MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều nhà tái định cư không muốn lập ban quản trị

09-05-2024 - 09:08 AM | Bất động sản

Dù đi vào hoạt động đã nhiều năm, nhưng 41 tòa nhà tái định cư tại Hà Nội vẫn chưa thành lập ban quản trị (BQT). Thậm chí, nhiều tòa nhà không muốn thành lập BQT.

Làm đại diện BQT vì… nhiệt tình

Theo quy định, nhà chung cư phải thành lập BQT. Ban này có trách nhiệm quản lý, giám sát và đảm bảo quyền lợi cho cư dân trong tòa nhà.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), cho biết BQT nhà chung cư là tổ chức được thành lập để quản lý nhà chung cư. Theo Khoản 3, Điều 103, Luật Nhà ở 2014, BQT có tư cách pháp nhân, có con dấu và thực hiện các quyền, trách nhiệm quy định. Khoản 1, Điều 17 Thông tư 02/2016/TT-BXD cũng quy định BQT chung cư là tổ chức có tư cách pháp nhân, có con dấu và hoạt động theo mô hình được quy định.

Theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư được ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD (sửa đổi 2019, 2021) thì các thành viên BQT nhà chung cư sẽ được trả thù lao. Mức thù lao sẽ do cư dân đóng góp theo quyết định của Hội nghị nhà chung cư hoặc tham khảo mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Nhà nước. Trong đó, thấp nhất là địa bàn thuộc vùng IV (3.070.000 đồng/tháng) và cao nhất là địa bàn thuộc vùng I (4.420.000 đồng/tháng).

Quy định là thế, nhưng đến nay nhiều nhà tái định cư tại Hà Nội vẫn chưa thành lập được BQT. Cụ thể, tại khu tái định cư Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) có 10 tòa nhà, được đưa vào sử dụng năm 2006. Tuy nhiên, hiện nay mới 1 tòa nhà có BQT, còn lại 9 tòa nhà chỉ có đại diện.

Nhiều nhà tái định cư không muốn lập ban quản trị- Ảnh 1.

Một tòa nhà tái định cư tại Khu tái định cư Đồng Tàu, quận Hoàng Mai có dấu hiệu xuống cấp

Đại diện Ban đại diện tòa nhà N10 (Khu đô thị Đồng Tàu) cho biết, nếu thành lập BQT cần phải có kinh phí hỗ trợ cho các thành viên. Tuy nhiên, hiện nhiều cư dân không muốn đóng các khoản tiền dù sử dụng chung. Ngay như tiền dịch vụ, tòa nhà muốn thuê đơn vị bên ngoài để quản lý, vận hành cho đảm bảo, sạch sẽ. Tuy nhiên, khi tính toán, mức phí tối thiểu để duy trì khoảng 5.000 đồng/m2, tương đương với 250.000 đồng- 350.000 đồng/căn hộ thì người dân lại phản đối. Bởi hiện tại, mỗi hộ chỉ đóng 30.000 đồng/tháng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Kiên, Ban đại diện tòa nhà N7 (khu tái định cư Đồng Tàu) cho biết, hiện nay mỗi quý tòa nhà chỉ thu 200.000 đồng/căn hộ để sử dụng cho mọi hoạt động. Trong đó, bao gồm cả sửa chữa, vận hành tòa nhà. Tòa nhà dù muốn thu thêm cũng khó, do cư dân tại tòa nhà chủ yếu là nông dân mất đất, nhiều người không có việc làm ổn định.

Tương tự, ông Vũ Đại Hải, Trưởng ban Đại diện nhà tái định cư B12 ngõ 28 Xuân La (quận Tây Hồ), hiện nay tòa nhà chỉ có Ban đại diện. Không những thế, cũng chẳng mấy ai muốn tham gia Ban đại diện do mất thời gian, công sức còn quyền lợi chẳng có gì. “Đến thang máy hỏng mấy năm, chúng tôi mãi mới đóng góp sửa được nói gì đến việc dân đóng tiền trả thù lao cho BQT. Chúng tôi làm Ban đại diện một là hỗ trợ cư dân, sau nữa là đòi quyền lợi cho chính mình”, ông Hải chia sẻ.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lan, Trưởng ban BQT nhà tái định cư N6E (Khu tái định cư Nhân Chính, quận Thanh Xuân) làm quá nhiệm kỳ đã 3 năm. Mấy năm nay, bà muốn “rút” để nghỉ ngơi nhưng cũng chẳng được vì không ai nhận. “Chúng tôi chẳng có phụ cấp gì nên dù tôi đã hết nhiệm kỳ gần 3 năm vẫn phải kiêm chức vì chẳng có ai làm. Chúng tôi chỉ làm vì nhiệt tình thôi”, bà Lan chia sẻ.

Theo Cty TNHH MTV Quản lý và phát triển Nhà Hà Nội, hiện nay có 167 nhà tái định cư. Trong đó, 90 tòa tái định cư đơn vị đã bàn giao cho các đơn vị quản lý, vận hành khác. Hiện nay, Cty đang quản lý 77 nhà tái định cư, trong đó 36 tòa nhà đã có BQT, 41 tòa chưa thành lập được BQT.

Vì sao khó thành lập Ban Quản trị

Theo đại diện Cty TNHH MTV Quản lý và phát triển Nhà Hà Nội, trong số 41 nhà tái định cư chưa thành lập được BQT có 34 tòa nhà đã 2 lần tổ chức 2 lần hội nghị nhà chung cư nhưng không thành công do UBND các phường chưa thực hiện theo đúng quy định. Ngoài ra, 7 tòa chưa thành lập được BQT là do lỗi của Cty.

Đại diện Cty cũng cho biết, thực tế nhiều cư dân tại các chung cư không muốn tham gia BQT vì các lý do như “bận công việc”, không có thời gian… thậm chí, không ít tòa nhà không muốn lập BQT. Bởi, khi lập BQT, Cty sẽ bàn giao giấy tờ, sổ sách, cũng như kinh phí bảo trì 2% cho BQT quản lý. Khi đó, tòa nhà có hỏng hóc thì cư dân tự bỏ tiền sửa, thành phố không còn hỗ trợ nữa. “Hiện nay, Cty đã gửi văn bản đến các quận, huyện đề nghị các tòa nhà tái định cư tiếp tục mở hội nghị nhà chung cư bầu BQT theo quy định”, vị đại diện này thông tin.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những nguyên nhân khiến nhiều tòa nhà không muốn thành lập BQT là vướng vấn đề pháp lý. “Sau khi thành lập, BQT sẽ có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có sai phạm. Trong khi đó, chúng tôi nếu có tham gia BQT cũng chẳng có quyền lợi, trong khi nguy cơ lại treo trên đầu nên chẳng ai nhận”, ông Vũ Đại Hải, Trưởng ban Đại diện tòa nhà B12 ngõ 28 Xuân La chia sẻ.

Đại diện một nhà tái định cư tại quận Nam Từ Liêm cũng cho rằng, hầu hết các nhà tái định cư nếu có quỹ bảo trì (thường là 2%) thì cũng đã tiêu gần hết do tòa nhà hoạt động đã lâu. Nếu thành lập BQT thì BQT sẽ phải lo các hạng mục sửa chữa, bảo trì tòa nhà. Trong khi, tiền thì không có hoặc có rất ít. “Nếu chưa có BQT, nhà có hỏng còn “kêu” thành phố, chứ thành lập BQT rồi nhà xuống cấp, hỏng hóc thì dân tự bỏ tiền ra sửa chữa, có “bấu víu” vào ai được”, vị đại diện này nói.

Theo Thanh Hiếu

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên