MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều quỹ lớn có hiệu suất âm trong quý 3/2021, SSIAM VNFinLead ETF giảm sâu bởi cổ phiếu ngân hàng

Nhiều quỹ lớn có hiệu suất âm trong quý 3/2021, SSIAM VNFinLead ETF giảm sâu bởi cổ phiếu ngân hàng

Nhịp điều chỉnh trong quý 3 đã khiến hiệu suất hoạt động của nhiều quỹ đầu tư chững lại, thậm chí nhiều quỹ tăng trưởng âm.

Sau giai đoạn thăng hoa nửa đầu năm 2021, chứng khoán Việt Nam đã bước vào giai đoạn điều chỉnh, tích lũy trong quý 3. Kết thúc phiên giao dịch 30/9, chỉ số VN-Index dừng tại 1.342,06 điểm, giảm nhẹ 4,72% so với quý trước, nhưng so với đầu năm vẫn tăng trưởng 21,6%. Tương tự, chỉ số VN30-Index cũng giảm nhẹ 4,92% trong quý 3 và tăng 35,8% so với đầu năm.

Nhịp điều chỉnh trong quý 3 đã khiến hiệu suất hoạt động của nhiều quỹ đầu tư chững lại, thậm chí nhiều quỹ tăng trưởng âm.

Nhiều quỹ lớn có hiệu suất âm trong quý 3/2021, SSIAM VNFinLead ETF giảm sâu bởi cổ phiếu ngân hàng - Ảnh 1.

Trong số các quỹ lớn được chúng tôi thống kê, SSIAM VNFinLead ETF có hiệu suất hoạt động âm 13% trong quý 3 và đây cũng là quỹ có hiệu suất thấp nhất trong cùng giai đoạn. Việc các cổ phiếu ngân hàng bước vào nhịp điều chỉnh mạnh trong quý 3 đã tác động đáng kể đến hiệu suất quỹ.

Trước đó trong nửa đầu năm 2021, sự thăng hoa của cổ phiếu ngân hàng đã giúp hiệu suất SSIAM VNFinLead ETF tăng trưởng 68,2%, qua đó trở thành quỹ tích cực nhất thị trường.

Có thành tích "tệ" thứ hai trong quý 3/2021 trong số các quỹ được thống kê là VNM ETF với hiệu suất âm 6,34%.

Các quỹ ETF sử dụng VN30 làm chỉ số cơ sở như SSIAM VN30 ETF, MAFM VN30 ETF hay DCVFM VN30 ETF có hiệu suất âm quanh ngưỡng 5%, tương đương mức giảm của VN30-Index.

Một số quỹ ETF khác như FTSE Vietnam ETF, SSIAM VNX50 ETF, Premia MSCI Vietnam ETF hay Fubon FTSE Vietnam ETF đều có hiệu suất âm trong quý 3.

Việc các quỹ ETF có hiệu suất kém tích cực trong quý 3 là điều không quá bất ngờ khi cách thức hoạt động của loại hình quỹ này là bám sát các chỉ số, do đó thường có biến động đồng pha với thị trường chung.

Dù vậy, vẫn có quỹ ETF ngược dòng tăng trưởng là trường hợp DCVFM VNDiamond ETF với hiệu suất hoạt động dương 1,94% trong quý 3. Việc nắm giữ nhiều cổ phiếu tăng trưởng tốt trong quý như FPT, MWG, GMD, REE, NLG đã giúp hiệu suất quỹ ngược dòng thị trường tăng trưởng.

Cũng trong quý 3, các quỹ ngoại lớn hàng đầu trên thị trường Việt Nam như VEIL Dragon Capital hay Pyn Elite Fund đã ghi nhận hiệu suất hoạt động âm lần lượt 3,78% và âm 3,69%.

Trong khi đó, hiệu suất hoạt động VOF VinaCapital tăng trưởng nhẹ 0,13% trong quý 3. Việc đầu tư một phần vào trái phiếu cũng như doanh nghiệp tư nhân (Private Equity) đã giúp danh mục quỹ bớt phần ảnh hưởng từ thị trường chung.

Có kết quả hoạt động tích cực nhất trong quý 3 là DCDS (tên cũ VFMVF1) với mức tăng trưởng NAV/Shares đạt 5,2%. Việc danh mục có nhiều cổ phiếu tăng trưởng tốt như NKG, VND, FPT…cùng với nắm giữ khoảng 20% tiền và trái phiếu đã giúp danh mục quỹ ít chịu ảnh hưởng hơn từ nhịp điều chỉnh của thị trường trong quý 3.

Tính chung 9 tháng đầu năm, DCVFM VNDiamond ETF là quỹ tăng trưởng tốt nhất thị trường với hiệu suất lên tới 55,9%, xếp tiếp theo là quỹ ngoại Vietnam Holding với mức tăng trưởng 47,4%.

Nhiều quỹ lớn có hiệu suất âm trong quý 3/2021, SSIAM VNFinLead ETF giảm sâu bởi cổ phiếu ngân hàng - Ảnh 2.

Trong khi đó, SSIAM VNFinLead dù tăng trưởng âm trong quý 3 nhưng nhờ hiệu suất tốt trong nửa đầu năm 2021 nên tính chung 9 tháng, hiệu suất quỹ vẫn đạt 46,3% và thuộc top đầu thị trường.

VEIL Dragon Capital – quỹ ngoại có quy mô lớn nhất Việt Nam (2,5 tỷ USD) có hiệu suất hoạt động khá tích cực, lên tới 38% trong 9 tháng đầu năm, vượt trội so với VN-Index cũng như VN30-Index.

Một quỹ ngoại lớn khác là Pyn Elite Fund (quy mô khoảng 830 triệu USD) có hiệu suất không quá xuất sắc trong 9 tháng đầu năm với mức tăng trưởng NAV/Shares chỉ là 18,8%, thấp hơn VN-Index cũng như VN30-Index.

Quỹ có hiệu suất "tệ" nhất trong nhóm được thống kê là VNM ETF với mức tăng trưởng vỏn vẹn 10,5% sau 9 tháng.

Minh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên