Nhiều người 20-30 tuổi đã sở hữu tài sản hàng ngàn tỉ đồng
Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, có nhiều người độ tuổi 20-30 nhưng đã sở hữu tài sản lên tới hàng trăm tỉ, hàng ngàn tỉ đồng.
- 10-01-2021Nghị định 130 “buộc” cán bộ phải kê khai tài sản trung thực
- 22-12-2020Tài sản tham nhũng sẽ bị tẩu tán nếu không lập tức kê biên
Ngày 12-1, tiếp tục phiên họp thứ 52, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và thảo luận về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2020 của Toà án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, trong nhiệm kỳ công tác 2016-2020, ngành kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố mới 375.884 vụ. Toàn ngành đã kiểm sát 100% việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; ban hành hơn 220.000 văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí báo cáo tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn
Qua đó, góp phần hạn chế các trường hợp khởi tố oan và bỏ lọt tội phạm; bảo đảm việc bắt, tạm giữ, tạm giam có căn cứ, đúng pháp luật, hạn chế vi phạm và lạm dụng biện pháp tạm giam; chất lượng điều tra, truy tố được nâng lên, vi phạm tố tụng, oan sai giảm dần, đạt và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội.
Theo ông Lê Minh Trí, những trường hợp bị khởi tố, điều tra oan chiếm tỉ lệ rất nhỏ, giảm dần theo từng năm và giảm 52,7% so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
Bên cạnh đó, ngành kiểm sát đã quán triệt, thực hiện nghiêm và hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống tham nhũng. Ngành đã kịp thời phát hiện, điều tra, truy tố và phục vụ xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp; bảo đảm việc xử lý, giải quyết vừa có tính pháp lý, vừa có tính chính trị sâu sắc; tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80 ngàn tỉ đồng.
Thảo luận về nội dung này, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cho rằng cần làm rõ nội dung cử tri quan tâm liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng, đặc biệt là con số 80 ngàn tỉ đồng mà cơ quan kiểm sát báo cáo. Theo ông Vũ Hồng Thanh, số tiền 80.000 tỉ đồng thu hồi trong các vụ án tham nhũng cần được thể hiện rõ nét trong tương quan với các nhiệm kỳ trước, để toát lên kết quả của nhiệm kỳ vừa qua.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí làm rõ thêm và khẳng định kết quả nêu trên cho thấy các cơ quan tư pháp quán triệt thực hiện tinh thần của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trong suốt nhiệm kỳ, đặc biệt chú trọng việc thu hồi tài sản khi xử lý, giải quyết án.
Theo người đứng đầu ngành kiểm sát, ông đã nhiều lần đề cập đến việc xây dựng Luật Đăng ký tài sản để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản trong các vụ án tham nhũng. Theo ông Lê Minh Trí, hiện tại quy định về việc kê khai tài sản mới áp dụng trong cán bộ, đảng viên nhưng rõ ràng, những đối tượng này không bao giờ trực tiếp đứng tên sở hữu tài sản mà "nhờ" người khác đứng tên.
Phân tích thêm nội dung này, ông Lê Minh Trí cho biết trên thực tế, có nhiều người độ tuổi 20-30 nhưng đã sở hữu tài sản lên tới hàng trăm tỉ, hàng ngàn tỉ đồng.
“Chúng ta biết hết nhưng không xử lý được, vì quyền sở hữu của công dân chúng ta không đụng vào được. Nhưng nếu có luật này, khi đăng ký một tài sản mới mà không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì sẽ bị hỏi ngay, và như vậy sẽ có cơ sở pháp lý để xử lý” - ông Lê Minh Trí nói.
Vì vậy, theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, khi có luật Đăng ký tài sản thì những trường hợp nhờ đứng tên hộ cũng không thể nào mua, đăng ký sở hữu tài sản như vậy được, tăng hiệu quả ngăn chặn.
Người lao động