MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều tổ chức tài chính Việt Nam chưa quan tâm đến áp dụng công nghệ trong phòng chống rửa tiền

Chuyên gia Ernst & Young (EY) Việt Nam cho rằng đầu tư vào công nghệ để nâng cao năng lực quản trị rủi ro gian lận và phòng chống rửa tiền trong giao dịch tài chính là một cách thức tiết kiệm và bảo vệ tài chính cho chính các tổ chức tài chính.

Vì sao công nghệ chưa được quan tâm?

Nhờ ứng dụng công nghệ, các tổ chức không chỉ tiết kiệm được thời gian, nguồn nhân lực đồng thời nâng cao độ chính xác trong quá trình xử lý và ra quyết định. Tổ chức này tại Ấn Độ ghi nhận thời gian trích xuất dữ liệu đã giảm từ 450 phút xuống còn 1 phút, độ chính xác tuyệt đối 100%, hệ thống có thể tạo ra các cảnh báo liên tục hàng ngày thay vì hàng tuần hoặc hàng tháng. Từ đó, thời gian xử lý ra quyết định được rút ngắn xuống còn 1 giờ thay vì 72 giờ, giảm thiểu hoàn toàn nguy cơ thất thoát các ghi chép về quá trình xử lý, so với 30% thất thoát được ghi nhận nếu không ứng dụng công nghệ.

"Khi trao đổi với chuyên gia nước ngoài và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tôi nhận thấy rằng tự nhìn nhận được tầm quan trọng, cũng như hiệu quả của việc áp dụng các giải pháp công nghệ vào công tác quản trị rủi ro gian lận và phòng chống rửa tiền sẽ giúp các tổ chức có sự chuẩn bị, ứng phó kịp thời với các rủi ro thay vì thực hiện khi được yêu cầu bởi các quy định pháp luật. Trong vòng 5 – 6 năm trở lại đây, chúng tôi cũng chia sẻ về những giải pháp công nghệ với các tổ chức ở Việt Nam, tuy nhiên, việc đầu tư vào phát triển hệ thống quản trị rủi ro gian lận và phòng chống rửa tiền vẫn còn chưa thực sự rõ rệt" – ông Saman Bandara, Phó Tổng Giám đốc EY Việt Nam, Trưởng Bộ phận Tư vấn Kế toán Pháp lý, Đảm bảo & Rủi ro Công nghệ thông tin và Dữ liệu Thông minh Khu vực Đông Dương chia sẻ.

Con người vẫn là yếu tố quan trọng

Theo ông Saman Bandara, nguyên nhân của việc chậm ứng dụng công nghệ trong quản trị rủi ro gian lận và phòng chống rửa tiền trong giao dịch tài chính đến từ việc chưa xác định được nhu cầu cụ thể, cũng như kế hoạch hành động rõ ràng, khả thi. Các tổ chức Việt Nam có xu hướng tìm kiếm một giải pháp hoàn hảo giúp phát hiện và phòng ngừa tất cả các gian lận. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các tổ chức được khuyến nghị sử dụng giải pháp công nghệ linh hoạt hơn, ưu tiên đáp ứng các nhu cầu cấp thiết trong một vài mảng kinh doanh có rủi ro cao hơn.

Trong bối cảnh số lượng tội phạm gian lận sử dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng. Những đối tượng này thực hiện tấn công vào những kẽ hở công nghệ thông tin khi các tổ chức tài chính chưa đề cao và chú trọng vào các kiểm soát giảm thiểu gian lận từ CNTT lên hàng đầu. Việc thiếu chuẩn bị cũng khiến các tổ chức tài chính rơi vào trạng thái lúng túng trong xử lý sự cố.

Ở góc độ cạnh tranh, thiếu ứng dụng công nghệ cũng khiến các tổ chức tài chính trong nước thua kém hơn ngay trên nội địa, trong khi các tổ chức, chi nhánh nước ngoài lại được thừa hưởng nền tảng công nghệ của ngân hàng mẹ, xây dựng hệ thống đáp ứng các quy định không chỉ ở Việt Nam mà còn theo chuẩn toàn cầu của các tổ chức này.

Nhiều tổ chức tài chính Việt Nam chưa quan tâm đến áp dụng công nghệ trong phòng chống rửa tiền - Ảnh 1.

Ông Saman Bandara, Phó Tổng Giám đốc Ernst & Young Việt Nam, Trưởng Bộ phận Tư vấn Kế toán Pháp lý, Đảm bảo & Rủi ro Công nghệ thông tin và Dữ liệu Thông minh Khu vực Đông Dương.

"Nếu như trong năm 2014 tại Việt Nam, Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính ("FATF") - một tổ chức liên chính phủ, có chức năng đưa ra các tiêu chuẩn, xây dựng và phát triển các chính sách chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, tập trung vào đánh giá việc xây dựng khung pháp lý cho hoạt động phòng chống rửa tiền, thì năm 2019, tổ chức này sẽ tập trung vào hoạt động giám sát ngân hàng, các biện pháp áp dụng đối với các tổ chức không thực hiện báo cáo các giao dịch đáng ngờ, hoặc số lượng các vụ điều tra, khởi tố liên quan hoạt động rửa tiền. 

Đặt áp lực gián tiếp lên các tổ chức tài chính hoạt động ở Việt Nam trong việc hoàn thiện biện pháp chống rửa tiền, phương thức truy xuất dữ liệu cho mục đích báo cáo giao dịch đáng ngờ. Kết quả đánh giá sắp tới không tốt, hoặc bị đưa vào danh sách các nước có rủi ro cao, sẽ khiến các tổ chức tài chính tại Việt Nam sẽ phải tốn kém nhiều hơn hoặc gặp khó khăn trong quan hệ giao dịch với các tổ chức tài chính trên thế giới" – đại diện EY nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, các tổ chức tài chính vẫn cần quan tấm đến những yếu tố khác vì công nghệ chỉ là một trong ba yếu tố cần thiết cấu thành khung quản trị rủi ro hoạt động, bao gồm: Con người – Quy trình – Công nghệ. Công nghệ giúp rà soát mọi giao dịch theo các tiêu chí đã cài đặt và đưa ra cảnh báo. Nhưng con người mới có thể xác minh và kết luận giao dịch có đáng nghi ngờ hay không. Do đó, khâu tuyển dụng và đào tạo nhân sự cần được chú trọng.

"Sau khi có kết quả điều tra và xác minh, tổ chức tài chính cần ban hành ra quy trình phù hợp, cách thức xử lý đối với từng trường hợp (ví dụ: cảnh báo, phạt, tìm kiếm sự can thiệp của pháp luật). Con người – Quy trình – Công nghệ là ba yếu tố không tách rời trong khung quản trị rủi ro gian lận. Việc đầu tư vào công nghệ chắc chắn sẽ mang lợi ích lâu dài cho các tổ chức, trong khi chi phí đầu tư sẽ được bù đắp trong thời gian ngắn"– Phó Tổng Giám đốc EY Việt Nam nhấn mạnh.

An Bình

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên