MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều vướng mắc trong quản lý, vận hành nhà chung cư, tái định cư

12-12-2016 - 10:11 AM | Bất động sản

Ngày 11/12, Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về tổ chức quản lý, vận hành nhà chung cư tái định cư trên địa bàn TP Hà Nội”.

Đến dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Ngọ Duy Hiểu.

Tại cuộc tiếp xúc, 15 ý kiến của các cử tri tập trung vào các vấn đề bất cập của các tòa nhà tái định cư: Thang máy, công tác PCCC, nơi sinh hoạt cộng đồng, giao thông…; việc sử dụng công khai, minh bạch nguồn tiền phí bảo trì 2%; thành lập Ban Quản trị của tòa nhà; sử dụng mặt bằng tầng 1; trách nhiệm của các cơ quan về hoàn thiện các chính sách… Đồng thời, chia sẻ những mô hình hay trong quản lý, vận hành các tòa nhà.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại hôi nghị.

Lo lắng trước tình trạng tầng 1 của khu chung cư, khu nhà tái định cư xảy ra lấn chiếm diện tích công cộng, sử dụng diện tích đất sai quy hoạch được duyệt để làm cơ sở kinh doanh dịch vụ, cử tri Vũ Thị Nâm (Tổ trưởng tổ 29C tòa nhà C10 (ngõ 28, Xuân La, Tây Hồ) đề nghị: TP giải quyết việc mặt bằng tầng 1 của tòa nhà C10 bị chiếm để cho người ngoài thuê trong khi đó, không công khai nguồn tài chính. Và tiền cho thuê dịch vụ này có nộp về ngân sách Nhà nước không? Đồng thời, cử tri cũng đề nghị trả lại diện tích dịch vụ tầng 1; công khai minh bạch về quỹ bảo trì 2%, máy phát điện để sử dụng khi thang máy mất điện nhưng không bao giờ sử dụng; chất lượng tòa nhà xuống cấp, hệ thống đèn chiếu sáng quanh tòa nhà không được bật.

Trong khi đó, cử tri Ngô Văn Thành (chung cư B14 Kim Liên, Đống Đa) bàu tỏ sự lo lắng trước công tác PCCC ở các tòa nhà tái định cư. Theo cử tri, trước đây, tòa nhà đã bị cháy 1 lần nên đề nghị được hỗ trợ diễn tập chữa cháy. Cửa sổ phải đảm bảo an toàn cho trẻ em, người dân buộc phải làm song sắt, khi cháy nổ, không cứu được.

Chia sẻ về mô hình dân tự quản, cử tri Phạm Đình Thái (Nhà B17T10 Trung Hòa) cho biết, năm 2006, Ban quản trị được dân bầu nhưng chủ đầu tư không tham gia nên không được công nhận mà vẫn là Ban quản trị lâm thời, tự quản. Với mô hình này, Ban quản trị lâm thời thu phí dịch vụ 240.000 đồng/hộ, nhưng Tết đến, các hộ được 300.000 đồng, đồng thời có chế độ cho trẻ nhỏ, các sự kiện hiếu hỉ… và giải quyết 40 việc làm thường xuyên cho người lao động.

 Cử tri phát biểu ý kiến.
Cử tri phát biểu ý kiến.

Trước các ý kiến của cử tri, đại diện Sở Tài chính Hà Nội khẳng định, tiền thu từ diện tích kinh doanh tầng 1, TP sẽ sử dụng để hỗ trợ 6 nội dung bảo trì của nhà chung cư, tái định cư. Đại diện các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân đồng tình trong việc thành lập Ban Quản trị tòa nhà để người dân phát huy quyền làm chủ của mình.

Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu, việc tổ chức quản lý, vận hành nhà tái định cư là một trong nhiều vấn đề bức xúc của Hà Nội. Vấn đề bức xúc này có biểu hiện của lợi ích nhóm, của việc thờ ơ, lãnh cảm. Ngay ở trong các quận huyện, đại biểu thấy nhiều quận quan tâm đến việc tổ chức quản lý, vận hành nhà chung cư, tái định cư. Tuy nhiên, có những quận chưa thực sự quan tâm. Mô hình dân tự quản đang là mô hình hiện đại, văn minh, dân chủ mà toàn thế giới đang áp dụng. Chúng ta nên vận dụng và đi theo mô hình dân tự quản này.

Thay mặt các ĐB Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã cảm ơn, ghi nhận và trân trọng tiếp thu những ý kiến đóng góp thẳng thắn của cử tri. Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng, các vấn đề mà cử tri nêu TP cũng rất quan tâm chú trọng, hiện đã có nhiều động thái tích cực để giải quyết nhưng chưa có hiệu quả.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị các quận có nhà tái định cư, cùng Sở Xây dựng phải thành lập bằng được Ban Quản trị. Không nhất thiết phải đủ dân cư thì mới thành lập Ban Quản trị. Nhà sinh hoạt cộng đồng, nếu đang cho thuê thì phải thanh lý hợp đồng lấy nhà cho dân. “Với diện tích tầng 1 phải làm rõ, cái nào nhà nước quản lý, cái nào dành kinh doanh, phải ưu tiên cho người dân, công khai minh bạch. Những vấn đề bức xúc người dân nêu, phải rà soát, kiểm tra, khắc phục, sửa chữa”, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị.

Theo Hà Linh

Kinh Tế Đô Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên