Nhiều ngân hàng dự kiến chia cổ tức khủng trong năm nay
Nhiều ngân hàng sẽ trình cổ đông phương án chia cổ tức tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay. Tỷ lệ chia cổ tức khá cao, nhưng là trả bằng cổ phiếu.
- 13-03-2021MSB đặt mục tiêu tăng 30% lợi nhuận trong năm nay, trả cổ tức 30% bằng cổ phiếu
- 11-03-2021BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2021 đạt 13.000 tỷ đồng, dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 12,2%
Các ngân hàng đang bước vào mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021. Một số ngân hàng đã công bố tài liệu ĐHĐCĐ với các nội dung quan trọng như kế hoạch kinh doanh, kiện toàn nhân sự, cổ tức và tăng vốn.
BIDV là ngân hàng mở màn mùa ĐHĐCĐ năm nay. Ngày 12/3, nhà băng này đã tổ chức họp cổ đông và thông qua toàn bộ các tờ trình tại cuộc họp. Trong đó, cổ đông BIDV đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 48.500 tỷ bằng hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành riêng lẻ/chào bán ra công chúng.
Đối với cổ tức, BIDV dự kiến phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Thời gian thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến trong quý 3 – quý 4/2021.
Trước đó, đầu năm nay, ngân hàng cũng đã dùng hơn 3.200 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 8%. Số tiền đã được thanh toán tại ngày 3/2/2021.
Một ngân hàng khác cũng tổ chức ĐHĐCĐ trong tháng 3 ngày VIB (ngày 24/3). Ngân hàng dự kiến sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn, bao gồm chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu 40% và chào bán cổ phiếu. Năm ngoái, nhà băng này cũng đã chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng với tỷ lệ gần 30%.
MSB cũng vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ với tờ trình tăng vốn điều lệ từ 11.750 tỷ lên 15.275 tỷ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Nhà băng này dự kiến sẽ phát hành 352,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020, tương đương tỷ lệ tối đa 30%. Ngân hàng này cũng cho biết dự kiến tỷ lệ chia cổ tức năm 2021 (trả vào năm 2022) thấp nhất là 15%.
Ngoài những ngân hàng đã công bố tài liệu ĐHĐCĐ trên, một số ngân hàng khác cũng dự kiến sẽ trình cổ đông về phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Cụ thể, trước thềm cổ phiếu OCB lên sàn HoSE hồi đầu năm, ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT ngân hàng hé lộ sẽ chia cổ tức năm 2020 tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
2 ngân hàng lớn là Vietcombank và VietinBank cũng có thể thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay sau khi Nghị định 121/2020/NĐ-CP được sửa đổi, cho phép các ngân hàng cổ phần nhà nước được chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Cuối năm 2020, VietinBank đã lấy ý kiến cổ đông và được thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên gần 48.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ gần 28,8%. Tương tự BIDV, trước khi chia cổ tức bằng cổ phiếu, VietinBank đã chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 5% vào hồi cuối năm 2020.
Vietcombank cũng đã chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 8% trong tháng 1/2021. Nhà băng này cũng sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ năm 2021-2022, nhiều khả năng có phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Chia cổ tức bằng cổ phiếu vẫn là phương án được các ngân hàng ưu tiên trong nhiều năm trở lại đây, nhằm bổ sung vốn điều lệ, phục vụ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Cổ phiếu các ngân hàng cũng tăng giá khá tốt trong vài năm trở lại đây, giúp cho việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu thuận lợi hơn.
Hơn nữa trong năm qua, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị các ngân hàng thương mại không chia cổ tức bằng tiền mặt, tiết giảm chi phí, dành nguồn tiền để cắt giảm lãi suất đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.