Nhìn lại cuộc đời ở tuổi 80 “xưa nay hiếm”, sự nuối tiếc của mọi người đều xoay quanh một thứ cực đơn giản: Nếu làm lại, ai cũng sẵn sàng đánh đổi sự nghiệp, tiền bạc để có được
Một mai khi tuổi già, chúng ta sẽ hối tiếc điều gì nhất?
Bốn năm trước, tôi đã tiếp một người phụ nữ ở độ tuổi 80 đến để tìm kiếm những lời khuyên. Bà đau khổ nhưng không phải vì người chồng đã mất vài năm trước, mà bởi trót phải lòng một người đàn ông đã có gia đình và không nhận được sự đáp trả.
Thời điểm đó tôi đã cố gắng giữ một vẻ mặt chuyên nghiệp nhất cùng những lời khuyên đầy chân thành, nhưng sâu trong thâm tâm tôi không khỏi hoang mang khi nhận ra rằng, hóa ra cả khi bạn đã 80 tuổi thì tình yêu vẫn có thể tìm đến, thậm chí cuồng nhiệt không thua gì những năm tháng tuổi trẻ.
Một trong những điểm tuyệt vời khi làm mục sư là tôi được trở thành người bạn tâm tình và người cố vấn cho mọi giai đoạn cuộc đời, từ trẻ đến già, thậm chí có người còn gấp 2-3 lần tuổi tôi. Ban đầu khi mới làm công việc này, tôi nghĩ rằng mình – một phụ nữ Mỹ gốc Hàn ở độ tuổi 30 sẽ không thể nào kết nối được với những người khách ở thế hệ khác, quốc tịch khác. Nhưng rồi người góa phụ 80 tuổi kia cùng với những vị khách khác đã cho tôi hiểu rằng những suy nghĩ trước kia của tôi là hoàn toàn sai lầm.
Tất cả chúng ta đều có niềm vui, hy vọng, nỗi sợ hãi và khát khao cho dù bao nhiêu tuổi.
Trước đây tôi cho rằng, khao khát sâu sắc và tham vọng cao, nhiệt huyết lý tưởng thường chỉ có ở tuổi trẻ. Khi chúng ta già đi, chúng ta trở nên kiên nhẫn và thận trọng hơn, hoặc có thể do vỡ mộng bởi thực tế cuộc sống và sức khỏe ngày một yếu đi mà chúng ta chậm lại. Nhưng điều đó có thực sự đúng? Nội tâm của những người già ở độ tuổi 90 thực sự như thế nào? Liệu họ còn muốn cống hiến cho công việc hay không? Liệu họ có còn khát khao về tình yêu, hay những mối quan hệ thân thiết không? Những nỗi sợ hãi, hy vọng và tâm tư lớn nhất của họ về việc ngày một già đi là gì? Hay họ hối tiếc điều gì nhất trong cuộc sống?
Tôi đã quyết tâm đi tìm câu trả lời dù không phải một nhà tâm lý học hay nhà nghiên cứu xã hội. Với một cây bút và tờ giấy trong tay, tôi đã gặp và phỏng vấn những người lớn tuổi nhất mà tôi biết, tất cả đều trong độ tuổi từ 90 đến 99.
Điều gì khiến những người già hối tiếc nhất? Đến độ tuổi này, họ đã sống đủ lâu để nhìn thấy cuộc sống ở nhiều góc độ và sắc thái khác nhau. Nhưng khi được hỏi về những điều khiến họ hối tiếc nhất trong suốt cuộc đời mình, mẫu số chung tôi nhận được là sự tự trách bản thân trong các mối quan hệ, mà đặc biệt là gia đình. Họ hối hận vì đã không gần gũi con cái hơn, vì đã không giúp con mình đi đúng đường trong cuộc sống. Họ hối hận vì đã không dành đủ thời gian cho những người mình yêu thương.
Rồi tôi chuyển sang câu hỏi về những khoảnh khắc khiến họ cảm thấy hạnh phúc nhất. Hầu hết trong số họ đều trả lời là khoảng thời gian người bạn đời của mình còn sống hoặc khi con cái họ còn nhỏ và sống cùng họ dưới một mái nhà. Dù đó cũng là thời điểm nhiều căng thẳng nhất trong cuộc sống khi phải lo lắng quá nhiều thứ nhưng với họ, đó cũng là những ngày hạnh phúc nhất.
Thật ngạc nhiên vì những câu trả lời của họ dường như mâu thuẫn với lý thuyết về "cuộc sống hình chữ U". Lý thuyết này được công bố hồi năm 2010 và chứa đựng nhiều phân tích trái chiều về hạnh phúc/độ tuổi của hạnh phúc. Theo đó, niềm hạnh phúc của chúng ta thường giảm xuống ở độ tuổi 30 và chạm đáy vào giữa những năm 40 (do quá nhiều áp lực về công việc, gia đình, tài chính). Sau đó, ở tuổi 50, nó tăng trở lại và tiếp tục tăng sau nhiều năm (do chúng ta trở nên tự chấp nhận, ít tham vọng hơn và hài lòng với cuộc sống hiện tại hơn là kỳ vọng vào tương lai).
Trong khi câu trả lời của những người ở độ tuổi 90 của tôi lại cho một kết quả khác, rằng dù vất vả nhưng ở độ tuổi 20 – 40, họ vẫn cảm thấy hạnh phúc nhất. Có lẽ hạnh phúc phức tạp hơn chúng ta nghĩ, và thời gian sẽ làm thay đổi khái niệm về hạnh phúc của chúng ta.
Vậy là, với phần lớn các câu trả lời, niềm vui và sự hối tiếc đều xoay quanh những mối quan hệ, chứ không phải sự nghiệp, tiền bạc… Nói một cách đơn giản, khi tôi hỏi một người: “Ông/Bà có muốn làm lại điều gì đạt được nhiều thành tựu hơn không?”, họ trả lời: “Không, tôi chỉ ước mình đã yêu thương nhiều hơn”.
Cuộc khảo sát riêng của cá nhân tôi đã làm thay đổi cách nghĩ của tôi rất nhiều, đồng thời cũng thách thức tôi nhiều. Tất nhiên, tôi không thể bỏ việc để đi chơi với gia đình nhiều hơn vì suy cho cùng, công việc để kiếm tiền cũng là một cách để duy trì hạnh phúc gia đình. Nhưng nó cho tôi biết thứ tự mà tôi nên ưu tiên trong cuộc sống là gì. Tôi sẽ không chăm chú vào một bài viết hay nữa nếu con trai tôi đang chờ tôi trò chuyện. Chồng tôi cũng không phải làm việc miệt mài để kiếm được nhiều tiền nhất có thể nữa vì còn cần dành thời gian cho tôi.
Dù tò mò về cuộc sống của người già như thế nào nhưng tôi phải thú nhận rằng động lực thực sự đằng sau nghiên cứu của tôi là nỗi sợ hãi mạnh mẽ về việc ngày một già đi. Tôi muốn "nhìn trộm" về tương lai và xem cuộc sống của tôi sẽ như thế nào trong một vài thập kỷ tới. Thật may mắn là những suy nghĩ trước đây về tuổi già của tôi hóa ra hoàn toàn sai lầm. Hóa ra chúng ta sẽ vẫn vô tư cười, yêu điên cuồng và quyết liệt theo đuổi hạnh phúc dù ở độ tuổi nào đi nữa.
*Chia sẻ của tác giả Lydia Sohn - một mục sư tại San Diego, California. Cô thường xuyên viết về tâm lý con người, giúp mọi người sống tốt hơn, hạnh phúc hơn.