Nhiều nỗi lo niên vụ cà phê 2016-2017
Do tác động của El-Nino, sản lượng cà phê Việt Nam trong niên vụ mới 2016-2017 dự báo sẽ sụt giảm 20-25% so với vụ trước, chỉ khoảng 1,3 triệu tấn.
- 25-11-2016Nỗi lo mùa cà phê chín
- 22-11-2016Giá cà phê xuất khẩu tăng mạnh
- 19-11-2016Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về cung ứng cà phê, chè cho Nga
Đây là thông tin được Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VIFOCA) cho biết tại hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2015-2016 và phương hướng niên vụ cà phê 2016-2017, tổ chức tại TP Hồ Chí Minh chiều 10/12.
Xuất khẩu có thể đạt 3,5 tỷ USD
Theo VIFOCA, niên vụ 2015-2016 (tính từ ngày 1/10/2015-30/9/2016), Việt Nam xuất khẩu được gần 1,75 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch 3,16 tỷ USD, tăng 34,8% về lượng và tăng 17,2% về kim ngạch. Đây là niên vụ có khối lượng xuất khẩu cao nhất trong 3 năm qua.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch VIFOCA cho biết, nếu tính trong năm 2016, xuất khẩu cà phê dự kiến có thể đạt gần 3,5 tỷ USD, với khoảng 1,8 triệu tấn cà phê xuất khẩu. Hiện Đức và Hoa Kỳ vẫn là 2 thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 15,4% và 13,2%; tiếp theo là Italia, Tây Ban Nha và Nhật Bản. Riêng về cà phê chế biến, trong niên vụ này, cả nước xuất khẩu được gần 86,5 ngàn tấn, với kim ngạch 325 triệu USD, tăng 28,4% về lượng nhưng chỉ tăng 10,3% về kim ngạch so với niên vụ trước.
Về tình hình giá nội địa, nếu như trong 6 tháng đầu năm 2016, giá cà phê chỉ dừng ở mức 30.000-32.000 đồng/kg thì đến cuối vụ giá cà phê đã tăng vọt, có thời điểm lên đến trên 45.000 đồng/kg. Giá cà phê có sự biến động khá lớn, không chỉ phụ thuộc vào cung – cầu thế giới mà còn chịu tác động của nhiều yếu tố khác. Với mức giá cà phê nhân xô hiện nay ở mức trên 42.000 đồng/kg, người nông dân khá phấn khởi.
Ông Lê Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu 2/9 Đăk Lăk cho rằng, mặc dù trong 6 tháng đầu năm 2016 giá cà phê xuống thấp, tuy nhiên nhờ xuất khẩu thuận lợi và giá tăng trong vài tháng gần đây nên tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu trong năm nay ít nhiều đều có thuận lợi trong kinh doanh. Hiện đang trong vụ thu hoạch cà phê mới, cà phê cũng có giá khá tốt khoảng 2.000-2.200 USD/tấn.
Mặc dù tình hình xuất khẩu và giá cả hiện tương đối thuận lợi, song theo nhận định của một số doanh nghiệp thì không nên quá kỳ vọng vào kết quả này. Theo ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex, việc sản lượng cà phê xuất khẩu tăng trong niên vụ này chủ yếu là do trong niên vụ 2014-2015 giá cà phê xuống quá thấp nên nông dân và các nhà xuất khẩu giữ hàng lại, khiến lượng tồn kho chuyển sang khá lớn, lên đến 300.000 tấn. Trong khi đó, sản lượng cà phê thu hoạch trong niên vụ 2016-2017 dự báo sụt giảm trên 20%, cộng thêm lượng tồn kho của vụ 2015-2016 chuyển sang vụ mới chỉ còn khá ít, khoảng 50.000-60.000 tấn sẽ khiến sản lượng xuất khẩu trong năm tới chỉ còn 1,3-1,4 triệu tấn, sụt giảm khá mạnh.
Nỗi lo sụt giảm diện tích
Theo VIFOCA, trong niên vụ 2016-2017, sản lượng cà phê của Việt Nam dự báo giảm trên 20% so với vụ trước, chỉ khoảng 1,3 triệu tấn. Một trong những nguyên nhân chính khiến sản lượng sụt giảm là do tác động tiêu cực của hiện tượng El-Nino mạnh nhất trong 2 thập niên qua. Khô hạn, thiếu nước tưới làm cho năng suất giảm mạnh, từ 30-70%, thậm chí hàng ngàn héc ta cà phê ở Tây Nguyên đã mất trắng, buộc người nông dân phải “bấm bụng” chặt bỏ.
“Ngay như ở Vinacafe có 33 nông trường quốc doanh, đây là năm đầu tiên nhiều nông trường đồng loạt đề xuất xin cắt giảm chỉ tiêu sản lượng sản xuất do ảnh hưởng của hạn hán, biến đổi khí hậu. Trong khi đó, phần diện tích các nông trường này có tới 162 hồ đập chứa nước mà sản lượng vẫn sụt giảm dự kiến lên đến 20%. Do vậy, diện tích sản xuất của các hộ nông dân ở xa nguồn nước chắc chắn sẽ sụt giảm nhiều hơn nữa”, ông Nguyễn Nam Hải, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) cho biết.
Không chỉ do tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan cũng đã ảnh hưởng đến chất lượng cà phê trong vụ mới này. Theo ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai), hiện niên vụ mới 2016-2017 đã đi được ¼ chặng đường. Mặc dù vào đầu vụ này, cà phê có mức giá khá tốt nhưng người nông dân chưa kịp thu hoạch, bán thì giá đã rớt, do ảnh hưởng của thời tiết.
“Lẽ ra, ở Gia Lai vào thời điểm này, thời tiết thường nắng ráo rất thuận lợi cho việc thu hoạch cà phê. Thế nhưng năm nay, khu vực này lại liên tục mưa nhiều kèm theo sương mùa sương mù dày đặc khiến bà con nông dân không thu hoạch được cà phê đúng vụ, chất lượng cà phê cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng cà phê xuất khẩu trong thời gian tới”, ông Hiệp cho biết.
Ngoài yếu tố ảnh hưởng trên, đại diện lãnh đạo VIFOCA cho rằng, báo động nhất hiện nay trong ngành cà phê là tình trạng chặt phá cà phê, khiến diện tích cà phê giảm mạnh. Cây cà phê đang bước vào thời kỳ “lão hóa”, năng suất, sản lượng thấp, lợi nhuận không cao. Trong khi đó, giá hồ tiêu cao và tình trạng trồng xen cây ăn quả như bơ, sầu riêng vào vườn cà phê đang lan rộng. Những cây trồng này lại có lợi nhuận cao hơn nên được nông dân dần lựa chọn để trồng thay thế cà phê. Nếu Nhà nước không sớm có biện pháp can thiệp thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển cây cà phê bền vững trong thời gian tới.
TTXVN