Nhìn lại 1 năm thăng trầm của tam đại doanh nhân tuổi Canh Tý lừng lẫy tại Việt Nam
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế xã, kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 2,91% là một thành tích đáng ghi nhận. Cùng với nỗ lực của cả nền kinh tế, năm 2020 cũng là dấu mốc thể hiện bản lĩnh của những doanh nhân tuổi Canh Tý trong năm tuổi của mình.
TRẦN BÁ DƯƠNG
Chủ tịch CTCP ô tô Trường Hải
Trong thông điệp năm 2020, Chủ tịch THACO Trần Bá Dương đặt mục tiêu cho mảng ô tô với doanh số bán hàng trong nước đạt trên trên 100.000 xe, bao gồm: hơn 70.000 xe du lịch Kia, Mazda, Peugeot, BMW/MINI và hơn 30.000 xe tải, bus và minibus với doanh thu ước đạt 70.000 tỷ đồng và doanh số xuất khẩu trên 1.200 xe các loại với tổng giá trị xuất khẩu ô tô đạt trên 50 triệu USD.
Mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng đến rất nhiều thị trường trên thế giới nhưng cả năm 2020, THACO xuất khẩu tổng cộng 1.407 ô tô các loại. Trong đó bao gồm 640 xe du lịch Kia Grand Carnival xuất sang Thái Lan; 320 xe Kia Cerato và 280 xe Kia Soluto qua Myanmar; 152 sơmi rơmoóc sang Mỹ, Nhật, Myanmar, Thái Lan; 14 xe tải sang Campuchia.
Xuất khẩu ô tô sang Thái Lan là câu chuyện lội ngược dòng của THACO. Ngoài việc là trung tâm sản xuất ô tô lớn của Đông Nam Á thì chính sách và thủ tục nhập khẩu vào Thái Lan khắt khe hơn các thị trường khác.
Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu linh kiện phụ tùng và cơ khí của THACO tăng 25% so với năm 2019. Áo ghế, bọc cần số, két dàn nóng, linh kiện composite… tiếp tục được xuất khẩu với số lượng lớn sang các thị trường trọng điểm Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia và mở rộng thêm các thị trường mới là Ba Lan, Ý.
Trong vài năm gần đây, THACO bước chân vào mảng nông nghiệp bằng việc cứu Hoàng Anh Gia Lai. Trước đó năm 2019, công ty con là THADI chi ra hơn 7.600 tỷ đồng để mua lại 3 công ty con của HAGL Agrico là Cao su Đông Dương, Cao su Trung Nguyên và Công ty Đông Pênh. Ba công ty này đang quản lý gần 22.500 héc ta đất nông nghiệp tại Campuchia và tỉnh Gia Lai. THADI dự kiến đạt tổng doanh thu 17.000 tỷ đồng, với mục tiêu xuất khẩu 150.000 tấn trái cây với doanh thu ước đạt 2.500 tỷ đồng, bao tiêu cho HNG là 650.000 tấn với doanh thu ước đạt 6.000 tỷ đồng.
Với mảng mới này, ông Dương cũng cho biết việc làm nông nghiệp nói chung và nhận HNG nói riêng là bất đắc dĩ. Làm Chủ tịch HNG và làm nông nghiệp công nghệ cao là thách thức lớn thứ ba trong đời doanh nhân của ông.
Ngoài cứu HNG, THADI mới đây hợp tác chiến lược với Hùng Vương để phát triển thêm mảng chăn nuôi. Tuy nhiên hoạt động chăn nuôi lợn này mới chỉ được lên kế hoạch với dự kiến đầu tư theo tiêu chuẩn EFSA với quy mô 1,2 triệu con/năm.
TRẦN KIM THÀNH
Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn KIDO
Năm 2020 là năm tái cấu trúc và M&A quyết liệt cũng như có kết quả kinh doanh ấn tượng của KIDO. Tập đoàn này ghi nhận doanh thu thuần lên tới 8.300 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ dầu ăn chiếm tỷ trọng lớn, hơn 84% và tăng 25,1%. Ngành hàng lạnh lớn thứ 2 chiếm 15,1% doanh thu, còn các ngành khác chiếm tỷ trọng ít hơn. Ngành hàng dầu ăn mang lại nhiều lợi nhuận nhờ một loạt các vụ M&A trong các năm vừa qua, với những thương vụ đình đám như Dầu ăn Tường An…
Lãi lớn năm 2020 cùng với việc hết 5 năm sau thương vụ bán thương hiệu Kinh Đô, KIDO quyết định quay trở lại ngành bánh kẹo mục tiêu lấy lại vị thứ 2 trong thời gian không xa, song song mở rộng hơn nữa ra ngành hàng Snacking (đồ ăn vặt).
Bánh kẹo chính là sản phẩm đưa KDC từ một công ty gia đình thành lập năm 1993 vào nhóm những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm, hàng tiêu dùng sau hơn 2 thập kỷ.
ĐẶNG VĂN THÀNH
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công
Đặng Văn Thành là một trong những đại gia ngành ngân hàng và mía đường nổi tiếng tại Việt Nam. Ông gây dựng nên Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và cùng vợ là bà Huỳnh Bích Ngọc dựng nên đế chế Thành Thành Công.
Năm 2020, tập đoàn này có vốn điều lệ 18.800 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 23.262 tỷ đồng, tổng tài sản 65.441 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 581 tỷ đồng; với 4 tổng công ty, 1 Ủy ban ngành và 120 đơn vị trực thuộc.
Với mảng mía đường, giai đoạn 2019-2020 được xem là thời điểm thành công của Thành Thành Công - Biên Hòa khi doanh thu đạt 12.850 tỷ đồng, tăng trưởng 18,4% so với năm trước đó, lợi nhuận gộp thu được đạt 1.403 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ, biên lợi nhuận gộp đạt 10,9%.
Công ty con này hiện kinh doanh B2B, B2C với hệ thống phân phối rộng khắp cả nước tại hơn 50.000 điểm bán lẻ và là nhà cung cấp đường lớn cho các công ty đa quốc gia hoạt động trong ngành thực phẩm, đồ uống, sữa, dược phẩm. Hồi đầu năm 2020, TTC Sugar và Dole – doanh nghiệp có doanh thu khoảng 2,5 tỷ USD/năm, sẽ hợp tác trong dự án trồng chuối Nam Mỹ để xuất khẩu trên quy mô 156 ha tại nông trường Thành Long. Ngoài hỗ trợ vốn và kỹ thuật, Dole còn có trách nhiệm bao tiêu sản phẩm mới này cho TTC Sugar.
Không ngọt ngào như mảng đường, mảng du lịch và bất động sản của Thành Thành Công khá lao đao vì Covid-19. Không chỉ bị bỏ lại phía sau bởi các doanh nghiệp hậu bối như Novaland, Hưng Thịnh… do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 doanh thu của TTC Land không tốt như kỳ vọng. Mảng bất động sản của tập đoàn này hiện còn loay hoay trong việc tìm thế hệ lãnh đạo kế cận phù hợp.
Với mảng khách sạn, theo chia sẻ của ông Nguyễn Thế Vinh - Chủ tịch TTC Hospitality Covid-19 không chỉ khiến doanh nghiệp này giảm doanh thu mà còn khiến tất cả kế hoạch - chiến lược kinh doanh trong năm 2020 gặp thách thức lớn.
Với mảng năng lượng tái tạo, Thành Thành Công là tên tuổi tích cực tham gia thị trường mới mẻ tại Việt Nam. Hồi tháng 2, ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã ký hợp đồng cho vay trị giá 37,8 triệu USD với Công ty CP Đầu tư phát triển năng lượng TTC, nhằm tài trợ vốn cho dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam.
Doanh nghiệp và Tiếp thị