MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất huy động đã giảm bao nhiêu so với giai đoạn cao điểm?

09-05-2023 - 08:26 AM | Tài chính - ngân hàng

Lãi suất huy động đã giảm bao nhiêu so với giai đoạn cao điểm?

Lãi suất huy động đã liên tục giảm mạnh từ tháng 2 đến nay, đặc biệt là sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành vào ngày 15/3 và 3/4.

Trong giai đoạn cao điểm hồi giữa tháng 1, ngoại trừ nhóm Big4, tất cả ngân hàng trong hệ thống đều niêm yết lãi suất cao nhất ở mức trên 9%/năm, thậm chí xấp xỉ 10% tại một số ngân hàng tư nhân nhỏ.

Lãi suất huy động đã liên tục giảm mạnh từ đầu tháng 2 đến nay, đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành vào ngày 15/3 và 3/4. So với giai đoạn cao điểm hồi đầu năm, lãi suất huy động niêm yết tại các ngân hàng đã giảm khoảng 0,5 – 1,7% ở tất cả kỳ hạn.

Khảo sát biểu lãi suất niêm yết trên website của 34 ngân hàng trong sáng ngày 9/5 cho thấy, phần lớn ngân hàng áp dụng lãi suất cao nhất cho kỳ hạn dưới 6 tháng là 5,5%/năm - mức trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Nhìn chung không có sự chênh lệch lớn giữa các ngân hàng tại kỳ hạn dưới 6 tháng.

Tại kỳ hạn 6 tháng, HDBank đang niêm yết lãi suất cao nhất hệ thống là 8,6%/năm, dành cho các khoản tiền gửi trực tuyến. Đứng sau HDBank, có 4 ngân hàng khác đang niêm yết mức lãi suất 8,5% cho kỳ hạn này là Nam A Bank, ABBank, OCB và VietABank.

Tại kỳ hạn 12 tháng , mức lãi suất cao nhất đang được các ngân hàng niêm yết là 8,8%/năm, được áp dụng tại ABBank và OCB. Mức lãi suất trên 8,5% còn có sự góp mặt của một số ngân hàng như Viet A Bank (8,7%), Bắc Á Bank (8,6%), VietBank (8,6%), HDBank (8,6%).

Ở các kỳ hạn trên 12 tháng , ABBank áp dụng mức lãi suất 9,0-9,2%/năm cho khách hàng gửi theo hình thức online. Khách hàng OCB được hưởng lãi suất 9,1%/năm khi gửi online kỳ hạn từ 13 tháng trở lên. HDBank áp dụng lãi suất 9%/năm cho duy nhất kỳ hạn 13 tháng, hình thức tiết kiệm trực tuyến. Các ngân hàng khác đều đã giảm lãi suất huy động tại các kỳ hạn trên 12 tháng xuống dưới 9%/năm.

Lãi suất huy động đã giảm bao nhiêu so với giai đoạn cao điểm? - Ảnh 1.

Dù đã giảm khá sâu so với giai đoạn cao điểm, mặt bằng lãi suất huy động vẫn cao hơn khá nhiều so với giai đoạn dịch bệnh. Điều này khuyến khích người dân chuyển hướng sang gửi tiết kiệm khi các kênh đầu tư khác có hiệu quả sinh lời không cao và nhiều rủi ro.

Theo số liệu mới nhất của NHNN, trong 2 tháng đầu năm 2023, lượng tiền gửi của dân cư tăng thêm hơn 314 nghìn tỷ đồng (+5,36%) và đánh dấu 15 tháng liên tiếp tăng trưởng dương. Đến cuối tháng 2, tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư đã lên gần 6,18 triệu tỷ đồng.

Trong khi đó, tiền gửi của các doanh nghiệp tại hệ thống ngân hàng đã giảm tới hơn 338.000 tỷ đồng (-5,68%) trong 2 tháng đầu năm, xuống còn 5,61 triệu tỷ.

Theo Chứng khoán VnDirect, tiền gửi từ cá nhân có sự phục hồi do môi trường lãi suất cao đã tiếp tục thu hút khách hàng cá nhân. Ngược lại, tiền gửi của các các tổ chức kinh tế tiếp tục suy giảm do nhiều doanh nghiệp thu hẹp tỷ lệ đòn bẩy tài chính trong bối cảnh lãi suất cao, nhà đầu tư đáo hạn trước hạn TPDN và môi trường kinh doanh ảm đạm.

Trong thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp chính sách, một mặt hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất, mặt khác điều hành để tạo thanh khoản ổn định, tạo niềm tin vững chắc cho thị trường trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế với lãi suất cho vay hợp lý, tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi nền kinh tế.

Trên cơ sở đó, mặt bằng lãi suất huy động được dự báo sẽ tiếp tục giảm thêm.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý II/2023 của NHNN cũng cho thấy, các ngân hàng kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn hệ thống giảm 0,08 - 0,1 điểm % trong Quý II/2023 và giảm 0,19 – 0,34% trong cả năm 2023. Kết quả này trái ngược với dự báo tăng nhẹ mặt bằng lãi suất trong quý I/2023 và cả năm 2023 của kỳ điều tra trước.

Quốc Thụy

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên