MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều ngân hàng cởi bỏ được nút thắt tăng vốn

07-11-2018 - 20:51 PM | Tài chính - ngân hàng

Chuyện tăng vốn được khơi thông là thông tin tốt cho thị trường. Bởi năng lực tài chính của các ngân hàng tăng cũng đồng nghĩa với việc tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, nhất là khi hệ thống ngân hàng vẫn là kênh vốn chủ đạo như hiện nay.

Theo báo cáo tài chính quý III/2018 của BIDV (mã cổ phiếu BID), ngoài những số liệu kế toán, có một điểm đáng chú ý đó là việc tăng vốn của BIDV đã có bước tiến triển tốt. Cụ thể, vào ngày 30/10 vừa qua, BIDV đã trình văn bản lấy ý kiến của các cổ đông về việc phát hành riêng lẻ hơn 600 triệu cổ phiếu cho KEB Hana - một ngân hàng Hàn Quốc. Đây là tín hiệu tích cực trong nỗ lực cải thiện các chỉ số tài chính của BID và tăng CAR để đáp ứng yêu cầu Basel II. Dự kiến việc phát hành sẽ diễn ra vào cuối 2018 hoặc năm 2019. Nếu đợt tăng vốn này của BIDV thành công, sẽ có tác động tích cực đến bức tranh tài chính cũng như cải thiện tiềm năng tăng trưởng cho vay và lợi nhuận của ngân hàng này.

Nhiều ngân hàng cởi bỏ được nút thắt tăng vốn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trước đó, VietinBank cũng thông báo đang rất tự tin đối với tiến trình tăng vốn. Xét theo tình hình hiện tại, tỷ lệ CAR của VietinBank hiện đang tiệm cận mức tối thiểu theo yêu cầu của Thông tư 36 và dưới chuẩn Basel II. Do đó, việc tăng vốn điều lệ để tăng vốn cấp 1 của ngân hàng này vẫn là yêu cầu cấp thiết. Tuy vậy, biện pháp này không dễ thực hiện đối với ngân hàng này khi mà sở hữu của Nhà nước tại VietinBank đã giảm xuống mức tối thiểu 65%.

Thế nhưng, khó khăn này đã được hóa giải khi mà tại Quyết định 986/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển của ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025 nêu rõ, đối với các NHTM Nhà nước (không bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam), sẽ tăng vốn điều lệ để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II, song vẫn bảo đảm Nhà nước nắm giữ ở mức tối thiểu 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Còn trong giai đoạn 2021 – 2025, sở hữu của Nhà nước tại các NHTM Nhà nước sẽ được giảm xuống còn 51%.

Vietcombank mới đây cũng có những thông số bất ngờ trong việc tăng vốn. Đó là ngân hàng này được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ lên hơn 39.575 tỷ đồng (tương ứng phát hành thêm tỷ lệ 10%) theo phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ đã được cổ đông thông qua. Nếu thành công ở lần tăng vốn này, Vietcombank sẽ trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất thị trường.

Không chỉ các ngân hàng thể hiện khả năng tăng vốn thuận lợi, các NHTMCP cũng ồ ạt “khoe” sức khỏe trong cuộc đua tăng vốn. Trong đó, NamABank cho biết cuối năm nay hoặc đầu năm sau có thể hoàn tất việc tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu. MBBank và Techcombank đã tăng vốn thành công từ 30/9 nhờ vào chiến lược cổ tức và chia cổ phiếu thưởng. Các ngân hàng có tiềm lực như VIB, HDBank, VPBank, Maritime bank… cũng đang khá thuận lợi với kế hoạch tăng vốn điều lệ. Trong đó, HDBank tự tin sẽ sớm tăng vốn lên 11.972 tỷ đồng đúng như kế hoạch đề ra.

Nhìn chung, ngoại trừ một vài ngân hàng có quy mô nhỏ đang hơi khó khăn như SaigonBank, VietCapital Bank, BaoVietBank… cho đến nay có thể nói lộ trình tăng vốn của các ngân hàng đã bắt đầu có nhiều điểm thuận lợi.

Theo lý giải của một lãnh đạo ngân hàng, trước đây dù ngân hàng rất nỗ lực nhưng chuyện tăng vốn vẫn rơi vào bế tắc vì nhiều lý do. Tuy nhiên, các chính sách mới của NHNN mới đây đã gỡ được rất nhiều vướng mắc, không chỉ giúp cho ngân hàng tăng vốn thuận lợi hơn mà còn kéo theo sự phát triển của mỗi ngân hàng.

Lấy trường hợp của BIDV làm ví dụ. Vốn là một NHTM nhà nước, BIDV không chỉ sở hữu quy mô lớn về tài sản và vốn chủ sở hữu mà còn nắm giữ thị phần lớn nhất về tiền gửi và cho vay khách hàng trong số các ngân hàng niêm yết (đều trên 13%). Thế nhưng suốt thời gian dài BIDV hiện đang duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận ở mức khiêm tốn, điều này khiến giấc mơ tăng vốn điều lệ của ngân hàng gặp khó khăn.

Thế nhưng, trong năm 2018, BIDV được chính sách gỡ rất nhiều nút thắt để đẩy nhanh tiến trình tăng vốn nhằm đáp ứng các tiêu chí Basel II. Ở thời điểm này, việc tăng vốn của BIDV sẽ phụ thuộc vào khả năng thực hiện chào bán công khai hoặc riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược/tài chính. Quá trình này cũng sẽ mất nhiều thời gian do yêu cầu của NHNN rằng giá phát hành không thể thấp hơn giá thị trường. Thế nhưng, BIDV vẫn tự tin có thể tăng vốn nhanh vì năng lực tài chính được cải thiện. Cụ thể, tăng trưởng của lợi nhuận sau thuế có phần tích cực hơn so với thu nhập hoạt động nhờ hiệu quả hoạt động được cải thiện cũng như chi phí dự phòng giảm tốc. Một khi việc tăng vốn của BIDV thành công, sẽ gỡ bỏ nút thắt hiện tại đối với tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận của ngân hàng trong thời gian tới.

Đối với các ngân hàng khác cũng vậy, các lãnh đạo ngân hàng đều thừa nhận chuyện tăng vốn đang thuận lợi hơn so với trước đây.

Chuyện tăng vốn được khơi thông là thông tin tốt cho thị trường. Bởi năng lực tài chính của các ngân hàng tăng cũng đồng nghĩa với việc tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, nhất là khi hệ thống ngân hàng vẫn là kênh vốn chủ đạo như hiện nay.


Theo Quỳnh Vũ

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên