MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ giá tăng cao: ‘kẻ cười, người khóc’

03-10-2023 - 15:24 PM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều doanh nghiệp vay USD lo lắng khi tỷ giá tăng. Ảnh minh họa

Nhiều doanh nghiệp vay USD lo lắng khi tỷ giá tăng. Ảnh minh họa

Tỷ giá USD/VND bật tăng đã khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và vay USD bị ảnh hưởng, trong khi những doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu lại được hưởng lợi.

Tỷ giá USD/VND bật tăng

Ghi nhận thị trường tự do ngày 3/10 cho thấy, tỷ giá USD/VND hiện ở mức 24.500 - 24.550 đồng/USD (mua vào - bán ra), tăng 130 đồng ở chiều mua và 100 đồng ở chiều bán.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm do NHNN công bố là 24.059 đồng/USD, tăng 6 đồng so với phiên trước, sau khi giảm 30 đồng ở phiên đầu tuần. Cụ thể, tính đến 9 giờ sáng nay, giá mua USD thấp nhất đang ở mức 24.120 đồng/USD (cao hơn 70 đồng), giá mua cao nhất đang ở mức 24.200 đồng/USD (cao hơn 30 đồng); ở chiều bán ra, giá bán thấp nhất đang ở mức 24.500 đồng/USD (cao hơn 50 đồng), giá bán cao nhất đang ở mức 24.540 đồng/USD (cao hơn 70 đồng).

Trên thực tế, tỷ giá USD/VND tăng không phải theo mùa và bất ngờ. Từ đầu tháng 8/2023, tỷ giá USD/VND đã có những biến động khá mạnh. Ngày 14/9, giá USD ở các ngân hàng thương mại lên mốc 24.400 đồng/USD, đây là mức cao nhất 9 tháng qua. Tương tự, giá bán USD tại Sở Giao dịch NHNN cũng liên tục tăng cao. Ngày 15/8, lần đầu tiên trong lịch sử, giá bán USD vượt mốc 25.000 đồng/USD. Giá bán USD tại Sở Giao dịch vào ngày 14/9 tăng lên 25.163 đồng/USD.

Lý giải cho đà tăng của tỷ giá USD/VND, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán của HSBC Việt Nam cho biết, nguyên nhân chính đến từ những biến động trên thị trường quốc tế. Cụ thể, những lo ngại về lạm phát của Mỹ chưa hạ nhiệt nhanh như kì vọng, trong khi mặt bằng lãi suất của Mỹ đã tăng trở lại trong tuần vừa qua.

Mặt khác, đối tác thương mại lớn khác của Việt Nam là Trung Quốc lại cho thấy những dấu hiệu chậm lại đáng kể của đà hồi phục kinh tế sau mở cửa, khiến đồng Nhân dân tệ (CNY) đã mất giá mạnh trong tháng qua. Điều này cũng khiến cho đồng USD tăng lên, trong khi các ngoại tệ khác trong khu vực lại mất giá đáng kể, dĩ nhiên VND cũng không ngoại lệ.

Chưa kể, tính từ đầu năm đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có 4 lần tăng và 2 lần giữ nguyên lãi suất; trong đó, mỗi lần tăng là 25 điểm cơ bản. Nếu tính từ đầu chu kỳ siết chặt chính sách tiền tệ lần này của Fed kể từ tháng 3/2022, cơ quan này đã tăng lãi suất 11 lần để kiềm chế lạm phát, khiến lãi suất cơ bản tại Mỹ chạm mức cao nhất trong vòng 22 năm trở lại đây.

Việc tăng lãi suất của Fed cũng đã tác động đến nền kinh tế Việt Nam, buộc NHNN phải hạ lãi suất điều hành với tổng cộng 4 lần hạ lãi suất, đưa mức chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ lên mức kỷ lục từ trước tới nay. Sự chênh lệch lãi suất cũng là một yếu tố tạo tâm lý găm giữ ngoại tệ khiến tỷ giá bật tăng.

Thế nhưng, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế - tài chính, áp lực này chưa phải là tạm dừng. Dữ liệu mới đây cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ trong tháng 8/2023 đã tăng 0,6%, cao hơn 3,7% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức cao vượt dự báo và cách xa so với mục tiêu 2% trong cả năm 2023 của Fed. Điều này tạo áp lực khiến Fed có thể phải duy trì mức lãi suất cao đến hết quý 1/2024.

Có thể thấy, sau phiên họp chính sách tháng 9/2023, giới chức Fed cũng phát đi tín hiệu có thể sẽ có thêm 1 lần tăng lãi suất nữa trong năm nay; đồng thời sau khi lãi suất đạt đỉnh, có thể sẽ thực hiện ít đợt cắt giảm lãi suất hơn so với dự kiến trước đó. Yếu tố trên đã tạo áp lực khiến chỉ số US Dollar Index (DXY) - chỉ số đo lường biến động của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới, neo quanh vùng cao nhất từ đầu năm 2023 đến nay, trên ngưỡng 105 điểm.

