MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều rủi ro rình rập khi tham gia mua bán chuyển nhượng sổ tiết kiệm

12-05-2023 - 08:57 AM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều rủi ro rình rập khi tham gia mua bán chuyển nhượng sổ tiết kiệm

Không chỉ mua bán trực tiếp, hiện tại thị trường còn xuất hiện một số cá nhân hoặc tổ chức làm trung gian mua bán sổ tiết kiệm. Theo các chuyên gia, việc có nhiều thành phần tham gia khiến cho hoạt động chuyển nhượng các giấy tờ có giá này tiềm ẩn không ít rủi ro.

Nhiều phương thức mua bán sổ tiết kiệm

Như chúng tôi đã thông tin, gần đây, do cần vốn và ngại việc tất toán sổ tiết kiệm trước hạn sẽ chỉ nhận được lãi không kỳ hạn; hay có mong muốn đáo hạn sớm để tranh thủ gửi lại trước khi lãi suất giảm sâu, không ít người đã chọn bán lại sổ tiết kiệm.

Như trường hợp của anh Nguyễn Thế Dương, ngụ tại quận 3, TP.HCM, vì cần vốn nên mới đây anh có bán lại 2 sổ tiết kiệm có tổng trị giá 500 triệu, kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 11%.

“Hồi tháng 11, lúc lãi suất tiết kiệm lên cao, thị trường nhà đất lại khó khăn, mình có đem 500 triệu chia thành 2 sổ để gửi vào ngân hàng. Bây giờ mình thấy có cơ hội đầu tư, nhưng sổ tiết kiệm phải đến tháng 11 năm sau mới đáo hạn. Đáo hạn ở ngân hàng thì lại chỉ được lãnh lãi không kỳ hạn, trong khi mình cũng đã gửi được 6 tháng rồi. Một số người khuyên mình tìm cách bán lại sổ. Mình cũng thử và chuyển nhượng được. Chỉ cần cầm sổ tiết kiệm, một số giấy tờ tùy thân lên trực tiếp ngân hàng làm thủ tục, đóng phí chuyển nhượng là có thể bán được”, anh Dương chia sẻ.

Bên cạnh mua bán trực tiếp, hiện tại còn xuất hiện một số cá nhân hoặc tổ chức làm trung gian mua bán sổ tiết kiệm. Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Nhung, người đang đang bán giúp 10 sổ tiết kiệm cho một người khác tại khu vực TP.HCM, cho biết người mua chỉ cần chuyển khoản đặt cọc trước 10% và ngay hôm sau có thể đến ngân hàng để thanh toán phần còn lại và nhận sổ.

“Khách muốn bán trước để tranh thủ lúc lãi suất chưa giảm sâu còn gửi lại được, nê tôi bán giúp. Do cần thanh lý gấp nên tôi chỉ giao dịch khi nhận đặt cọc trước. Ví dụ sổ tiết kiệm 200 triệu, lãi suất 12%, còn 1-2 tháng đáo hạn, người mua phải chuyển khoản trước 10%. Sau khi đặt cọc, ngay trong ngày hoặc hôm sau là hai bên có thể ra ngân hàng thanh toán phần còn lại và thực hiện chuyển nhượng sổ. Người mua chỉ cần mất 100 nghìn phí chuyển nhượng tại ngân hàng và 100 nghìn phí ‘cà phê’ cho mình”, chị Nhung giới thiệu.

Chị nói thêm, ngay sau khi chuyển tiền đặt cọc, bên bán sẽ tạo ngay một ủy nhiệm chi cho phía ngân hàng hoặc một giấy ủy quyền rút tiền trước và gửi ngay cho người mua để xác nhận đặt cọc.

Hàng loạt rủi ro rình rập khi mua bán sổ tiết kiệm

Ở góc nhìn của luật sư Nguyễn Văn Hưng, Công ty Luật TNHH Phúc Khánh Hưng, theo Thông tư số 48/2018/TT-NHNN vào ngày 31/12/2018 về quy định tiền gửi tiết kiệm, đã có hành lang pháp lý về việc chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm. Tổ chức tín dụng hướng dẫn người gửi tiền cách thực hiện chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm hợp pháp.

Bên cạnh đó, việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm yêu cầu hoàn thiện giấy tờ cả 3 bên: chủ cũ, chủ mới, ngân hàng chủ quản. Vì thế, việc mua bán sổ tiết kiệm chỉ được thực hiện tại chi nhánh/ phòng giao dịch dưới sự hỗ trợ trực tiếp của giao dịch viên. Vì thế, nếu việc mua bán sổ tiết kiệm giữa bên mua và bên bán được ngân hàng đồng ý và thực hiện đầy đủ các thủ tục chuyển nhượng sổ tiết kiệm tại điểm giao dịch tiết kiệm nơi gửi tiền thì người mua không phải chịu rủi ro.

Ngược lại, nếu bên mua chấp nhận việc chuyển nhượng bên ngoài ngân hàng, dù có lập hợp đồng có công chứng thì vẫn sẽ phải đối mặt với tình huống sổ tiết kiệm không được sang tên vì sổ tiết kiệm mua lại chỉ có giá trị nếu được ngân hàng đồng ý.

Nhiều rủi ro rình rập khi tham gia mua bán chuyển nhượng sổ tiết kiệm - Ảnh 1.

Luật sư Nguyễn Văn Hưng, Công ty Luật TNHH Phúc Khánh Hưng

“Trên thực tế, có nhiều trường hợp người mua và người bán chuyển nhượng sổ tiết kiệm cho nhau dưới hình thức ký hợp đồng ủy quyền nhận tiền thay khi đến hạn. Tuy nhiên, ủy quyền không phải là một hình thức chuyển nhượng, người ủy quyền có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền. Nếu người ủy quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền, sau đó báo mất sổ tiết kiệm thì người được ủy quyền có khả năng cao phải đối mặt với việc mất tiền 100% nếu người ủy quyền chủ động lừa đảo”, luật sư Hưng đánh giá.

Ông Hưng nói thêm, hiện nay có một số giao dịch bên bán bên bán đề nghị sử dụng ủy nhiệm chi để đảm bảo an toàn trong việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm. Tuy nhiên, hình thức này chỉ áp dụng đối với việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm giữa các pháp nhân và hình thức này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro cho người mua.

“Bản chất của việc ủy nhiệm chi là không làm thay đổi quyền sở hữu đối với sổ tiết kiệm. Mặc dù bên mua đã có trong tay giấy ủy nhiệm chi, nhưng bên bán vẫn có thể thực hiện giao dịch đối với sổ tiết kiệm đó. Do đó, rủi ro sẽ hoàn toàn thuộc về bên nhận ủy nhiệm chi, kéo theo là các tranh chấp phát sinh kéo dài. Từ đó, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên mua khi bỏ số tiền lớn để mua sổ tiết kiệm nhưng lại chỉ nhận về giấy ủy nhiệm chi”, ông Hưng đánh giá

Theo đó, đối với việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm giữa các cá nhân, để tránh rủi ro cho người mua thì các bên nên thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định tại Thông tư 48/2018/TT-NHNNN tại điểm giao dịch tiết kiệm nơi gửi tiền để người mua nhận được sổ tiết kiệm mang tên mình.

Văn Tuệ

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên