MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều sóng gió đe dọa cản trở sự phục hồi của ngành thép ASEAN

11-07-2022 - 07:54 AM | Thị trường

Nhiều sóng gió đe dọa cản trở sự phục hồi của ngành thép ASEAN

Nhu cầu thép của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là trở lại mức trước khi xảy ra đại dịch trong bối cảnh lo ngại về lạm phát tăng cao và căng thẳng địa chính trị.

Lo ngại lớn nhất là lạm phát

Một điều dễ nhận thấy là thị trường đang trong tình trạng rất bấp bênh giữa bối cảnh xung đột ở Ukraine tiếp diễn và lạm phát ngày càng tăng, trong khi hoạt động xây dựng tiếp tục hồi phục sau giai đoạn trì trệ vì dịch bệnh, nhưng lĩnh vực ô tô tăng trưởng chậm chạp. Lạm phát trên toàn cầu đã nổi lên như một trở ngại lớn đối với sự phục hồi kinh tế của ASEAN trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Tỷ lệ lạm phát ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đã tăng lên 9,37% trong thời gian từ tháng 1 năm 2022 đến tháng 4 năm 2022, so với mức 4,23% của cùng kỳ năm trước, dữ liệu từ báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu tháng 6 của Ngân hàng Thế giới cho thấy.

"Tỷ lệ lạm phát trung bình ở các nước ASEAN tăng từ 0,9% vào tháng 1 năm 2021 lên 3,1% vào tháng 12 năm 2021 và sau đó lên 4,7% vào tháng 4 năm 2022", Sithanonxay Suvannaphakdy, nhà nghiên cứu chính của Viện ISEAS – Yusof Ishak, trước đây là Viện Đông Nam Á, cho biết.

Viện Sắt và Thép Đông Nam Á (SEAISI) đã cảnh báo rằng các doanh nghiệp trong ngành thép ASEAN sẽ phải tìm kiếm nguồn cung cấp thay thế cho các sản phẩm thép bán thành phẩm và than luyện cốc vì nhập khẩu từ Nga và Ukraine bị cắt giảm do xung đột giữa hai nước.

Ngân hàng Thế giới cho biết: "Nga và Ukraine chiếm một tỷ trọng nhỏ - dưới 3% - trong xuất khẩu toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều ngành công nghiệp toàn cầu phụ thuộc vào nguồn cung cấp các mặt hàng quan trọng được sản xuất tại hai nước, đặc biệt là ở Nga".

Nhu cầu thép phục hồi dẫn tới rủi ro

Các nhà phân tích và nhà kinh doanh trên thị trường nhìn chung đều nghi ngờ rằng nhu cầu ở ASEAN có thể trở lại mức trước đại dịch sớm nhất là vào năm 2023.

Trong năm 2022, Hiệp hội Thép thế giới (Worldsteel) dự báo nhu cầu của ASEAN là 76,1 triệu tấn, tăng 4,8% so với mức 72,6 triệu tấn vào năm 2021. Tuy nhiên, nhu cầu dự kiến ​​cho năm 2022 vẫn thấp hơn mức 80,3 triệu tấn được công bố vào năm 2019 – năm trước đại dịch.

Dựa trên dự báo của Hiệp hội, nhu cầu thép ASEAN dự kiến ​​sẽ trở lại mức trước đại dịch vào năm 2023, khi dự kiến ​​đạt 80,8 triệu tấn.

Tuy nhiên, "dự báo cho năm 2022 và 2023 có thể tùy thuộc vào một số kịch bản nhất định đi kèm với rủi ro theo hướng giảm", Nae Hee Han, Giám đốc nghiên cứu kinh tế của Worldsteel cho biết tại một sự kiện do SEAISI tổ chức với chủ đề Dự báo nhu cầu thép ASEAN.

Theo S&P Global, để đạt công suất 50 triệu tấn/năm, Đông Nam Á có thể phải trải qua một thập kỷ nữa, thay vì khoảng thời gian 5-6 năm như tính toán trước đây. Mặc dù dự báo này có vẻ khá thận trọng, song sẽ không có gì ngạc nhiên nếu tổng công suất mới vẫn thấp hơn mức 50 triệu tấn/năm.

Nhu cầu thép ASEAN chậm chạp

Tại Indonesia, nhu cầu thép được dự báo là 16,3 triệu tấn vào năm 2022, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, và sẽ tăng lên 17,3 triệu tấn vào năm 2023, được hỗ trợ bởi dự báo lĩnh vực xây dựng trong nước sẽ tăng trưởng 4,9%, Hiệp hội Công nghiệp Gang thép Indonesia cho biết.

