MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều ngân hàng vào kỳ cao điểm tập trung tạo đà

06-03-2018 - 08:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Sau khoảng 5 năm, hoạt động của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam mới thực sự bước vào giai đoạn cao điểm tạo đà, chuẩn bị cho những bước phát triển chuyên sâu và mở rộng hơn trong những năm tới.

Dấu mốc 5 năm có thể lấy từ năm 2011, khi hoạt động của các nhà băng Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn; kinh tế vĩ mô từ đó cũng bộc lộ những bất ổn. Từ năm 2017, với hoạt động kinh doanh khởi sắc trở lại, các nhà băng Việt có thêm điều kiện để chuẩn bị cho đà bứt phá mới.

“Chịu lỗ” để vươn xa

Năm 2011, lạm phát tại Việt Nam leo thang với mức độ hai con số, hoạt động ngân hàng nói chung bắt đầu khó khăn và bấp bênh. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước từng có văn bản tạm thời “phanh” hoạt động mở rộng mạng lưới, một mặt vì yêu cầu tập trung nguồn lực củng cố sức khỏe, mặt khác việc đầu tư này cũng nằm trong định hướng hạn chế tổng cầu của nền kinh tế - yếu tố được cho là một trong những nguyên nhân đẩy lạm phát cao khi đó.

Phải đến năm 2016 và nổi bật hơn trong 2017, hoạt động mở rộng mạng lưới các ngân hàng mới được đẩy mạnh trở lại. Nhiều ngân hàng thương mại đã nhanh chóng nắm cơ hội để thiết lập thêm sự hiện diện các đầu mối kinh doanh trên thị trường bằng cách nhanh chóng đưa hơn chục chi nhánh mới vào hoạt động như Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank)…

Điển hình như tại Maritime Bank, chỉ trong năm 2017, khi vừa được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mở mới 13 chi nhánh, ngân hàng này ngay lập tức triển khai. Và đáng chú ý, có tới 51 quỹ tiết kiệm được Maritime Bank đầu tư nâng cấp lên thành phòng giao dịch.

Đại diện Maritime Bank cho biết, trong năm qua và sắp tới đây, ngân hàng sẽ tập trung một nguồn lực lớn để thiết lập và nâng cấp mạng lưới. Maritime Bank sẽ chú trọng vươn rộng ra các thị trường ở các địa bàn tỉnh xa, trải dài khắp cả nước, nên sẽ mất một khoảng thời gian nhất định, cũng như nguồn lực đầu tư lớn để tạo đà cho các bước hiệu quả trong tương lai.

Đại diện Maritime Bank cũng cho biết nhằm phục vụ cho việc mở mới chi nhánh và nâng cấp một loạt quỹ tiết kiệm, Ngân hàng đã phải đầu tư rất nhiều từ nhân sự cho tới máy móc, mặt bằng… nên thường phải “chịu lỗ” 3 - 6 tháng ban đầu cho một phòng giao dịch mới. Đây cũng là một trong những yếu tố trọng yếu níu kéo lợi nhuận ngắn hạn. Khi hệ thống mới tạo đà xong, lợi nhuận và hiệu quả hoạt động hứa hẹn sẽ mang lại những bứt phá mới.

Cụ thể, trong năm qua, Maritime Bank đã tuyển mới lên tới hơn 600 nhân sự. Và chỉ riêng chi phí đào tạo đã tăng tới 63% so với năm trước.

Mạnh tay đầu tư để nhận “trái ngọt”

Ở một hoạt động khác, năm 2017, nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam cũng đã thể hiện sự tập trung rõ rệt hơn cho một xu hướng sẽ mạnh trong tương lai, mà hiện tại đòi hỏi ngân sách lớn và cũng phải “chịu lỗ”.

Trả lời khi tiếp xúc nhà đầu tư vừa qua, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, hiện ngân hàng này vẫn đang chịu lỗ ở mảng ngân hàng số, nhưng buộc phải đầu tư tốn kém chi phí những năm qua.

Hay tại Maritime Bank, chỉ riêng trong năm 2017, có tới 200 tỷ đồng được mạnh tay đầu tư cho công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động và nâng tầm cạnh tranh tiện ích sản phẩm, dịch vụ trên thị trường.

“Chúng tôi đã nâng cấp toàn bộ hệ thống theo tiêu chuẩn tiên tiến nhất của ngành ngân hàng hiện đại. Điển hình như hệ thống khởi tạo và quản lý khoản vay (LOS), một giải pháp quản lý qui trình giúp ngân hàng có thể xử lý nhanh chóng và chính xác các tài liệu liên quan đến các hồ sơ xin vay và giảm thiểu thời gian cung cấp dịch vụ tới cho khách hàng”, một đại diện của Maritime Bank cho biết. Ngân hàng này đang kỳ vọng sẽ rút ngắn được 50% thời gian phục vụ khách hàng và luôn cập nhật chính xác tình trạng xử lý hồ sơ ở từng thời điểm để khách hàng có kế hoạch chủ động tương ứng qua hệ thống này.

Mặc dù công nghệ đòi hỏi đầu tư tốn kém, lợi nhuận phải tích lũy dần trong tương lai, nhưng một số ngân hàng cũng đã sớm nhận về kết quả tốt.

Cũng tại Maritime Bank, sau khi dồn nguồn lực tập trung cho các kế hoạch đầu tư tạo đà nói trên, dù còn độ trễ thu lợi nhuận, nhưng ngay trong năm 2017 đã thu được một số kết quả nhất định: số lượng khách hàng tăng 10%, số lượng sản phẩm, dịch vụ của Maritime Bank mà mỗi khách hàng sử dụng tăng mạnh.

Đặc biệt, số lượng khách hàng mở mới tài khoản tại Maritime Bank năm qua đã gia tăng kỷ lục, tăng tới 62%; phí thu từ hoạt động dịch vụ tăng hơn 31%. Tổng tài sản của Maritime Bank đã tăng 21%, lên đến 112 nghìn tỷ đồng, chính thức gia nhập nhóm nhà băng có tài sản hơn trăm nghìn tỷ đồng.

Như vậy, cần độ trễ để chuyển hóa giai đoạn tập trung đầu tư “đánh chiếm” thị phần thành lợi nhuận bởi lợi nhuận có thể là nhất thời nhưng thị phần luôn là mục tiêu mãi mãi.

A.D

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên