MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều tín hiệu tích cực dần trở lại thị trường chứng khoán sau chuỗi ngày giảm sâu

Chứng khoán Việt Nam có nhiều triển vọng tươi sáng về dài hạn

Chứng khoán Việt Nam có nhiều triển vọng tươi sáng về dài hạn

Nhiều cổ phiếu ngược dòng bứt phá cho thấy bên bán không còn gây áp lực trên diện rộng như những phiên trước đó. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn miệt mài mua ròng khi thị trường về mức định giá hấp dẫn đang phần nào phản ánh triển vọng tươi sáng trong dài hạn của chứng khoán Việt Nam.

Thị trường chứng khoán vừa khép lại một phiên đầu tuần không thật sự như mong đợi khi VN-Index đảo chiều từ mức tăng 33 điểm đầu phiên xuống đóng cửa giảm gần 11 điểm. Tuy nhiên, đã có một số tín hiệu tích cực xuất hiện để nhà đầu tư có thể hy vọng chuỗi ngày dò đáy sớm kết thúc.

VN-Index quay đầu giảm với biên độ lớn nhưng độ rộng thị trường không hoàn toàn nghiêng về bên bán, thậm chí số mã tăng điểm (232 mã) trên HoSE còn nhiều hơn số mã giảm điểm (224 mã). Số mã tăng trên UpCOM cũng vượt trội so với mã giảm dù chỉ số giảm điểm nhẹ. Thậm chí, HNX-Index còn giữ được sắc xanh cùng 149 mã tăng điểm, áp đảo so với 72 mã giảm cũng là một dấu hiệu khả quan. Ở một góc độ nào đó, có thể cho rằng thị trường phiên hôm nay "đỏ vỏ nhưng xanh lòng".

Khác với các phiên trước khi thị trường biến động mạnh theo chiều hướng không mấy khả quan, lực bán thường chiếm ưu thế trên diện rộng khiến gần như không nhóm cổ phiếu nào có cơ hội ngược dòng. Tuy nhiên, phiên vừa qua đã ghi nhận những tín hiệu tích cực đến từ sự khởi sắc của nhóm chứng khoán, dầu khí. Không chỉ ngược dòng tăng điểm mà nhiều cổ phiếu như HCM, PVS, PVT, PVC còn "tím lịm" giúp níu giữ niềm tin của nhà đầu tư.

Thêm nữa, một số cổ phiếu ngân hàng như VCB, CTG, BID, MBB,... ngược dòng đã góp phần không nhỏ "đỡ" thị trường trước áp lực bán. Thực tế, nhóm ngân hàng vốn được đánh giá sẽ gặp khó trong bối cảnh dòng tiền không đủ dồi dào. Tuy nhiên, việc các cổ phiếu lớn đã mạnh dạn "đứng mũi chịu sào" hơn mang đến kỳ vọng vào sự khởi sắc trong những phiên tới.

Bên cạnh đó, giao dịch khối ngoại tiếp tục là điểm sáng khi vừa mua ròng hơn 200 tỷ đồng trên toàn thị trường phiên vừa qua. Trước đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng đã gom gần 1.700 tỷ đồng trong tuần VN-Index giảm điểm kỷ lục.

Thực tế, dòng tiền ngoại đã có sự trở lại từ giai đoạn cuối tháng 3 – thời điểm chứng khoán Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn điều chỉnh kéo dài. Từ đầu tháng 4, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 5.500 tỷ trên sàn. Đóng góp chính đến từ các quỹ ETF, trong đó chủ đạo là dòng vốn đến từ Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc).

Nhiều tín hiệu tích cực dần trở lại thị trường chứng khoán sau chuỗi ngày giảm sâu - Ảnh 1.

Dòng tiền ngoại đang có xu hướng trở lại

Trong khi đa số các thị trường trong khu vực đang chịu bán ròng, động thái mua ròng gần đây đã phần nào phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng dài hạn sáng sủa của chứng khoán Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh định giá thị trường đã rơi về mức hấp dẫn hiếm có sau nhịp giảm sâu.

Theo số liệu từ Algoplatform, hiện P/E trailing của thị trường đã lùi về ngưỡng 12,59 lần, chiết khấu khá nhiều so với mức 16,4 lần hồi tháng 4/2022. Trong vòng 10 năm trở lại đây, chỉ có 2 lần P/E của VN-Index xuống dưới mức 12,x (1) vào đầu năm 2016 dưới áp lực FED tăng lãi suất và ngừng QE, tiền rút mạnh khỏi các thị trường mới nổi, VN-Index giảm 18% và (2) vào tháng 3/2020, do đại dịch Covid-19 lan rộng gây khủng hoảng nghiêm trọng, VN-Index giảm 34%.

Nhiều tín hiệu tích cực dần trở lại thị trường chứng khoán sau chuỗi ngày giảm sâu - Ảnh 2.

P/E của VN-Index rơi xuống mức tương đương với các giai đoạn khủng hoảng

Theo thống kê từ SGI Capital, những lần suy giảm lớn trên đều mở ra cơ hội đầu tư rất tốt sau đó với mức tăng 35-80% sau 1 năm. Quỹ đầu tư này cho rằng, lần giảm mạnh gần đây có sự khác biệt là kinh tế Việt Nam đang có nền tảng vĩ mô vững vàng nhất trong 15 năm qua, với áp lực lạm phát, tỷ giá, và lãi suất không quá lớn và trong tầm kiểm soát. Các doanh nghiệp đang bước vào chu kỳ phục hồi hậu Covid với đà tăng trưởng lợi nhuận 1-3 năm tới rất mạnh mẽ. Vì thế, những lý do để bán tháo cổ phiếu về mức rất rẻ lần này không tới từ những yếu tố nội tại.

Dragon Capital cũng có cùng quan điểm tích cực về triển vọng dài hạn của chứng khoán Việt Nam. Theo quỹ ngoại này, mức định giá hiện tại của thị trường Việt Nam càng trở nên hấp dẫn nổi bật khi so sánh với các thị trường trong khu vực. Dù vẫn còn những ẩn số trong ngắn hạn, tại mức định giá này, tiềm năng lợi nhuận dành cho các nhà đầu tư dài hạn là rất rõ ràng.

Nhiều tín hiệu tích cực dần trở lại thị trường chứng khoán sau chuỗi ngày giảm sâu - Ảnh 3.

Chứng khoán Việt Nam đang có định giá hấp dẫn so với các thị trường trong khu vực

Về tình hình vĩ mô, Dragon Capital đánh giá các diễn biến bất ổn trong thời gian gần đây dường như đang gây ra sự đảo ngược của xu hướng toàn cầu hóa. Tuy nhiên, Việt Nam có một vị trị địa lý rất thuận lợi khi là cầu nối giữa hai khu vực kinh tế đông dân và năng động, đó là Trung Quốc và Đông Nam Á.

Điều này cùng với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do được ký trong nhiều năm qua sẽ giúp cho Việt Nam có lợi thế thu hút chuyển dịch đầu tư, sản xuất trong xu hướng khu vực hóa kinh tế. Nếu lợi thế này được tận dụng thành công, Dragon Capital tin rằng Việt Nam có thể tiếp tục duy trì được động lực tăng trưởng 6,5-7% và sự ổn định trong vòng 4 năm tới.

https://cafef.vn/nhieu-tin-hieu-tich-cuc-dan-tro-lai-thi-truong-chung-khoan-sau-chuoi-ngay-giam-sau-20220516170245908.chn

Hà Linh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên