MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều nền kinh tế châu Á có thể “vạ lây” vì xung đột thương mại Mỹ-Trung

22-06-2018 - 11:07 AM | Tài chính quốc tế

Đông Nam Á thuộc nhóm có thể chịu tác động tiêu cực nếu căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang cao...

Nhiều nền kinh tế ở khu vực châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc và Đông Nam Á có thể chịu tác động tiêu cực mạnh mẽ nếu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang cao hơn - hãng tin CNBC dẫn cảnh báo của một số chuyên gia.

Trao đổi với CNBC, ông Gareth Leather, chuyên gia kinh tế trưởng về châu Á của Capital Economics, nhấn mạnh rằng những nền kinh tế nói trên nằm trong nhóm các nhà xuất khẩu nhiều hàng hóa trung gian nhất sang Trung Quốc. Tại Trung Quốc, các hàng hóa trung gian đó được lắp ráp, gia công thành hàng thành phẩm rồi xuất khẩu sang Mỹ.

Một vài ví dụ về hàng hóa trung gian bao gồm con chip và màn hình. Những linh kiện này thường được sản xuất tại nhiều địa điểm khác nhau ở châu Á, rồi đưa sang Trung Quốc để lắp ráp thành những mặt hàng như điện thoại di động và máy tính.

Gần đây, cả Mỹ và Trung Quốc đều dọa sẽ áp thuế lên hàng hóa của nhau. Dù hai bên chưa công bố hết danh sách những mặt hàng dự kiến bị đánh thuế, các nhà phân tích của JP Morgan cho rằng các sản phẩm điện tử có thể bị đưa vào danh sách.

Điều này đồng nghĩa với việc nếu các kế hoạch đánh thuế hàng Trung Quốc mà Tổng thống Donald Trump đề xuất được thực thi và dẫn tới sụt giảm mạnh xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, thì ảnh hưởng sẽ lan rộng khắp phần còn lại của châu Á.

"Về bản chất, những sản phẩm đó có mức độ phụ thuộc cao vào những chuỗi cung ứng với mức độ ràng buộc chặt chẽ. Bởi vậy, việc áp thuế có thể gây ra một cú sốc thương mại cho toàn bộ khu vực", các nhà phân tích của JP Morgan cảnh báo.

Những lời cảnh báo như vậy được đưa ra giữa lúc các thị trường mới nổi, bao gồm ở châu Á, đang phải đối mặt với sự thoái vốn mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài và đồng nội tệ mất giá nhanh.

Tính đến hôm thứ Ba tuần này, đồng Đôla Đài Loan đã mất giá khoảng 1,7% so với đồng USD kể từ đầu năm, còn đồng Won Hàn Quốc giảm 4,2%. Tại khu vực Đông Nam Á, đồng Đôla Singapore đã giảm giá 1,5% so với USD từ đầu năm, còn đồng Baht Thái Lan giảm 0,6%.

Vào hôm thứ Ba, các đồng tiền nói trên đều chạm đáy 7 tháng so với đồng bạc xanh, khi căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có bước leo thang mạnh.

Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng cho tới khi danh sách cuối cùng các mặt hàng bị đánh thuế được đưa ra, rất khó để xác định cụ thể mức độ ảnh hưởng đến các nền kinh tế châu Á. Trên thực tế, thiệt hại đối với phần còn lại của châu Á có thể nhỏ hơn dự báo, vì Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp chủ yếu của nhiều mặt hàng mà nước này xuất khẩu sang Mỹ - ông Leather nhấn mạnh.

"Người tiêu dùng Mỹ sẽ gặp khó khăn trong việc tìm đủ hàng hóa thay thế cho những mặt hàng mà hiện nay họ mua từ Trung Quốc, ít nhất là trong ngắn hạn. Trong trường hợp đó, các nhà xuất khẩu châu Á có thể hưởng lợi nếu có sự dịch chuyển nhu cầu của thị trường Mỹ từ hàng Trung Quốc sang sản phẩm từ các quốc gia khác", vị chuyên gia nói.

Theo Diệp Vũ

VnEconomy

Trở lên trên