MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn lại gần 10 năm Microsoft thâu tóm Nokia và những bí ẩn xoay quanh thuyết âm mưu "con ngựa thành Troy"

12-09-2021 - 13:01 PM | Tài chính quốc tế

Stephen Elop (trái) và Steve Ballmer.

Stephen Elop (trái) và Steve Ballmer.

Bạn có biết rằng đã có một thuyết âm mưu điên rồ về thương vụ Nokia / Microsoft?

Tháng 9 là một kỷ niệm đáng nhớ trong thị trường smartphone, khi Microsoft mua lại bộ phận điện thoại của Nokia vào năm 2013, trong một thỏa thuận trị giá 5,4 tỷ euro (hơn 7 tỷ USD). Đó là một thời điểm quan trọng trong lịch sử ngành di động, vì Nokia là công ty tiên phong trong ngành và việc mua lại Nokia đã cho phép Microsoft tiếp cận với rất nhiều bằng sáng chế và kiến thức chuyên môn liên quan.

Thật không may, lịch sử cho chúng ta thấy rằng hai công ty đã thất bại trong việc đối đầu với Android và iOS. Microsoft rút khỏi thị trường smartphone vào năm 2017, chỉ vừa trở lại vào năm 2020 với Surface Duo chạy hệ điều hành Android mà không có Nokia.

Nhìn lại gần 10 năm Microsoft thâu tóm Nokia và những bí ẩn xoay quanh thuyết âm mưu con ngựa thành Troy - Ảnh 1.

Tuy nhiên, quan hệ đối tác Microsoft / Nokia và thỏa thuận cuối cùng đã dẫn đến một thuyết âm mưu bất ngờ.

Một "con ngựa thành Troy" được Microsoft gửi vào Nokia?

Đúng vậy, một thuyết âm mưu điên rồ là Giám đốc điều hành Nokia, Stephen Elop, người đã nắm quyền CEO vào năm 2010, không phải để vực dậy công ty mà ông là một gián điệp của Microsoft. Thuyết âm mưu này thực sự đã xuất hiện trước khi Microsoft mua Nokia.

Một người tham dự sự kiện MWC 2011 của Microsoft và Nokia (nơi hai hãng công bố mối quan hệ hợp tác ban đầu) đã hỏi thẳng Elop rằng liệu anh ta có phải là một gián điệp hay không. CEO Nokia đã phủ nhận và nói rằng toàn bộ đội ngũ lãnh đạo đều góp phần vào quyết định đồng hành với Microsoft.

Một người ngoài cuộc hỏi câu hỏi này có thể không gây chú ý, nhưng thuyết âm mưu thậm chí đã được một số nhân viên Nokia bàn tán vào năm 2011.

Tờ Global Post lần đầu tiên đưa tin về những tuyên bố này vào tháng 10 năm 2011 (hơn 8 tháng sau khi Nokia và Microsoft hợp tác phát triển Windows Phone) trong một bài viết có tiêu đề "Nhân viên Nokia thắc mắc, liệu giám đốc điều hành có phải là người của Microsoft không?"

“Tôi nghĩ Microsoft sẽ đợi giá cổ phiếu của Nokia giảm thêm một chút và sau đó sẽ mua lại,” một nhân viên Nokia cho biết vào thời điểm đó. Tất nhiên, điều này cuối cùng đã xảy ra vào năm 2013.

“Tôi thấy rất đáng ngờ,” một nhân viên Nokia khác nói. “Nếu Elop muốn tốt cho công ty, tại sao anh ta lại phá hủy nó, và khiến giá cổ phiếu đi xuống? Có rất nhiều thuyết âm mưu ở đây”.

“Đôi khi thật khó để biết lòng trung thành của anh ta nằm ở đâu,” một cựu nhân viên đã nói vào thời điểm đó.

Nhìn lại gần 10 năm Microsoft thâu tóm Nokia và những bí ẩn xoay quanh thuyết âm mưu con ngựa thành Troy - Ảnh 2.

Những bình luận này được đưa ra vài tháng sau khi Elop tiết lộ một bản ghi nhớ nội bộ, nói rằng tình thế của Nokia như đang đứng trên đám lửa. Việc Elop gia nhập Nokia trực tiếp từ Microsoft càng khiến tình hình căng thẳng hơn, ông từng là người đứng đầu bộ phận kinh doanh của Microsoft, bao gồm Microsoft Office.

Công bằng mà nói, Nokia đã ở tình trạng bất ổn trong thời gian Elop nhậm chức. Hệ điều hành di động Symbian là một mớ hỗn độn cũ nát, không được thiết kế với tính năng cảm ứng ngay từ đầu. Công ty cũng đã rất nỗ lực trong việc phát triển nền tảng MeeGo nội bộ đầy tham vọng của mình, nhưng điều này đã bị trì hoãn nhiều lần trước khi điện thoại MeeGo đầu tiên ra mắt muộn màng vào cuối năm 2011.

Elop “không phải là con ngựa thành Troy”

Có sự thật nào để trả lời cho thuyết âm mưu này không? Ngoài câu trả lời đã nói ở trên của Elop, có lẽ câu trả lời tốt nhất có thể được tìm thấy qua một cuốn sách được viết bởi hai nhà báo Phần Lan vào năm 2014. “Operation Elop” của Pekka Nykänen và Merina Salminen đã đưa ra rất nhiều cuộc phỏng vấn được thực hiện với những người đã “trực tiếp biết được” về những diễn biến của Nokia.

Nhìn lại gần 10 năm Microsoft thâu tóm Nokia và những bí ẩn xoay quanh thuyết âm mưu con ngựa thành Troy - Ảnh 3.

“Sau hơn một trăm cuộc phỏng vấn, chúng tôi hoàn toàn bị thuyết phục về một điều: Những bàn tán về bất kỳ âm mưu nào đằng sau Elop là hoàn toàn không có cơ sở,” các tác giả viết. Họ tiếp tục:

“Elop không phải là một con ngựa thành Troy. Microsoft đã không đưa ông vào Nokia với kế hoạch sau này mua lại mảng kinh doanh điện thoại của Nokia với giá rẻ. Các cuộc phỏng vấn của chúng tôi cho thấy không có bất kỳ dấu hiệu nào có thể gợi ý rằng điều đó dù chỉ có một chút khả thi.”

Các nhà báo cũng lưu ý rằng thuyết âm mưu là "vô lý" vì Elop đã được chọn bởi hội đồng quản trị Nokia. Hơn nữa, một số nhân vật lớn trong Microsoft, chẳng hạn như Bill Gates và CEO tương lai Satya Nadella được cho là đã bày tỏ sự phản đối gay gắt của họ với việc Giám đốc điều hành Microsoft lúc bấy giờ, Steve Ballmer, muốn mua Nokia.

Nhìn lại gần 10 năm Microsoft thâu tóm Nokia và những bí ẩn xoay quanh thuyết âm mưu con ngựa thành Troy - Ảnh 4.

Tuy nhiên, cuốn sách gợi ý rằng Elop “ở nhiều khía cạnh, là một trong những CEO tồi nhất trên thế giới, nếu không muốn nói là tồi tệ nhất”. Các tác giả viết rằng Nokia được định giá 29,5 tỷ euro một ngày trước khi Elop bắt đầu làm việc và 11,1 tỷ euro khi thương vụ mua lại của Microsoft được công bố. Họ cũng chỉ trích cách tiếp cận một hướng của Elop thay vì đưa ra cách tiếp cận đa hướng cho smartphone như chúng ta đã thấy với Samsung (cung cấp các thiết bị Android, Windows Phone và Bada).

Mặc dù vậy, thuyết âm mưu này có lẽ vẫn còn đó. Sau khi Microsoft bán thương hiệu Nokia cho HMD Global, HMD đã kết thúc hợp tác với Elop sau khi ông gia nhập nhà mạng Telstra của Úc vào năm 2016. Khi được hỏi về thuyết âm mưu xoay quanh Elop, Giám đốc điều hành HMD lúc đó là Arto Nummela đã trả lời với nụ cười đáng ngờ: “Tôi không thể bình luận. Bạn sẽ phải hỏi Stephen Elop”.

Tham khảo: AA

Theo Ryankog

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên