Nhiều tiến sĩ, thạc sĩ Trường Đại học Quảng Bình phải bán hàng online... vì bị nợ lương?
Trong số gần 150 giảng viên, người lao động "kêu cứu" ở Trường Đại học Quảng Bình bị nợ lương từ 2-8 tháng, thì có nhiều người là tiến sĩ, thạc sĩ. Để có tiền xoay xở, họ phải lên mạng bán hàng online.
Trao đổi về lý do Trường Đại học Quảng Bình nợ lương, ông Nguyễn Đức Vượng, Bí thư Đảng ủy - Hiệu trưởng nhà trường, cho biết thời gian qua, trường gặp khó khăn về công tác tuyển sinh dẫn đến nguồn thu sụt giảm.
Trường cũng "bế tắc"
Theo ông Vượng, hiện Trường Đại học Quảng Bình chỉ còn hơn 1.000 sinh viên, trong đó hơn một nửa là sinh viên sư phạm. Trong khi nguồn thu chính lại đến từ sinh viên các ngành ngoài sư phạm, khiến nguồn thu sụt giảm nghiêm trọng nên việc cân đối chi trả lương không thực hiện được.
"Số cán bộ, giảng viên này được tuyển dụng vào ở thời điểm "hoàng kim" của Trường, lúc đó gần 10.000 sinh viên theo học, nhưng hiện giờ chỉ còn hơn 1.000 sinh viên. Khó khăn như hôm nay phần lớn nguyên nhân từ những lãnh đạo tiền nhiệm khi tuyển dụng vào quá nhiều vị trí việc làm" - ông Vượng khẳng định.
Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Bình nói rằng sắp tới sẽ căn cứ theo hướng dẫn về vị trí việc làm của Bộ Giáo dục - Đào tạo để sắp xếp cơ cấu lại vị trí việc làm, những người không nằm trong quy hoạch các vị trí việc làm thì sẽ không được giữ lại. Trong khi chờ hướng dẫn về vị trí việc làm, trường đã chủ trương đưa ra những giải pháp trước mắt, như tạo điều kiện cho giảng viên chuyển việc.
"Nếu giảng viên nào tìm được công việc tốt hơn thì có thể chuyển. Trường hợp nào tìm được những công việc tạm thời trong thời gian không có giờ dạy ở trường thì trường cũng tạo điều kiện cho người ta đi làm" - ông Vượng nói.
Theo tìm hiểu của Báo Người Lao Động, Trường Đại học Quảng Bình hiện có 236 nhân sự, trong đó 99 người là công chức. Hơn 130 người còn lại là viên chức và lao động hợp đồng, đa phần là cán bộ, giảng viên, nhiều người đã giảng dạy tại trường hơn 15 năm nay.
Tuy nhiên 8 tháng qua, chỉ 99 người trong diện công chức được nhận lương, số còn lại gần 150 người bị nợ lương. Đáng chú ý trong số này có tới 18 người trình độ tiến sĩ, 82 người trình độ thạc sĩ.
Tiến sĩ, thạc sĩ phải đi bán hàng online
Vì không có lương trong thời gian dài, nhiều gia đình giảng viên rơi vào cảnh khốn khó, túng quẫn phải chạy vạy khắp nơi để lo cho gia đình. Trong số đó, có nhiều giảng viên là tiến sĩ, thạc sĩ phải bán hàng online để kiếm thêm thu nhập.
Cô T. là thạc sĩ dạy ở trường, chồng cũng làm viên chức tại trường này. Vì 2 vợ chồng suốt nhiều tháng liền bị nợ lương nên phải xoay xở đủ đường để mưu sinh, lo cho con cái.
"Thậm chí lúc khó khăn, tôi còn phải lên mạng xã hội bán hàng online để thu nhập nuôi con. Có gia đình cả hai vợ chồng cùng làm giảng viên trong trường thì càng thêm chật vật hơn. Một hai tháng không có lương còn xoay xở được, chứ đây liên tục cả 8 tháng thì không ai chịu nỗi" – cô T. kể.
Dù không có lương, nhiều người vì tính chất công việc nên hơn 136 giảng viên, nhân viên vẫn phải đi làm đều đặn ngày 8 giờ. Nhiều cán bộ, giảng viên bị nợ lương bức xúc và liên tục "kêu cứu" lên ban lãnh đạo trường trong thời gian qua.
Ban Giám hiệu Trường Đại học Quảng Bình vừa có buổi làm việc với Ban Thường vụ Công đoàn trường này nhằm tìm biện pháp đảm bảo chế độ cho giảng viên, người lao động.
Tuy nhiên, kết quả làm việc rơi vào "bế tắc" khiến 136 giảng viên, nhân viên và người lao động ở Trường Đại học Quảng Bình lâm cảnh tuyệt vọng. Trong khi Tết Nguyên đán 2024 đang đến gần, họ lại tiếp tục thông báo bị nợ lương từ tháng 1 đến tháng 3-2024, do nhà trường không có nguồn để chi trả.
Công đoàn Trường Đại học Quảng Bình đã có báo cáo việc chậm chi trả lương, chế độ liên quan cho người lao động tại trường gửi Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Bình.
Trước đó, Báo Người Lao Động từng phản ánh, sau vụ Hiệu trưởng và Kế toán trưởng của Trường Đại học Quảng Bình bị kỷ luật thì mới đây, Bảo hiểm xã hội tỉnh này công bố trường đang nợ 232 cán bộ, nhân viên tiền BHXH với số tiền hơn 2 tỉ đồng. Trường này thuộc top 10 những đơn vị nợ tiền BHXH của người lao động nhiều nhất.
Người lao động