"Kẻ cười, người khóc"

Tỷ giá USD/VND bật tăng đã tác động nhiều nhóm ngành, trong đó phần lớn là các nhóm ngành có nguồn thu ngoại tệ như: hàng dệt may, thủy sản, giày dép, điện tử, nông sản, cao su và gỗ…

Tỷ giá tăng cao: ‘kẻ cười, người khóc’ - Ảnh 2.

Tỷ giá tăng tác động đến doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ngành dệt may (GIL, TCM, TNG…), công nghệ (FPT, CMG…), thủy sản (VHC, ANV, MPC, IDI, FMC…), cao su (DPR, PHR…), thực phẩm (LTG, TAR, PAN…) lại ít bị ảnh hưởng bất lợi, thậm chí còn được hưởng lợi dưới tác động 2 chiều của tỷ giá.

Cụ thể, với ngành dệt may, phần lớn nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài sau đó gia công xuất khẩu nên biến động tỷ giá sẽ ít làm thay đổi kết quả kinh doanh của các nhóm ngành này. Trong khi đó, ngành thủy sản, cao su, thực phẩm được xem là hưởng lợi nhiều nhất khi các doanh nghiệp này phần lớn doanh thu đến từ hoạt động xuất khẩu, đồng thời nợ vay bằng USD không lớn.

Đối với ngành công nghệ, do hưởng lợi từ hoạt động gia công và xuất khẩu phần mềm nên tác động tỷ giá có lợi hơn có hại. Tuy nhiên, do có nhiều doanh nghiệp vay USD để nhập khẩu linh kiện nên tỷ giá USD/VND cũng tác động đến lãi suất vay. Điển hình như doanh nghiệp FPT, dù được hưởng lợi chênh lệch tỷ giá từ xuất khẩu nhưng FPT có khoảng 381 triệu USD nợ vay, điều này sẽ làm giảm phần lãi chênh lệch tỷ giá từ hoạt động xuất khẩu.

Công ty chứng khoán Mirae Asset Securrities Vietnam (MASVN) cho biết, nếu dựa trên dữ liệu báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, hiện một số doanh nghiệp có thể chịu tác động tiêu cực từ việc tỷ giá tăng, gồm: Tổng Công ty phát điện 3 - Công ty Cổ phần (PGV), Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP), Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Công ty Cổ phần Tập đoàn PC1 (PC1)… do phần lớn nguyên phụ liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Nhận định về tác động của tăng tỷ giá, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết, tỷ giá USD/VND tăng đã kéo theo áp lực trả nợ nước ngoài (nhất là khu vực tư nhân), đồng thời làm gia tăng áp lực lạm phát do giá nhập khẩu của nguyên liệu đầu vào và hàng hóa tiêu dùng tăng lên. Áp lực tỷ giá càng lớn, dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ trong nước càng thu hẹp.

Theo ông Hinh, thời gian tới, NHNN vẫn hỗ trợ để ổn định tỷ giá trong năm nay do thặng dư thương mại ở mức cao, dòng vốn FDI và kiều hối ổn định, nguồn cung ngoại tệ bổ sung từ thoái vốn cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Việc ổn định được tỷ giá trong biên độ phù hợp sẽ giảm thiểu được tác động tiêu cực và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Thực tế, để giảm bớt áp lực lên tỷ giá, NHNN mới đây đã kích hoạt trở lại hoạt động phát hành tín phiếu sau khi tạm ngưng từ đầu tháng 3/2023. Theo đó, liên tiếp trong 5 phiên giao dịch gần đây, NHNN đã chào thầu thành công 70.000 tỷ đồng tín phiếu 28 ngày, hút ra khỏi hệ thống ngân hàng lượng VND tương ứng.

Theo giới phân tích, hành động phát hành tín phiếu của NHNN ngay sau khi có kết quả cuộc họp của Fed cũng là một động thái để giảm bớt ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất lên tỷ giá. Tuy nhiên trong trường hợp chỉ số đồng USD tăng mạnh, NHNN có thể phải bán ngoại tệ can thiệp để ổn định tỷ giá.

Trong khi đó, chuyên gia của HSBC Việt Nam nhận định, USD sẽ yếu trở lại vào những tháng cuối năm trong bối cảnh Fed đã đạt tới gần cuối chu kỳ thắt chặt tiền cuối năm. Cùng với đó, những yếu tố nội tại của Việt Nam như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn tích cực. Vì vậy, biến động của tỷ giá chỉ là trong ngắn hạn.

Ở chiều ngược lại, một số chuyên gia lo ngại, nếu NHNN tiếp tục hạ lãi suất điều hành, trong khi Fed vẫn chưa có chủ trương ngưng thắt chặt tiền tệ và đồng Nhân dân tệ giảm giá sâu hơn thì tỷ giá USD/VND sẽ chịu thêm không ít áp lực trong những tháng cuối năm.

Theo Hải Yên

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên