Nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Nga được hưởng ưu đãi từ tháng 10
Tin từ Vụ thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á– Âu (Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan)- FTA Việt Nam- EAEU, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 5-10. Mới đây, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có văn bản thông báo việc hai bên đã hoàn tất thủ tục phê duyệt hiệp định này.
- 23-07-2016Những nhóm hàng xuất khẩu chính 6 tháng đầu năm 2016
- 23-07-2016Hàng hóa xuất nhập khẩu vượt 177 tỷ USD
- 06-07-2016Kiểm tra toàn bộ các lô hàng cá da trơn xuất khẩu vào Hoa Kỳ
Sau khi FTA Việt Nam- EAEU có hiệu lực, hai bên sẽ thành lập Ủy ban hỗn hợp, Ủy ban về Thương mại hàng hóa, Tiểu ban về quy tắc xuất xứ để phối hợp triển khai hiệu quả, đồng thời giám sát việc thực thi Hiệp định.
Sau 2 năm đàm phán với 8 phiên chính thức và nhiều phiên họp giữa kỳ, ngày 29-5-2015 Thủ tướng Chính phủ các nước đã thay mặt Nhà nước chính thức ký Hiệp định này tại Burabay, Kazakhstan.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, ngành có lợi thế nhất của Việt Nam khi tham gia hiệp định này bao gồm thủy sản, dệt may và da giày. Thủy sản và chế biến giảm thuế 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Ngành da giày cũng hưởng thuế suất 0%. Dệt may có 1 số nhóm hàng cũng giảm thuế 0%, còn 1 số khác thì sẽ giảm theo lộ trình 3, 5, 10 năm.
Về tổng thể, các bên tham gia hiệp định dự kiến sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm vào khoảng 90% số dòng thuế, tương đương vào khoảng trên 90% kim ngạch thương mại song phương.
Theo đánh giá, sau khi hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên sẽ đạt 10-12 tỷ USD vào năm 2020, gần gấp 3 lần so với năm 2014 (đạt khoảng 4 tỷ USD). Theo ước tính của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh này sẽ tăng khoảng 18-20% hàng năm.
Cùng với FTA Việt Nam- EAEU, Việt Nam đã ký với Nga và Belarus nghị định thư về ô tô, theo đó với Nga hai bên đã thỏa thuận phía Nga có thể thành lập liên doanh sản xuất vận tải có động cơ tại Việt Nam nhưng phần vốn do các doanh nghiệp Việt Nam đóng góp trong liên doanh phải đạt ít nhất 50% vốn pháp định của các liên doanh, tỷ lệ nội địa hóa đến năm 2020 với xe tải là 30%, xe thể thao đa dụng (SUV) 30%, xe chuyên dụng 20% và xe vận tải từ 10 chỗ trở lên 35%, tỷ lệ này sẽ tăng lên đến năm 2025 ở mức 40-50%.
Báo hải quan