Nở rộ hoạt động sang nhượng sổ tiết kiệm lãi suất cao
Không ít nhà đầu tư vẫn đang nuối tiếc “mùa hoa đẹp nhất” của lãi suất tiền gửi và có động thái đi mua lại sổ tiết kiệm với lãi suất cao.
- 09-05-2023Vụ 'hô biến' tiền gửi SCB thành bảo hiểm: Manulife thỏa thuận riêng với 20 khách
- 09-05-2023Chính sách hỗ trợ 2% lãi suất kết quả rất thấp, Chính phủ sẽ có báo cáo riêng gửi Quốc hội
- 07-05-2023Bảo hiểm liên kết ngân hàng: Cần giải pháp mạnh đằng sau những “cái bắt tay”
-
Áp lực của các ngân hàng trung ương tăng lãi suất cũng sẽ có thể khiến lãi suất điều hành trong nước nhích nhẹ lên trong đầu năm nay. Tuy nhiên, cơ quan quản lý vẫn sẽ cố gắng ổn định tình hình trong nước.
-
Lãi suất huy động có xu hướng tăng trong thời gian qua chủ yếu là do 2 yếu tố: 1) Sự phục hồi của nền kinh tế hậu đại dịch và 2) Những tác động của lạm phát.
Nở rộ hoạt động sang nhượng sổ tiết kiệm lãi suất cao
Chỉ cần gõ từ khóa “mua bán sổ tiết kiệm với lãi suất cao” trên các trang mạng xã hội, người dùng sẽ dễ dàng bắt gặp hàng loạt bài đăng với nội dung chuyển nhượng, mua bán sổ tiết kiệm với lãi suất cao. Có cả những hội nhóm chuyên nghiệp chuyên mua bán trao đổi sổ tiết kiệm.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, những người đang chào bán sổ tiết kiệm chủ yếu là những khách hàng đã gửi được tiền với lãi suất trên 11-12% trong giai đoạn lãi suất tiền gửi tăng nóng hồi quý IV/2022 hoặc đầu năm 2023. Giờ đây, do cần vốn và ngại việc tất toán sổ sẽ chỉ nhận được lãi của tiền gửi không kỳ hạn, không ít chủ sổ tiết kiệm đã tìm đến cách sang nhượng cho người khác. Số khác thì lại muốn tranh thủ đáo hạn để gửi lại ngân hàng lúc lãi suất vẫn chưa giảm sâu.
Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Ly, một chủ hộ chuyên kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản với thị trường Trung Quốc là một điển hình. Hồi tháng 12/2022, do thấy lãi suất tiết kiệm tăng cao, cộng thêm tình hình kinh tế bên đối tác không khả quan, chị đã rút hơn một nửa vốn để gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, từ khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn, các cơ hội kinh doanh cũng mở ra nhiều hơn, chị lại cần vốn để quay lại sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, các sổ tiết kiệm lại chưa đến hạn, nếu rút thì sẽ không được hưởng lãi cao.
“Cuối năm ngoái tôi để một nửa lượng vốn lưu động của công ty - gần 2 tỷ đồng vào tiền gửi ngân hàng với lãi suất là 11%. Tôi dự trù tình huống sẽ phải dùng đến số tiền này sớm hơn thời hạn nên đã chủ động chia ra thành nhiều sổ. Tuy nhiên, điều không ngờ là nhu cầu tiêu dùng của phía đối tác lại khôi phục nhanh đến vậy, trong khi các sổ của tôi đến tháng 6 mới đáo hạn. Nếu tất toán ngay, tôi sẽ chỉ nhận được lãi suất không kỳ hạn 0,1%, coi như không có gì. Một vài người bạn và nhân viên ngân hàng có khuyên tôi vay thế chấp bằng sổ tiết kiệm nhưng tôi không thích thủ tục rườm rà, với lại đến nay cũng chỉ còn vài tháng là đáo hạn. Do đó tôi chọn cách chuyển nhượng sổ tiết kiệm"- chị Ly chia sẻ.
Anh Nguyễn Minh Trọng ngụ tại quận 2, TP HCM cũng chia sẻ, mới đây, khi đến giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng, anh được nhân viên chào mua lại sổ tiết kiệm của một số khách hàng đã gửi tiền trước đây.
