MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều startup tỷ “đô” có thể gặp khó khi lên sàn năm 2019

09-01-2019 - 09:09 AM | Tài chính quốc tế

Những biến động mạnh của thị trường chứng khoán thời gian qua có thể khiến nhiều startup kỳ lân phải "chùn bước" trước kế hoạch IPO...

Những lo lắng trên phố Wall thời gian gần đây có thể là điềm báo chẳng lành với các startup đang được định giá cao dự kiến niêm yết trong năm nay.

Theo CNN, hai startup gọi xe lớn nhất tại Mỹ - Uber và Lyft - đã bí mật nộp hồ sơ lên Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ để xin phát hành và niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm nay. Theo đó, thông tin về tài chính của hai công ty này sẽ được công bố các nhà đầu tư trong vài tháng tới.

Đây được dự báo sẽ là những thương vụ IPO "khủng" khi mà Uber và Lyft đang lần lượt được định giá 72 tỷ USD và 15 tỷ USD. Airbnb, WeWork và Pinterest, đều có định giá ít nhất 10 tỷ USD, cũng được đồn đoán đang cân nhắc IPO trong năm nay.

Khi ngày càng nhiều nhà kinh tế dự báo rằng ít nhất sẽ có một đợt suy thoái nhẹ vào năm 2020, những công ty này nhiều khả năng sẽ cố gắng lên sàn trước đó để tránh rủi ro. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán biến động như hiện tại có thể sẽ vẫn khiến một số công ty phải cân nhắc lại kế hoạch IPO. Những vấn đề Facebook và một số hãng công nghệ khác đang phải đối mặt cũng sẽ khiến các startup phải thận trọng.

Năm của các startup kỳ lân?

Theo một số nhà phân tích, những cú chao đảo trên thị trường có thể khiến các công ty nhỏ phải tạm gác lại IPO. Tuy nhiên, thị trường sẽ phải giảm mạnh hơn nữa mới đủ để khiến các startup lớn hoãn kế hoạch lên sàn.

"Uber và Lyft đang nhận được quan tâm lớn. Tuy nhiên, nếu một công ty có nền tảng tốt, nó sẽ nhận được quan tâm", Matt Kennedy, chiến lược gia về IPO tại Renaissance Capital, cho biết. "Rất nhiều công ty đã chuẩn bị cho IPO bằng cách ổn định tình hình tài chính".

Nhiều chuyên gia khác cũng tỏ ra lạc quan về các thương vụ IPO dự kiến được thực hiện trong năm nay. "Sẽ vẫn có biến động và kéo dài thêm kế hoạch cho một thương vụ IPO. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng điều này sẽ không diễn ra quá lâu", Jared Carmel, đối tác quản lý tại Manhattan Venture Partners - công ty nghiên cứu và đầu tư vào các công ty chưa niêm yết, cho biết.

Carmel cho rằng điều quan trọng là các nhà đầu tư phải xem xét kỹ nền tảng cũng như định giá của bất kỳ công ty nào chuẩn bị lên sàn. Ông cho biết Manhattan Venture Partners quyết định đầu tư vào Lyft thay vì Uber bởi định giá công ty này quá cao đồng thời gặp phải nhiều vấn đề trong thời gian cựu CEO Travis Kalanick còn điều hành.

"Uber được định giá cao dù đây không phải một công ty hoàn hảo", Carmel nói nhưng cũng thừa nhận rằng startup này đã có những bước đi đầy hứa hẹn kể từ khi Dara Khosrowshahi lên giữ chức CEO, bao gồm việc rút khỏi một số thị trường quốc tế và đầu tư vào dịch vụ giao đồ ăn UberEats.

Vẫn còn những hoài nghi

Tuy nhiên, cũng có một số nhà phân tích cảnh báo các nhà đầu tư không nên quá "đắm đuối" với những startup kỳ lân khổng lồ. Gần đây, một số công ty lớn lên sàn nhưng sau đó nhanh chóng bị "thất sủng" trên phố Wall.

Scott Kessler, giám đốc nghiên cứu chứng khoán của CFRA, chỉ ra rằng giá cổ phiếu hãng âm nhạc trực tuyến Spotify đã giảm mạnh kể từ khi IPO vào năm ngoái. Snap, công ty mẹ của Snapchat, cũng lên sàn khá hoành tráng vào năm 2017 nhưng không mất quá lâu để lao dốc, Kessler cho biết.

Giá cổ phiếu Twitter hiện cũng tụt quá xa so với mức đỉnh kéo dài ngắn ngủi sau khi IPO hơn 5 năm trước. Thậm chí Facebook gần đây cũng gặp phải những rắc rối lớn.

Biến động lớn trên thị trường gần đây cũng có thể là một lý do khiến những công ty như Uber, Airbnb và một số khác phải đợi khá lâu để lên sàn.

Do đó, một số startup lớn hiện nay có xu hướng chuyển sang thu hút các khoản đầu tư chiến lược thay vì IPO. Đơn cử, công ty xì gà điện tử khổng lồ Juul mới đây bán 35% cổ phần cho công ty mẹ của Marlboro - Altria. Hay hãng game Epic Games bán 40% cổ phần cho hãng công nghệ Tencent của Trung Quốc.

"Nhiều công ty chưa niêm yết nhận thấy không có nhiều lợi ích khi lên sàn", Kessler . "Với nhiều công ty, (niêm yết) còn làm nảy sinh những vấn đề tiêu cực và bị quản lý chặt hơn nhiều".

Theo Hoài Thu

VnEconomy

Trở lên trên