MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn lại bốn lần nâng lãi suất của Fed khiến thị trường "chạm đáy nỗi đau"

23-12-2018 - 09:21 AM | Tài chính quốc tế

Mỗi lần phiên họp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) diễn ra, thị trường đều "nín thở" chờ đợi. Và hầu như phản ứng của thị trường với quyết định nâng lãi suất lại không mấy tích cực, thậm chí còn cực kỳ mạnh mẽ.

Sau phiên họp kéo dài 2 ngày vào 20 và 21/3, Chủ tịch Fed - Jerome Powell cho rằng lạm phát sẽ có thời điểm vượt qua mức 2% và đà phát triển nền kinh tế Mỹ đã được hồi phục. Ông cho biết triển vọng kinh tế đã được cải thiện trong những tháng ở thời điểm đó và quyết định sẽ nâng lãi suất cho vay thêm 0,25% lên phạm vi từ 1,5 đến 1,75%.

Ngay sau đó, chỉ số đồng USD, được coi là thước đo "sức khoẻ" của đồng bạc xanh so với những đồng tiền tệ lớn khác, đã giảm 0,77%, ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong 1 ngày kể từ ngày 24/1. Ở thời điểm này, đồng USD yếu đi là do Fed đưa ra dấu hiệu về khả năng sẽ có ít nhất hai lần nâng lãi suất nữa trong năm.

Tương tự với diễn biến của thị trường chứng khoán ngày hôm đó, tại Phố Wall và châu Âu, các chỉ số lớn đồng loạt quay đầu giảm điểm vào cuối phiên giao dịch. Cụ thể là, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones và S&P 500 đều giảm 0,2%, Nasdaq Composite cũng rớt 0,3%. Tại thị trường châu Âu, các chỉ số lớn cũng quay đầu giảm điểm. Chỉ số FTSE 100 (Anh) rớt 0,3%, CAC 40 (Pháp) mất 0,2%, còn chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 cũng mất 0,3% trong phiên giao dịch ngày 21/3 này.

Nhìn lại bốn lần nâng lãi suất của Fed khiến thị trường chạm đáy nỗi đau - Ảnh 1.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm nhẹ bởi giới đầu tư đã dự đoán về đợt tăng lãi suất này của Fed từ trước (Nguồn: Trading View)

Ở một diễn biến khác, phần lớn thị trường châu Á đều đi lên sau những thông tin về quyết định của Fed được đưa ra. Tại Trung Quốc, hai sàn giao dịch chính là Thượng Hải và Hong Kong đều tăng điểm, chỉ số Hang Seng tăng 0,48%, Shanghai Composite và Shenzhen Composite chỉ ghi nhận mức tăng nhẹ. Tương tự, chỉ số Kospi (Hàn Quốc) cũng tăng 0,74% trong phiên giao dịch này.

3 tháng sau đó, Fed chính thức đưa ra quyết định nâng lãi suất cơ bản lần thứ hai vào ngày 13/6, tăng thêm 0,25 điểm phần trăm lên khoảng 1,75 đến 2%. Các quan chức của Fed nhận thấy mức lạm phát của Mỹ đang có xu hướng tăng lên, chạm gần sát mức mục tiêu của ngân hàng trung ương này đặt ra là 2% và chính thức nâng lãi suất. Quyết định này khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng chi phí vay vốn sẽ tăng cao, gây ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và tác động tiêu cực tới diễn biến của thị trường. Chỉ 30 phút sau đó, đa số các chỉ số lớn đều trượt dốc.

Tại Phố Wall, trong phiên giao dịch ngày hôm đó, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm gần 120 điểm, S&P 500 cũng mất 0,4% và Nasdaq Composite sụt 0,11%. Chỉ số đồng USD có lúc vượt qua ngưỡng 94 điểm nhưng sau đó cũng giảm còn 93,57 điểm.

Thị trường châu Á sau đó cũng rơi vào cảnh hỗn loạn. Kết thúc phiên giao dịch này, chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm 1% đây là mức thấp nhất kể từ giữa tháng 4 năm 2016. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc mất hơn 1,4%. Thị trường Trung Quốc cũng không nằm ngoài xu hướng, chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite lần lượt giảm 0,61% và 0,32%. Dầu cũng sụt xuống dưới mốc 50 USD/thùng.

Nhìn lại bốn lần nâng lãi suất của Fed khiến thị trường chạm đáy nỗi đau - Ảnh 2.

Diễn biến của chứng khoán châu Á sau quyết định nâng lãi suất của Fed vào ngày 13/6 (Nguồn: CNBC)

Ngày 26/9, Fed quyết định tăng lãi suất lần thứ ba. Sau khi đưa ra quyết định, ông Powell phát biểu ông không nghĩ rằng lạm phát sẽ bất ngờ tăng mạnh và đây là một tình huống nằm ngoài dự đoán. Cụ thể, Fed đã nâng lãi suất qua đêm mục tiêu lên khoảng 2 đến 2,25%, so với phạm vi cũ là 1,75 - 2%.

Sau đó, lãi suất và cổ phiếu của các ngân hàng đều rớt xuống mức thấp. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm còn 3,06%. Cổ phiếu của các ngân hàng lớn JPMorgan, Bank of America và Citigroup đều giảm hơn 1%.

Tại thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới, các chỉ số lớn đồng loạt giao dịch trong biển lửa. Cụ thể, Dow Jones mất 106,93 điểm, S&P 500 giảm 0,3% và Nasdaq Composite đóng cửa phiên với mức giảm 0,2%.

Sau nhiều lần là nguyên nhân khiến thị trường trở nên hỗn loạn, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rất không hài lòng và công khai chỉ trích chủ tịch Jerome Powell. Hôm 11/10 , chứng khoán Mỹ đã chứng kiến một phiên giao dịch thực sự thảm khốc, Dow Jones đã bị bốc hơi đến 830 điểm, ông Trump đã viết trên trang Twitter mình rằng Fed chính là "thủ phạm" của tình trạng này và ngân hàng trung ương này đã "phát điên" khi liên tiếp nâng lãi suất khiến thị trường lao đốc không ngừng. Thậm chí, ông Trump còn tuyên bố "không một chút vui vẻ" khi bổ nhiệm ông Powell làm chủ tịch Fed.

Bất chấp những lời chỉ trích nặng nề của tổng thống, Fed vẫn chính thức tăng lãi suất lần cuối cùng của năm 2018 vào ngày 19/12 mới đây thêm 0,25%, nâng lãi suất cơ bản cho vay qua đêm từ 2,25% lên 2,5%. Các nhà đầu tư lo ngại rằng tốc độ nâng lãi suất của Fed sẽ khiến nền kinh tế không thể đáp ứng.

Cả thị trường chứng khoán Mỹ đều có một phiên giao dịch đỏ lửa sau khi ông Powell nói rằng ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục giảm quy mô cân đối kế toán với tốc độ như hiện nay. Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/12, Dow Jones giảm gần 360 điểm, xoá sạch mức tăng 380 điểm trước đó. S&P 500 giảm 1,5% và Nasdaq Composite cũng "thê thảm", mất 2,1%. Một ngày sau đó, diễn biến không hề khả quan hơn, các nhà đầu tư quá hoảng loạn, Dow Jones đã rớt xuống mức đáy của 14 tháng.

Nhìn lại bốn lần nâng lãi suất của Fed khiến thị trường chạm đáy nỗi đau - Ảnh 3.

Dow Jones chạm đáy trong ngày 19/12 (Nguồn: CNBC)

Tại châu Á, thị trường "nối gót" Phố Wall tiếp tục có diễn biến tiêu cực, đồng loạt lao dốc trong phiên giao dịch ngày 20/12. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,84%, Topix mất 2,51%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong cũng sụt 0,94%.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu cũng chìm trong sắc đỏ. Chỉ số FTSE 100 (Anh) giảm 0,8%, DAX 30 (Đức) hạ 1,4% và CAC 40 (Pháp) cũng giảm 1,8%.

Sau cuộc họp diễn ra hôm 19/12, Fed tuyên bố đang có kế hoạch tăng lãi suất mạnh hơn so với kỳ vọng của thị trường và để ngỏ thêm hai đợt nữa trong năm 2019, rất có thể 2019 sẽ lại là một năm đầy nỗi lo âu và giông bão với các nhà đầu tư.

Hương Giang

Tổng hợp

Trở lên trên