Nhiều tình tiết bất ngờ trong vụ con kiện bố chiếm đoạt 43 tỷ đồng tại ngân hàng Việt Á
Theo ông Lê Hữu Phước, toàn bộ số tiền được gửi tiết kiệm giao dịch tại Ngân hàng Việt Á chi nhánh An Giang thuộc quyền sở hữu hợp pháp của vợ chồng ông. Do đi nước ngoài, sợ rủi ro nên ông mới nhờ con trai đứng tên 5 sổ tiết kiệm.
Con trai kiện bố mẹ ruột chiếm đoạt 43 tỷ đồng
Anh Lê Đình Trung (SN 1980), cùng vợ là chị Tiêu Mỹ Ngọc, ngụ đường Điện Biên Phủ, phường Mỹ Long, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang vừa làm đơn khởi kiện giám đốc ngân hàng Việt Á chi nhánh An Giang và giám đốc ngân hàng Việt Á chi nhánh Cần Thơ, hai nhân viên ngân hàng và bố mẹ ruột đã cấu kết lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình.
Theo phản ánh của anh Lê Đình Trung, trong khoảng thời gian từ 13/1 đến 6/4/2016, vợ chồng anh đã gửi 5 sổ tiết kiệm tại Ngân hàng Việt Á chi nhánh An Giang với tổng trị giá hơn 43,5 tỷ đồng. 3 cuốn sổ đứng tên anh Trung, 2 đứng tên chị Ngọc (vợ anh) với cùng kỳ hạn 6 tháng.
Từ ngày 1 đến 2/6, vợ chồng anh nhận được điện thoại của ông Lê Hữu Phước (bố đẻ anh Trung) nói anh lên ngân hàng Việt Á chi nhánh Cần Thơ để ký giấy dự thưởng. Anh Trung và vợ lên ngân hàng đưa CMND và được giao dịch viên tên Lan Anh đưa rất nhiều tờ giấy trắng (giấy A4) cho vợ chồng anh ký.
Đầu tháng 7, khi gần đáo hạn cuốn đầu tiên, anh chị phát hiện đã mất cả 5 cuốn. Hỏi ngân hàng, anh được biết toàn bộ số tiền trong 5 quyển sổ nêu trên đã được chuyển cho ông Lê Hữu Phước và bà Nguyễn Thị Hồng - bố mẹ ruột của anh Trung.
Sợ đi máy bay rủi ro, nhờ con trai đứng tên hộ 5 sổ tiết kiệm
Trong khi đó, theo đơn giải trình của ông Lê Hữu Phước cùng vợ là bà Nguyễn Thị Hồng mà chúng tôi có được, ông Phước khẳng định toàn bộ số tiền được gửi tiết kiệm giao dịch tại Ngân hàng Việt Á chi nhánh An Giang thuộc quyền sở hữu hợp pháp của vợ chồng ông.
Mọi giao dịch với ngân hàng từ nhiều năm nay đều do ông Phước trực tiếp thực hiện; quá trình giao dịch ông yêu cầu ngân hàng làm thủ tục, nộp tiền mặt, chuyển tiền, lập sổ, nhận lãi do nhân viên ngân hàng thực hiện.
"Tôi gọi vợ của tôi - Nguyễn Thị Hồng, con ruột của tôi - Lê Đình Trung, con dâu - Tiêu Mỹ Ngọc chỉ đến ngân hàng ký tên vào các thủ tục quy định rồi về; mọi thủ tục giấy tờ, sổ tiết kiệm của ngân hàng đều do tôi giữ (bản chính). Bản thân tôi là chủ doanh nghiệp tư nhân khai thác cát sông đã lập nghiệp từ 3 đời là Doanh nghiệp tư nhân Tân Lê Quang", ông Phước cho biết.
Ông bà Phước có 4 người con. 2 người con thứ ba và út đang sinh sống ở Úc. Anh Lê Đình Trung là út nam, hàng ngày anh Trung vẫn đi làm cho doanh nghiệp của ông Phước.
Vừa qua vợ chồng ông Phước đi nước ngoài thăm con, cháu, phải đi bằng máy bay, sợ rủi ro nên có sự tính toán nếu gặp chuyện không may nên để Trung đứng tên nhờ 5 sổ tiết kiệm có kỳ hạn để lấy lãi (2 sổ: 10 tỷ, 1 sổ 8 tỷ, 1 sổ 7,979 tỷ và 1 sổ 7,2 tỷ) tổng cộng hơn 43,5 tỷ đồng, các sổ này có kỳ hạn 6 tháng, có sổ gửi từ năm 2015 cứ mỗi 6 tháng tất toán nên lập sổ mới hưởng lãi suất cao hơn.