Dự kiến yếu tố hỗ trợ cho nhu cầu thép của Indonesia ​​cũng đến từ ngành công nghiệp ô tô địa phương - dự kiến ​​sản xuất 1,19 triệu xe vào năm 2022, tăng so với1,12 triệu xe vào năm 2021, nhưng vẫn thấp hơn 1,29 triệu xe được sản xuất vào năm 2019.

"Những gì chúng ta có thể thấy chắc chắn là sự suy giảm kinh tế. Có thể dự đoán về nhu cầu của Indonesia dựa trên (dự án) thủ đô mới ở Kalimantan, dự kiến ​​khởi công trong năm nay", thông tin từ một nhà tiêu thụ thép ở Indonesia cho biết.

Indonesia đối mặt với nhu cầu thép tăng vọt khi nước này có kế hoạch chuyển thủ đô từ Jakarta đến Đông Kalimantan vào năm 2024 và đặt tên cho thủ đô mới là Nusantara.

Một thương nhân có trụ sở tại Indonesia cho biết: "Trong thời gian từ 2018 đến 2020, tiêu thụ thép trong nước không hề tăng, năm nào Chính phủ cũng nói là 'đang tăng' hoặc 'bắt đầu tăng, nhưng thực tế điều đó đã không xảy ra".

Theo vị thương nhân này, tiêu thụ thép ở Indonesia không đổi ở mức khoảng 15 triệu tấn trong giai đoạn 2018-2020. Dữ liệu của Hiệp hội Công nghiệp Gang thép Indonesia cho thấy nhu cầu năm 2018 ở mức 15,1 triệu tấn, nhích lên 15,9 triệu tấn năm 2019 và 15,1 triệu tấn cho năm 2020.

Tại Việt Nam, nguồn tín dụng thắt chặt và các dự án xây dựng và cơ sở hạ tầng bị trì hoãn đã khiến nhu cầu thép trong lĩnh vực tiêu thụ đầu cuối yếu đi. Các khách hàng cũng tạm dừng các hoạt động mua bán do giá thép nhập khẩu giảm đều đặn.

S&P Global trích dẫn dữ liệu của Platts cho biết giá thép cuộn cán nóng SAE1006 ở mức 667 USD/tấn CFR Đông Nam Á vào ngày 30/6, giảm 12,8% so với mức 765 USD/tấn vào ngày 1/6, giảm mạnh từ mức cao nhất của năm 2022 là 925 USD/tấn đạt tới vào ngày 7 tháng 3.

Trên Sàn giao dịch Thượng Hải (Trung Quốc), giá thép đã liên tục sụt giảm từ đầu tháng 5/2022 đến nay.

Nhiều sóng gió đe dọa cản trở sự phục hồi của ngành thép ASEAN - Ảnh 1.

Giá thép thanh vằn trên sàn Thượng Hải.

Công ty thép Formosa Hà Tĩnh Steel cũng đã thấy số đơn đặt hàng giao trong tháng 8 giảm đáng kể, làm trầm trọng thêm khả năng sẽ cắt giảm sản lượng trong những tuần sắp tới.

Việt Nam cùng với Indonesia và Malaysia đã kiểm soát được lạm phát nhưng áp lực lạm phát cao vẫn đang đè nặng lên Philippines, Singapore và Thái Lan.

Nước láng giềng gần gũi của Việt Nam, Thái Lan, đã chứng kiến tỷ lệ lạm phát lên tới 7,1% trong tháng 5, mức cao nhất trong 14 năm, tăng từ mức 4,7% vào tháng 4, dữ liệu từ Văn phòng Chiến lược và Chính sách Thương mại cho thấy. Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Thái Lan dự đoán lạm phát ở mức 4,7% vào năm 2022 và từ 4,2% đến 5,2% vào năm 2023.

"Bất chấp cú sốc tiêu cực đối với hoạt động toàn cầu vào năm 2022, về cơ bản không có sự phục hồi dự kiến trong năm tới; tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ chỉ đạt 3% vào năm 2023, và nhiều cơn gió ngược – nhất là giá hàng hóa cao và chính sách tiếp tục thắt chặt tiền tệ - dự kiến sẽ còn kéo dài", Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết.

Theo WB: "Mức độ lạm phát tăng cao, kết hợp với tăng trưởng giảm tốc mạnh làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế toàn cầu đang bước vào thời kỳ lạm phát đình trệ, gợi nhớ đến những năm 1970".

Tham khảo: Spglobal

https://cafef.vn/nhieu-song-gio-de-doa-can-tro-su-phuc-hoi-cua-nganh-thep-asean-20220711000946111.chn

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên