MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều "ông lớn" công bố chỉ số kinh doanh sau soát xét: Lỗ chồng lỗ!

Đức Long Gia Lai, Đất Xanh, Kinh Bắc City , Thủ Đức House... là những cái tên đáng chú nhất.

Kết thúc nửa đầu năm 2020, tình hình kinh doanh đã chịu nhiều tổn thất trước 2 lần bùng phát dịch Covid-19 trong nước, chưa kể diễn biến trên thế giới vẫn đang vô cùng phức tạp làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu. Mùa báo cáo tài chính nửa đầu năm nay theo đó sớm chuẩn bị tâm lý không vui, nhiều đơn vị báo lỗ, thậm chí mức lỗ sau soát xét tăng mạnh.

Mới nhất, Phát triển Nhà Thủ Đức (ThuDucHouse, TDH) ghi nhận mức lỗ ròng gần 20 tỷ đồng, gấp 3 lần con số tự lập trước đó, chủ yếu do điều chỉnh khoản thu tài chính. Nói về tình hình kinh doanh giảm mạnh, theo giải trình, việc sụt giảm kinh doanh hợp nhất chủ yếu là do chi phí tài chính trong quý 2 tăng cao 108% so với cùng kỳ, trong khi Công ty chưa kịp ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ dự án đã triển khai bán hàng như Centum Wealth (dự kiến sẽ ghi nhận vào cuối năm nay).

Tương tự, Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang (LGL) vừa công bố BCTC hợp nhất bán niên sau soát xét với mức lỗ ròng tăng gấp 10 lần so với con số tự lập. Trong đó, chỉ tiêu doanh thu thuần không thay đổi nhiều, ngược lại giá vốn tăng đột biến khiến cho LGL báo lỗ gộp gần 25 tỷ đồng. Cùng với đó, các khoản chi phí như chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp sau kiểm toán ghi nhận tăng mạnh, kết quả Công ty báo lỗ ròng mới hơn 58 tỷ đồng (BCTC tự lập tính lỗ chỉ 9 tỷ đồng).

Được quan tâm nhiều, Tập đoàn Đất Xanh (DXG) cũng ghi nhận lỗ ròng hơn 488 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, trong khi con số này ở BCTC tự lập có lãi hơn 38 tỷ đồng. LNST hợp nhất chuyển từ khoản lãi trăm tỷ sang thua lỗ gần 374 tỷ đồng. Nguyên nhân theo DXG là do trong quá trình kiểm toán, công ty kiểm toán xác định khoản chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Đầu tư LDG (LDG) là sự kiện phát sinh sau niên độ và yêu cầu DXG phải trích lập dự phòng trên 526 tỷ đồng.

Hay Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) cũng lỗ ròng hơn 286 tỷ, tăng so với con số ghi nhận tại báo cáo tự lập là lỗ 257 tỷ đồng. Trong đó, chi phí tài chính tăng 11% chủ yếu từ dự án đang tạm dừng thi công trong đầu năm 2020 nên lãi vay phát sinh trong kỳ không được vốn hóa mà điều chỉnh sang chi phí lãi vay và các công ty con. Cùng với đó, thu nhập khác giảm vì Công ty TNHH Mas Noble Investments đánh giá lại chênh lệch tỷ giá hối đoái. Đáng chú ý, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp tăng gấp đôi lên 14 tỷ do loại trừ khoản trích lập dự phòng đầu tư tài chính Công ty mẹ vào công ty con và khoản trích lập dự phòng phải thu khó đòi tại các Công ty con tăng trong 6 tháng đầu năm 2020 sau soát xét.

Kiểm toán còn nhấn mạnh khả năng hoạt động liên tục của DLG phụ thuộc vào hoạt động có lãi trong tương lai hoặc kết quả thỏa thuận với các chủ nợ về việc gia hạn/cơ cấu lại nợ gốc, nợ lãi, giảm lãi… để đảm bảo cho Tập đoàn có đủ nguồn lực tiếp tục hoạt động bình thường trong các năm tiếp theo.

Nhiều ông lớn công bố chỉ số kinh doanh sau soát xét: Lỗ chồng lỗ! - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng báo lãi ròng giảm mạnh sau soát xét. Đơn cử Tổng CTCP Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) vừa công bố BCTC bán niên soát xét với lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ giảm mạnh 73%, từ mức 55 tỷ về 15 tỷ đồng. Được biết, kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, tình hình đại dịch Covid-19 xảy ra trong nửa đầu năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh công ty, khiến doanh thu cho thuê đất và chuyển nhượng dự án sụt giảm mạnh.

Hay Tập đoàn Yeah1 (YEG) ghi nhận LNST của cổ đông công ty mẹ giảm từ 4,2 tỷ đồng xuống còn 402 triệu đồng. Kéo theo, lỗ lũy kế tính đến ngày 30/6/2020 còn hơn 560 triệu đồng, trong khi báo cáo tự lập Công ty đã chính thức có lợi nhuận chưa phân phối hàng tỷ đồng. Nhiều đơn vị khác như Thành Nam (TNI), KLF, Quốc Cường Gia Lai (QCG) cũng giảm mạnh mức lãi sau soát xét.

Nhìn chung, giữa cơn khủng hoảng việc ghi nhận con số tài chính được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, đặc biệt với những doanh nghiệp nhạy cảm như bất động sản, xuất nhập khẩu. Nói đi cũng phải nói lại, phía doanh nghiệp giữa bối cảnh khó khăn cũng chịu nhiều áp lực từ cổ đông lớn, nhà đầu tư cổ phiếu cũng như các đối tác kinh doanh. Khi mà, việc thua lỗ trước mắt sẽ ảnh hưởng đến giao dịch cổ phiếu trên sàn, mới đây Vietnam Airlines (HVN) và Petrolimex (PLX) vừa bị Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) cắt margin.

Ngược lại, bức tranh kinh doanh vẫn có điểm sáng khi nhiều đơn vị báo lãi tăng mạnh sau kiểm toán, bao gồm Trường Thành (TTF), Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG)…

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên