Nhiều nước muốn mở "bong bóng du lịch" với Việt Nam
Càng ngày các quốc gia trên thế giới càng tin vào ý tưởng "bong bóng du lịch", tức là một nhóm các quốc gia đồng ý cho phép mở cửa du lịch với nhau.
- 23-05-2020Báo Đức: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% của Việt Nam "tham vọng nhưng không phi thực tế"
- 22-05-2020Nikkei: Việt Nam là một trong số những nền kinh tế mà Nhật Bản muốn nối lại du lịch sớm
Trước đây, doanh nhân Singapore Catherine Tok thường đi du lịch 6-8 lần mỗi năm. Nhưng sau Covid-19. cô tin rằng mình không thể đi nhiều như vậy được nữa. Ít nhất là cho đến khi có vaccine Covid-19 và các hạn chế biên giới, cách ly và cấm bay chấm dứt. Nhưng vaccine vẫn là một hy vọng xa vời. Nhiều chuyên gia ước tính sẽ mất ít nhất một năm trước khi một loại vaccine khả thi có thể được phổ biến rộng rãi. Đó là một tin buồn với những người đam mê du lịch. Song, vẫn còn hy vọng.
SCMP viết: Càng ngày, các quốc gia trên thế giới càng tin vào ý tưởng "bong bóng du lịch", trong đó một nhóm các quốc gia đồng ý cho phép mở cửa du lịch với nhau.
Hàn Quốc và Trung Quốc đã tạo ra một "bong bóng" như vậy vào ngày 1/5 để cho phép khách du lịch đi giữa Hàn Quốc và 10 khu vực Trung Quốc, miễn là họ có kết quả âm tính với Covid-19 trước khi khởi hành và sau khi đến. Trong số những khách du lịch đầu tiên sử dụng chương trình này có phó chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong, người đã thực hiện chuyến thăm ba ngày để kiểm tra nhà máy chip của Samsung Electronics tại Xian, tỉnh Thiểm Tây. Hàn Quốc đang tìm cách thảo luận với Việt Nam, Hungary, Ba Lan và Kuwait.
Theo Đại sứ Park Noh Wan, Việt Nam luôn là một trong những điểm đến rất được du khách Hàn Quốc ưa thích với 4,3 triệu lượt khách đến đây trong năm 2019. Tính riêng Đà Nẵng đã đón khoảng 2 triệu khách du lịch của Xứ sở Kim chi. Tuy nhiên do dịch Covid-19 bùng phát, 3 tháng đầu năm 2020 chứng kiến sự sụt giảm mạnh về lượng khách đi lại giữa hai nước.
Khách Hàn Quốc đến Việt Nam giảm 26,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 820.000 lượt khách; khách Việt Nam đến Hàn Quốc đạt gần 65.000 lượt, giảm tới 41%. Trước tình hình đó, Đại sứ Hàn Quốc mong muốn cả hai bên sẽ cùng tìm ra giải pháp khắc phục, nối liền các hoạt động du lịch Việt Nam – Hàn Quốc nhưng vẫn đảm bảo công tác chống dịch.
Nikkei Asian Review mới đây cũng cho biết, Đài Loan, Việt Nam và một số khu vực của châu Âu - những nơi có quan hệ kinh tế mật thiết với Nhật Bản sẽ là những ứng cử viên mà Nhật Bản muốn mở lại du lịch song phương trong thời gian sớm.
Chuyên gia du lịch của Đại học Công nghệ Nanyang, ông Wong King Yin cho biết: tất cả đều biết rằng nếu muốn kích thích kinh tế, họ cần mở lại biên giới. Nhưng vấn đề là, họ vẫn không chắc chắn liệu có một đợt virus thứ hai hay thứ ba hay không nên mọi người đang cố gắng nới lỏng từng bước một.
Singapore, Úc, Canada, Hàn Quốc và New Zealand đang làm việc để mở biên giới của họ với nhau và sẽ bắt đầu với các chuyến đi kinh doanh thiết yếu, sau đó là với du lịch giải trí. Các quốc gia đang tìm cách chuẩn hóa các giao thức để có sự đảm bảo lẫn nhau, về các tiêu chuẩn sức khỏe và theo dõi liên lạc.
Tiềm năng phục hồi du lịch giải trí đã khiến ngành du lịch sôi sục với sự phấn khích.
Du lịch từ lâu đã là một động lực lớn của các nền kinh tế châu Á. Năm 2018, doanh thu du lịch chiếm 5,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore, 5,8% của Malaysia và hơn 11% của Việt Nam và Thái Lan. Đảo Bali của Indonesia - có tới 70% người dân phụ thuộc vào du lịch. Kế hoạch chính của chiến lược khởi động lại du lịch ở châu Á sẽ là khách du lịch Trung Quốc.
Năm ngoái, khách du lịch Trung Quốc chiếm một phần năm lượng khách đến Singapore và hơn một phần tư số người đến Thái Lan. Năm 2018, 27 triệu khách du lịch Trung Quốc đã đến thăm Asean, tăng gần gấp 10 lần so với năm 2003.
Chúng ta phải làm những điều khác biệt, đưa ra bình thường mới và tìm ra những lĩnh vực mới mà chúng ta có thể phát triển mạnh. The Economist cho rằng: Nếu Việt Nam tham gia bong bóng châu Á - Thái Bình Dương nhưng Indonesia thì không, khi đó dòng vốn đầu tư sẽ chuyển dịch từ Indonesia sang Việt Nam.
Tham khảo SCMP, The Economist