Nhiều người không biết: Hacker có thể chiếm quyền kiểm soát điện thoại nhiều ngày, rút tiền trong tài khoản bất kỳ lúc nào
Nhiều chủ tài khoản ngân hàng không biết rằng, điện thoại của chính mình có thể bị hacker chiếm quyền kiểm soát trong một thời gian dài. Sau khi chiếm quyền kiểm soát, kẻ gian sẽ theo dõi và thực hiện hành động đánh cắp dữ liệu, chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng sang tài khoản khác.
Theo thông tin từ dự án Chống lừa đảo, một thực tế đáng buồn là có không ít nạn nhân bị hack, bị chiếm quyền kiểm soát điện thoại suốt nhiều ngày mà hoàn toàn không hay biết.
Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết điện thoại bị mất quyền kiểm soát:
Điện thoại di động bị cài đặt những ứng dụng giả mạo sẽ xuất hiện nhiều dấu hiệu đáng ngờ như: máy mau hết pin và chạy chậm, xuất hiện ứng dụng lạ trên điện thoại, ứng dụng tự động bật lên ngay cả khi không sử dụng điện thoại, lưu lượng di động bất ngờ hao hụt nhanh, máy nóng lên bất thường....
Đồng thời phần tin nhắn văn bản SMS hoặc email có các thông báo báo số dư tài khoản của ngân hàng, đều bị hacker xoá đi lập tức, kể cả trong thùng rác. Phần album hay thư viên ảnh, có những hình ảnh QR dùng để chuyển khoản đến tài khoản của hacker. (những video đã chia sẻ trên đều có các hành vi này)
Hacker có thể sử dụng thiết bị của bạn để truy cập vào các tài khoản ngân hàng, mạng xã hội, hoặc email. Dấu hiệu nhận biết là có thông báo đăng nhập từ vị trí lạ hoặc thời gian bất thường.
Nhận được các thông báo từ những ứng dụng hoặc dịch vụ bạn không sử dụng. Đôi khi hacker có thể gửi tin nhắn spam đến danh bạ của bạn.
Hacker có thể can thiệp, khiến bạn không nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn quan trọng, đặc biệt là các mã OTP.
Một số cài đặt trên điện thoại có thể bị thay đổi mà bạn không thực hiện, ví dụ như bật Bluetooth, Wi-Fi hoặc quyền truy cập cho các ứng dụng không xác định.
Nếu trong cuộc gọi nghe thấy tiếng vang, tiếng ồn lạ, hoặc giọng nói bị gián đoạn, đây có thể là dấu hiệu thiết bị bị theo dõi.
Bị hack có thể khiến lưu lượng dữ liệu tăng đột biến do phần mềm độc hại gửi hoặc nhận thông tin trong nền.
Khi truy cập vào trình duyệt, bạn bị chuyển hướng đến các trang web lạ hoặc thấy các quảng cáo không mong muốn.
Một số phần mềm độc hại có thể can thiệp vào quá trình tắt máy hoặc làm treo ứng dụng.
Cũng theo thông tin từ các chuyên gia an ninh mạng thuộc dự án Chống lừa đảo, sau khi chiếm được quyền kiểm soát điện thoại, hacker có thể rút bất kỳ số tiền nào trong tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử của nạn nhân.
Đồng thời, kẻ gian có thể dụ nạn nhân thực hiện xác minh sinh trắc học như quét khuôn mặt bằng cách yêu cầu họ quay trái, quay phải, lại gần, ra xa, lên, xuống... Thực chất, ứng dụng giả mạo lúc này chèn một lớp phủ (overlay) lên màn hình, làm nạn nhân lầm tưởng đang làm việc với nhân viên ngân hàng, bưu điện, hoặc cơ quan chức năng. Điều này thường xảy ra trong các giao dịch lớn (trên 10 triệu đồng).
Thế nên, người dùng luôn cảnh giác trước nguy cơ bị chiếm quyền kiểm soát điện thoại từ các nhóm hacker.
An ninh tiền tệ