"Do toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm là của vợ chồng tôi, chúng tôi giữ bản chính, khi đi nước ngoài sẽ gửi sổ cho Trung, nếu cha mẹ có hữu sự anh em sẽ phối hợp với nhau sử dụng khi cần. Vì vậy, vợ chồng Trung đã tự nguyện ký tên chuyển nhượng trả lại 5 sổ tiết kiệm trên cho cha mẹ vào ngày 1/6/2016 là việc bình thường", ông Phước nêu trong đơn giải trình.
Tuy nhiên sự bất thường lại xảy ra ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6/2016, vào thời điểm Trung và Ngọc bỏ nhà đi Cần Thơ để trốn nợ sau khi xin lỗi cha mẹ và xin được cha mẹ tha lỗi, cho tiền trả nợ với số tiền rất lớn.
"Đúng là vợ chồng tôi rất đau lòng khi nghe được con ruột của mình trở mặt và vu khống cha mẹ, chắc có lẽ do ai đó xúi giục nên Trung mới hành động sai trái như vậy", ông bà Phước ngậm ngùi chia sẻ.
Vào những ngày cuối tháng 5/2016, ông bà bất ngờ nghe tin Trung và Ngọc vay tiền hàng xóm số tiền 5,5 tỷ đồng và chơi 7 đầu hụi đã hốt hết (trở thành hụi chết) số tiền phải đóng hụi chết còn lại là hơn 2,8 tỷ đồng. Và Trung còn báo là đã lấy giấy đỏ (bản chính) của 3 nền nhà (TP. Long Xuyên) để bảo lãnh việc vay nợ và lấy giấy tờ nhà đất vợ con Trung đang ở đem thế chấp Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương - chi nhánh An Giang để vay 5,7 tỷ đồng.
Như vậy tổng số tiền Trung và Ngọc thế chấp tài sản để vay nợ là hơn 14 tỷ chưa kể tiền lãi. Ông bà Phước cho biết đã thu xếp trả tiền vay cho ngân hàng và nợ, hụi.
"Rất đau khổ khi phải khắc phục toàn bộ tiền vay của con nên khi giải chấp ngân hàng để Trung ký tên nhận lại tài sản và Trung tự nguyện đề nghị với cha mẹ ký tên để giao lại cho cha mẹ bằng hợp đồng cho tặng nhà đất lại cho tôi vào ngày 30/5/2016, tự nguyện đề nghị ký tên chuyển trả 5 sổ tiết kiệm lại cho cha mẹ để tránh phiền phức về sau vào ngày 1/6/2016. Thời điểm này Trung và Ngọc bỏ trốn đi Cần Thơ nên chi nhánh ngân hàng ở Cần Thơ phối hợp với chi nhánh An Giang làm thủ tục để Trung và Ngọc ký tên đề nghị chuyển quyền sở hữu 5 sổ tiết kiệm trả lại cha mẹ theo quy định và thủ tục của ngân hàng, hoàn toàn không có việc dùng thủ đoạn gian dối hoặc ép buộc con ký tên chuyển trả lại tài sản", ông Phước cho hay.
Theo đơn giải trình này, ông bà Phước mong được cơ quan xác minh làm rõ, mang lại sự trong sạch cho ông bà tránh gây ảnh hưởng đến công việc làm ăn của doanh nghiệp và cũng để bảo vệ uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp cho vợ chồng ông bà Phước, đồng thời sớm kết luận việc chuyển quyền thụ hưởng các sổ tiết kiệm nêu trên là tự nguyện và đúng pháp luật.
Ngân hàng Việt Á khẳng định đã làm đúng
Trao đổi với chúng tôi, đại diện ngân hàng Việt Á cho biết ngày 6/7/2016, ông Trung và bà Ngọc có gửi Đơn Khiếu nại đến Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh An giang với nội dung Khiếu nại và đề nghị huỷ giao dịch chuyển nhượng sở hữu các sổ tiết kiệm nói trên.
Ngày 7/7/2016, VietABank An Giang có buổi làm việc và giải trình bằng văn bản đến Giám đốc và Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh An Giang về toàn bộ sự việc nêu trên.
Ngày 25/7/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra TP Cần Thơ có Công văn số 576/PC44 về việc yêu cầu cung cấp thông tin và đề nghị phong toả tài khoản và cho đến ngày 15/8/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra TP Cần Thơ gửi Công văn số 630/CSĐT đề nghị VietABank An Giang giải toả toàn bộ số tiết kiệm cho ông Lê Hữu Phước và bà Nguyễn Thị Hồng.
Phía ngân hàng khẳng định: Ngân hàng Việt Á đã thực hiện việc chuyển nhượng Sổ tiết kiệm của khách hàng đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đúng quy định pháp luật hiện hành.
VietABank cũng cam kết phối hợp với các cơ quan báo chí, cơ quan cảnh sát điều tra, cơ quan quản lý ngân hàng Nhà nước để làm rõ sự việc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng và tuân thủ pháp luật hiện hành.
Trí Thức Trẻ