“Sau lễ 30/04-01/05, mình đến ngân hàng để gửi tiền và rất bất ngờ vì lãi suất đã giảm sâu chỉ còn có 7-8%/năm. Mình hỏi về các chương trình cộng lãi suất khi gửi tiền với số dư lớn, nhưng nhân viên ngân hàng thông báo lãi suất không qua vượt qua được 9%. Sau đó một giao dịch viên giới thiệu với mình mua lại một sổ tiết kiệm có lãi suất 12% của một khách hàng khác. Sau khi gặp được người kia tại ngân hàng và cả hai xuất trình đầy đủ giấy tờ và làm thủ tục đầy đủ, mình cũng đã mua được sổ tiết kiệm. Chi phí duy nhất mình phải trả là một phần lãi cho thời gian vị khách kia đã gửi và phí sang nhượng 110 nghìn đồng”, anh Trọng cho biết.
Sang nhượng sổ tiết kiệm có hợp pháp?
Theo luật sư Nguyễn Văn Hưng, công ty Luật TNHH Phúc Khánh Hưng, việc mua bán, chuyển nhượng sổ tiết kiệm không phải là việc làm quá lạ lẫm. Thông tư số 48/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 quy định về tiền gửi tiết kiệm đã có hành lang pháp lý cho việc chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm. Theo đó sổ tiết kiệm cũng được coi là giấy tờ có giá và người chủ sở hữu có đầy đủ các quyền định đoạt tài sản theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, Thông tư số 48/2018/TT-NHNN có nêu rõ việc chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm được thực hiện như sau: Tổ chức tín dụng hướng dẫn người gửi tiền cách thực hiện chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm hợp pháp. Trường hợp sổ được chuyển nhượng theo thừa kế, đối tượng nhận sang tên cần đảm bảo là công dân Việt Nam (nếu là sổ gửi bằng đồng Việt Nam), hoặc công dân Việt Nam là người cư trú (nếu sổ gửi bằng ngoại tệ).
Cũng theo luật sư, tại các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng hiện nay, việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm yêu cầu hoàn thiện giấy tờ cả 3 bên: chủ cũ, chủ mới, ngân hàng chủ quản. Vì thế, thủ tục này chỉ được thực hiện tại chi nhánh/ phòng giao dịch dưới sự hỗ trợ trực tiếp của giao dịch viên.
"Việc chuyển quyền sở hữu sổ tiết kiệm được thực hiện tại điểm giao dịch tiết kiệm nơi gửi tiền. Các bên phải lập giấy chuyển quyền sở hữu sổ tiết kiệm theo mẫu quy định của ngân hàng. Chữ ký của người chuyển quyền sở hữu phải đúng với chữ ký mẫu đã đăng ký tại điểm giao dịch tiết kiệm nơi gửi tiền. Sau khi nhận chuyển nhượng quyền sở hữu tài khoản tiền gửi, người nhận chuyển nhượng chỉ được thực hiện giao dịch tại nơi đã thực hiện giao dịch chuyển nhượng", ông Hưng giải thích chi tiết về quy trình giao dịch mua bán sang tên sổ tiết kiệm
Theo đó, bằng cách chuyển nhượng, chủ sổ sẽ tránh được việc phải nhận lãi không kỳ hạn cho số tiền rút sớm, trong khi người mua có thể được hưởng lãi suất cao hơn so với việc lập sổ mới và tiếp tục được chi trả tiền lãi theo kỳ hạn gửi tiền trước đó. Tuy nhiên, việc mua bán lại sổ tiết kiệm này chỉ hấp dẫn với những trường hợp: số tiền trao đổi lớn, người bán phải chịu thiệt một phần, người mua được hưởng lợi từ giao dịch với lãi suất cao từ ngân hàng.
Chuyên gia nói gì?
Chuyên gia kinh tế, TS.Ngô Ngọc Quang - giảng viên trường Đại học Ngân hàng, đã có những lý giải về việc tại sao hoạt động mua bán sổ tiết kiệm lại diễn ra sôi động trong thời gian gần đây, đồng thời có một số lưu ý nhà đầu tư phải đặc biệt quan tâm.
Theo ông Quang, cuối quý IV/2022 và đầu quý I/2023, hệ thống ngân hàng xuất hiện cuộc đua lãi suất huy động, mức lãi suất 10-12%. Điều này đã kích thích rất nhiều người dân đi gửi tiết kiệm, thậm chí xuất hiện cả hiện tượng người tiêu dùng mặc cả lãi suất với ngân hàng. Việc dòng tiền tìm đến nơi có lãi suất cao khi gửi tiết kiệm hay đầu tư là điều rất bình thường. Tuy nhiên, vừa qua cơ quan quản lý đã có các động thái điều tiết, chấn chỉnh việc huy động tiền gửi với lãi suất cao tại các ngân hàng. Mặt bằng lãi suất tiết kiệm theo đó cũng đã hạ nhiệt.
Việc hạ lãi suất nhanh chóng khiến cho một bộ phận người gửi tiền chưa kịp thích nghi. Nhóm này vẫn mong muốn được gửi tiền với lãi suất quanh ngưỡng 10%/năm.
“Mặc dù tiết kiệm là hình thức đầu tư dễ dàng, không mất vốn, song câu chuyện này lại liên quan mật thiết đến bức tranh tài chính tổng thể của một cá nhân hoặc doanh nghiệp. Do thiếu sự tư vấn từ các chuyên gia, không ít trường hợp chỉ vì thấy lãi suất cao mà “vung tay quá trán”, gửi phần lớn lượng tiền đang có vào tiết kiệm. Bên cạnh đó, tại một số ngân hàng, để nhận được lãi suất 10-12%, khách hàng phải gửi các kỳ hạn dài 24-36 tháng. Tất cả những điều này đã dẫn đến tình trạng tiến thoái lưỡng nan, rút tiền thì chỉ được hưởng lãi không kỳ hạn, song không rút thì lại không thể chi tiêu cho các nhu cầu khác. Vì lẽ đó, mà hoạt động sang nhượng sổ tiết kiệm diễn ra sôi động hơn trong thời gian gần đây”, TS. Ngô Ngọc Quang đánh giá.
Ngoài ra, hiện nay một số loại sổ tiết kiệm có lãi suất cao, song lại đi kèm với quyền lợi bảo hiểm. Người tiêu dùng nên chú ý thêm chi tiết này khi tham gia mua bán chuyển nhượng. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia để biết được việc mua các loại tài sản này có hài hòa với bức tranh tài chính tổng thể hay chưa.
“Khách hàng phải hết sức cẩn trọng khi tìm kiếm và thực hiện các giao dịch này qua mạng xã hội hay môi trường điện tử bởi rủi ro bị đánh cắp thông tin và lừa đảo rất dễ xảy ra. Người tiêu dùng phải đặc biệt lưu ý cảnh giác trước các rủi ro lừa đảo khi bên bán yêu cầu chuyển khoản trước. Ngoài ra, người tiêu dùng nên tham vấn ý kiến chuyên gia tài chính về việc phân bổ thêm vào tiết kiệm có phù hợp hay không, để tránh xảy ra những vấn đề ách tắc thanh khoản”, TS.Quang nói thêm.
Ông đồng thời đánh giá, nhu cầu mua lại các sổ tiết kiệm có lãi cao có thể sẽ vẫn còn. Vì thứ nhất thời gian tới lãi suất sẽ tiếp tục hạ, trong khi thông thường, dòng tiền lại thích tìm đến nơi có lãi suất cao. Thứ hai, để hưởng lãi suất cao trên 10% không ít ngân hàng yêu cầu khách hàng phải gửi tiền ở các kỳ hạn dài 24-36 tháng. Trong khi đó, hiện nay các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế phục hồi đã liên tục được nhà nước đưa ra, tăng trưởng GDP được nhiều đơn vị dự báo sẽ sớm phục hồi. Bên cạnh đó, đà giảm các thị trường đầu tư cũng đã chậm lại và có sự ổn định hơn. Tất cả những điều này gợi mở cho việc các cơ hội kinh doanh, đầu tư sẽ sớm được mở ra và việc phân bổ quá nhiều vốn trong tiền gửi ngân hàng đôi khi sẽ không phải là một lựa chọn tốt. Do đó, thời gian tới, không loại trừ có một bộ phận những người gửi tiền ở các kỳ hạn dài có mong muốn chuyển nhượng lại sổ tiết kiệm.
Nhịp sống Thị trường
Sự kiện: FTalk - Chuyên gia talk
Xem tất cả >>- VDSC: Phát hành tín phiếu không phải là tín hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ, nhưng không gian để nới lỏng thêm tương đối hạn chế
- Kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2023, 2024
- Tỷ giá tăng cao: ‘kẻ cười, người khóc’
- Liệu có cơ hội đầu tư cổ phiếu bảo hiểm khi lãi suất tiền gửi giảm sâu?
- Lãi suất tiết kiệm chạm đáy, người dân 'đổ tiền' vào đâu?