Nhiều người Maroc ngủ ngoài đường sau trận động đất thế kỷ
Lực lượng cứu hộ ở Maroc đang nỗ lực tìm kiếm những người sống sót sau trận động đất mạnh tối 8/9, khiến trên 2.000 người thiệt mạng và những ngôi làng hẻo lánh gần tâm chấn gần như sụp đổ hoàn toàn.
- 09-09-2023Động đất tại Maroc: Số người thiệt mạng lên tới 820 người
- 09-09-2023Hiện trường vụ động đất mạnh nhất thế kỷ tại Maroc: Loạt tòa nhà đổ sập trong tích tắc, ít nhất 400 người thương vong
Tại ngôi làng Moulay Brahim, phía Nam Marrakech trên dãy núi Atlas bị ảnh hưởng nặng nề do trận động đất, các gia đình đang phải sống trong những túp lều dựng tạm trên một sân bóng đá. Chính quyền địa phương cho biết có thể phải một tuần nữa họ mới có thể về nhà.
Trong khi đó, tại Marrakech, thành phố lớn nhất gần tâm chấn và là một điểm thu hút khách du lịch lớn, nhiều gia đình tiếp tục lựa chọn ngủ ngoài trời trong khi chính quyền cảnh báo người dân phải chú ý đến các dư chấn.
Hatimi, 53 tuổi, ngủ ở công viên trung tâm Marrakech cùng cả gia đình. Bà nói ban đêm trời lạnh nên họ muốn ở cùng nhau. “Mọi người đều ở bên ngoài. Chúng tôi không muốn vào trong, mọi người đều sợ hãi, sức rung chuyển quá lớn”, Hatimi chia sẻ với đài truyền hình CNN.
Ở công viên Oliveraie ở trung tâm Marrakech, hàng trăm người, bao gồm cả trẻ em và người già, ngủ trên những chiếc chăn và nệm được phát tạm. Các gia đình cố gắng nghỉ ngơi sau cú sốc và hoảng loạn từ đêm hôm trước. Một số người mang theo túi quần áo và thực phẩm, chuẩn bị cho một đợt không được về nhà lâu hơn.
Quốc vương Maroc đã ban hành chỉ thị thành lập một ủy ban cứu trợ để cung cấp dịch vụ chăm sóc, nhà ở và thực phẩm cho những người bị ảnh hưởng.
Tại sân bay Marrakech, hàng chục du khách ngủ trên sàn nhà ga chính chờ lên máy bay. Các chuyến bay đến và đi hầu như vẫn hoạt động bình thường.
Lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian tìm kiếm những người mắc kẹt nhưng một số tòa nhà đang trong tình trạng quá nguy hiểm.
72 giờ đầu tiên sau trận động đất được cho là giai đoạn quan trọng nhất để tìm kiếm người sống sót, vì tình trạng của những người bị mắc kẹt và bị thương có thể nhanh chóng xấu đi sau khoảng thời gian đó.
Joe English, người phát ngôn của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF cho biết: “Họ gọi đó là 'thời gian vàng' bởi vì nếu bạn định đưa mọi người ra khỏi đống đổ nát thì đó là lúc phải làm điều đó. Những thị trấn và làng mạc này ở xa, khó tiếp cận… Sự hỗ trợ và đoàn kết quốc tế là vô cùng quan trọng”.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết hơn 300.000 người đã bị ảnh hưởng bởi các trận động đất mạnh ở Marrakech và các khu vực lân cận.
Đã xuất hiện những lời đề nghị giúp đỡ từ khắp nơi trên thế giới nhưng không rõ có bao nhiêu viện trợ đã đến được với những người cần giúp đỡ. Liên hợp quốc ngày 9/9 cho biết họ đề nghị hỗ trợ nhưng Maroc đang tự xử lý.
Trong khi đó, vào ngày 10/9, các quan chức Tây Ban Nha cho biết hàng chục nhân viên cứu hộ Tây Ban Nha đã đến Marrakech sau khi Maroc chính thức yêu cầu trợ giúp. Đài truyền hình nhà nước al-Aoula đưa tin Quốc vương Mohammed VI của Maroc cũng cảm ơn Tây Ban Nha, Qatar, Anh và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã gửi viện trợ.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, trận động đất có độ lớn 6,8 xảy ra vào cuối ngày 8/9 là trận mạnh nhất tấn công khu vực xung quanh thành phố cổ Marrakech trong một thế kỷ trở lại đây.
Bộ Nội vụ thống kê số người chết đã tăng lên 2.122 tính đến chiều 10/9 với thêm 2.421 người bị thương. Số người thiệt mạng dự kiến còn tăng thêm khi lực lượng cứu hộ đào tiếp đống đổ nát của những ngôi nhà bị sập ở khu vực hẻo lánh của dãy núi Atlas.
Kể từ năm 2004, đất nước này chưa từng chứng kiến thảm họa nào tương đương như trận động đất tấn công thành phố cảng Al Hoceima, cướp đi sinh mạng của khoảng 630 người.
Trận động đất tồi tệ nhất ở Maroc xảy ra vào năm 1960 gần thành phố Agadir phía tây khiến ít nhất 12.000 người thiệt mạng.
Báo tin tức