Nhiều phụ nữ Trung Quốc lựa chọn cuộc sống độc thân vì áp lực kinh tế
Lựa chọn cuộc sống không hôn nhân đang trở thành xu hướng phổ biến tại quốc gia tỷ dân.
- 07-03-2024Elon Musk gặp hoạ ở châu Âu: Nhà máy Tesla bị phá hoại, thiệt hại 1 tỷ USD, phải ngừng sản xuất 1.000 xe mỗi ngày
- 07-03-2024Phát hiện lãnh chúa nằm úp mặt trong lăng mộ đầy vàng 1.300 tuổi
- 07-03-2024Một công ty ‘vớ bẫm’ nhờ AI: Cổ phiếu tăng 120%, được Nvidia ưu ái lựa chọn, ước tính đầu tư hơn 10 tỷ USD/năm
Chai Wanrou là một cây bút viết quảng cáo tự do có khả năng tự chủ về kinh tế. Cô cho rằng hôn nhân là một "thể chế không công bằng". Giống như nhiều phụ nữ trẻ ở Trung Quốc, cô là một phần của phong trào "không chồng, không con", đang đặt ra cho chính phủ nhiều thách thức về dân số phải đối mặt về lâu dài.
Một nhà hoạt động nữ quyền 28 tuổi chia sẻ quan điểm với phóng viên Reuters: "Ở đây, bất kể bạn thành công hay bình thường, phụ nữ vẫn là người phải hy sinh nhiều nhất trong gia đình. Những người phụ nữ ở thế hệ trước đã quên đi bản thân và sự nghiệp của mình mà vẫn không có được cuộc sống hạnh phúc như họ mong muốn khi hết hôn. Ngày nay, sống tốt cuộc sống của chính mình đã đủ khó khăn rồi".
Tiến sĩ Zheng Yexin, nhà nhân khẩu học tại Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết, sự mất cân bằng giới tính đã dẫn đến tình trạng kết hôn thấp vì nhiều người không thể tìm bạn đời, ngay cả khi họ muốn kết hôn. Thêm vào đó, ngày càng nhiều phụ nữ có học thức, phải đối mặt với tình trạng bất an chưa từng có trong bối cảnh thanh niên thất nghiệp kỷ lục và suy thoái kinh tế, tán thành "chủ nghĩa độc thân".
Phụ nữ Trung Quốc hiện đại đối mặt với nhiều áp lực trong việc kiếm tiền và nuôi con (Ảnh: China Daily)
Một báo cáo mới vừa được công bố cho thấy Trung Quốc là một trong những nơi đắt đỏ nhất trên thế giới để nuôi dạy một đứa trẻ, với tác động không cân xứng đối với phụ nữ, khiến tỷ lệ sinh của đất nước này giảm nhanh chóng khi đất nước đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học.
Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh sự cần thiết phải "nuôi dưỡng một nền văn hóa mới về hôn nhân và sinh con" trong bối cảnh dân số Trung Quốc giảm năm thứ hai liên tiếp và số ca sinh mới đạt mức thấp lịch sử.
Thủ tướng Lý Cường cũng cam kết Trung Quốc sẽ "hướng tới một xã hội thân thiện với việc sinh con" và tăng cường các dịch vụ chăm sóc trẻ em trong báo cáo công việc của chính phủ năm nay.
Theo dữ liệu chính thức, dân số độc thân trên 15 tuổi của Trung Quốc đạt kỷ lục 239 triệu người vào năm 2021. Số lượng đăng ký kết hôn tăng nhẹ vào năm ngoái do tồn đọng từ đại dịch, sau khi đạt mức thấp lịch sử vào năm 2022. Một cuộc khảo sát của Đoàn Thanh niên Cộng sản năm 2021 với khoảng 2.900 thanh niên thành thị chưa kết hôn cho thấy 44% phụ nữ không có ý định kết hôn. Tuy nhiên, hôn nhân vẫn được coi là cột mốc quan trọng của tuổi trưởng thành ở Trung Quốc và tỷ lệ người trưởng thành chưa bao giờ kết hôn vẫn ở mức thấp.
VTV