện lãi suất cho vay VND phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 8,9%/năm, giảm 0,4 điểm % so với mức công bố cách đây 1 tháng và giảm 1 điểm % so với cuối năm 2022 .

Nhiều loại lãi suất chủ chốt tiệm cận, thậm chí tương đương với giai đoạn tiền rẻ - Ảnh 3.

Lãi suất huy động 12 tháng tại các nhóm ngân hàng (Nguồn: Wichart)

Các loại lãi suất trên thị trường giảm sâu từ đầu tháng 6 tới nay, sau khi NHNN có 2 đợt giảm lãi suất điều hành liên tiếp trong chưa đầy 1 tháng. Với 4 lần giảm kể từ giữa tháng 3, các loại lãi suất chính sách của NHNN đã giảm tổng cộng 1,5 – 2 điểm % và đã đảo ngược phần lớn mức tăng trong 2 lần điều chỉnh năm 2022 (tăng tổng cộng 2 điểm % mỗi loại lãi suất).

Trong đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã giảm về mức tương đương giai đoạn từ tháng 10/2020 – tháng 9/2022. Trong khi lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn chỉ còn cao hơn 0,5 điểm % so với giai đoạn này.

Nhiều loại lãi suất chủ chốt tiệm cận, thậm chí tương đương với giai đoạn tiền rẻ - Ảnh 4.

Các loại lãi suất điều hành đang dần tiệm cận giai đoạn tiền rẻ. (Nguồn: Wichart)

Ngoài việc hạ lãi suất điều hành, NHNN cũng nhất quán với định hướng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng khi dừng phát hành tín phiếu mới và sẵn sàng cho vay hỗ trợ qua kênh mua kỳ hạn giấy tờ có giá trên thị trường mở với lãi suất thấp hơn; đi cùng việc tăng cung ứng VND thông qua kênh mua ngoại tệ và tín phiếu đáo hạn.

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng rất thấp, việc NHNN liên tục triển khai các biện pháp hỗ trợ khiến thanh khoản đang chuyển sang trạng thái dư thừa và lãi suất giảm trên khắp các “mặt trận”. Tình trạng này cũng có nhiều nét tương đồng so với giai đoạn đầu năm 2020 khi NHNN liên tục giảm các loại lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Theo dự báo của giới phân tích, với tác động của độ trễ chính sách, dự báo mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm trong thời gian tới. Bên cạnh đó, khả năng vẫn có thêm một đợt giảm lãi suất điều hành nữa trong nửa cuối năm 2023. Trong trường hợp NHNN giảm thêm lãi suất điều hành, các loại lãi suất trên cả thị trường 1 và thị trường 2 có thể giảm về mức tương đương giai đoạn đại dịch Covid-19.

Tại báo cáo phân tích mới công bố, Ngân hàng HSBC kỳ vọng sẽ còn một đợt giảm 0,5 điểm% nữa trong Quý 3/2023. Động thái này nhiều khả năng sẽ đưa lãi suất điều hành của Việt Nam xuống 4,0%, đảo ngược những nỗ lực thắt chặt trong năm 2022, đồng thời tương đương với mức giảm lãi suất trong suốt đại dịch.

Quang Hưng

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên