Nhiều luồng ý kiến xung quanh đề xuất điều chỉnh thuế giá trị gia tăng
Đề xuất tăng thuế suất - thuế giá trị gia tăng thêm từ 1 - 2% kể từ đầu năm 2019 của Bộ Tài chính đang gây ra nhiều luồng ý kiến khác nhau.
- 31-08-2017Tăng thuế VAT: 'Hãy nhìn một cách đầy đủ, nghĩ nhiều cho người dân'
- 31-08-2017Dự thảo hạ “hạn mức” khấu trừ VAT đối với chi tiêu tiền mặt khiến DN đau đầu
- 30-08-2017Thứ trưởng Bộ Tài chính: Tăng VAT ít tác động đến người nghèo!
- 24-08-2017Tăng thuế VAT sẽ “đi ngược” lại kỳ vọng kích cầu tiêu dùng
- 23-08-2017Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế nói gì về tác động của tăng thuế VAT lên người nghèo?
Theo lý thuyết, tăng thuế sẽ khiến lạm phát tăng lên, ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng như sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong lộ trình cải cách thuế, cơ cấu lại nguồn thu cho phù hợp với tiến trình hội nhập, cắt giảm thuế quan việc điều chỉnh tăng giảm một số sắc thuế, trong đó có thuế giá trị gia tăng là điều bắt buộc phải làm để đảm bảo sự ổn định của Ngân sách Nhà nước và phù hợp với thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, từ đầu năm 2019, nhóm hàng có thuế suất thuế GTGT thông thường 10% sẽ tăng lên 12%. Ở nhóm thuế suất ưu đãi 5%, một số mặt hàng dịch vụ y tế giáo dục đã được chuyển sang xã hội hóa sẽ tăng lên 10%, còn lại hầu hết sẽ tăng lên 6%.
Phân bón, máy móc thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ đang từ không chịu thuế sẽ chịu thuế 5% để được khấu trừ thuế đầu vào. Về lý thuyết, tăng thuế sẽ làm tăng giá cả hàng hóa, dịch vụ và làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt với hàng ngoại.
Nhưng không phải việc tăng thuế nào cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, với các doanh nghiệp sản xuất phân bón và máy móc thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp, được chịu thuế GTGT 5% như đề xuất của Bộ Tài chính sẽ giúp các DN được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, qua đó giảm chi phí chịu thuế.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, việc điều chỉnh này chỉ ảnh hưởng đến những mặt hàng chịu thuế suất GTGT thông thường và một số mặt hàng đang thuộc diện được ưu đãi 5%. Cũng có nhiều ý kiến lo ngại, tăng thuế sẽ ảnh hưởng tới người nghèo, bộ phận dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.
Cũng theo Ngân hàng Thế giới, lo ngại về lạm phát khi tăng thuế GTGT là chính đáng, nhưng mức ảnh hưởng là tương đối hạn chế với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Tăng thuế giá trị gia tăng không nên chỉ nhìn ở phạm vi ở một sắc thuế mà cần nhìn rộng hơn trong bối cảnh Bộ Tài chính đang phải sửa đổi nhiều luật thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và đặc biệt là thuế xuất nhập khẩu.
Nguồn thu cho ngân sách khó thể ổn định, bền vững nếu như thuế thu nhập doanh nghiệp đang được đề xuất giảm mạnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và đặc biệt thuế xuất nhập khẩu ngay vào đầu năm 2018 tới đây sẽ phải giảm mạnh, thậm chí về 0% đối với những mặt hàng như ô tô, xe máy hay đồ xa xỉ phẩm.
VTV1