Nhiều thay đổi trong quy định về trung gian thanh toán
Cá nhân khi mở ví phải cung cấp các thông tin như căn cước công dân hoặc CMND, hoặc hộ chiếu còn thời hạn, giấy khai sinh.
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 23/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, chính thức có hiệu lực từ ngày 7/1/2020.
Theo đó, khi sử dụng ví điện tử , khách hàng (chủ ví điện tử) chỉ được nạp tiền vào ví điện tử từ tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng tại ngân hàng và nhận tiền từ ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử mở.
Nghiêm cấm hành vi sử dụng ví điện tử để thực hiện các giao dịch cho các mục đích rửa tiền.
Thông tư 23/2019/TT-NHNN cũng quy định nghiêm cấm hành vi sử dụng ví điện tử để thực hiện các giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác…Mục đích sử dụng ví điện tử để thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp; chuyển tiền cho ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử mở; Rút tiền ra khỏi ví điện tử về tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng tại ngân hàng.
Ngoài ra, Thông tư 23 cũng bổ sung quy định khi cá nhân mở ví phải cung cấp các thông tin như Căn cước công dân hoặc CMND hoặc hộ chiếu còn thời hạn, giấy khai sinh (đối với cá nhân là công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi)…
Theo nhận định của Luật gia Bùi Tường Vũ, việc yêu cầu người mở ví điện tử phải cung cấp thông tin cá nhân là hợp lý, bởi ví điện tử là phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, do đó ngân hàng cần có thông tin cụ thể của người dùng để tránh tình trạng 1 người mở hàng chục tài khoản ví cho các mục đích vi phạm pháp luật./.
VOV