Nhìn lại mô hình 2 nước 'sạch bóng Covid': Cùng có tỷ lệ tiêm trên 70%, cùng xét nghiệm diện rộng, nhưng có điều gì khác biệt?
Đến nay, Trung Quốc và Đan Mạch là 2 quốc gia đã khiến các nước khác phải "ghen tị" vì "sạch bóng Covid". Ngoài những điểm chung trong mô hình chống dịch, hai nước này còn có điểm gì khác biệt?
- 12-09-2021Nếu dự án đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân chậm tiến độ, mỗi ngày Việt Nam phải bồi thường 1 triệu USD
- 11-09-2021Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Kiên Giang kiểm điểm, rút kinh nghiệm vì để dịch bùng phát
- 11-09-2021Kinh tế trưởng VinaCapital: Hậu Covid-19, Việt Nam sẽ đạt phát triển 'thần kỳ' như Nhật Bản sau cuộc khủng hoảng dầu hỏa 1973?
Tính đến thứ 6 vừa qua, theo báo cáo của Đại học Johns Hopkins, thế giới có hơn 223,2 triệu ca nhiễm Covid-19. Tại nhiều nơi trên thế giới, các nước vẫn đang gồng mình khống chế sự bùng phát dịch Covid-19 do biến thể Delta.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở khắp nơi trên thế giới như vậy, có 2 quốc gia đã khiến các nước khác phải "ghen tị" vì "sạch bóng Covid". Hai quốc gia này chính là Trung Quốc và Đan Mạch.
Vậy, mô hình chống dịch của hai nước này giống và khác nhau ra sao?
Cùng phủ thành công vaccine cho hơn 70% dân số
Đến nay, Trung Quốc được đánh giá là quốc gia có tỷ lệ phủ vaccine Covid-19 ấn tượng bậc nhất thế giới. Ngày 27/8, các nhà chức trách nước này công bố đợt tiêm chủng vaccine Covid-19 đã vượt con số 2 tỷ liều.
Tính đến ngày 26/8, hơn 889 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi, với tổng số 2.129.833.000 liều vaccine Covid-19 sản xuất trong nước đã được sử dụng.
Như vậy, con số này đủ để tiêm chủng cho khoảng 76,2% dân số Trung Quốc. Đáng nói, cột mốc 2 tỷ liều được đưa ra chỉ 10 tuần sau khi quốc gia này vượt qua mốc 1 tỷ liều đầu tiên vào tháng 6. Hiện Trung Quốc chiếm khoảng 40% trong số khoảng 5 tỷ liều vaccine Covid-19 được cung cấp trên toàn cầu.
Việc Trung Quốc thúc đẩy tăng tỷ lệ tiêm chủng đã tăng tốc kể từ tháng 7, khi biến thể Delta rất dễ lây lan khiến các ca nhiễm gia tăng trên khắp đất nước. Chiến dịch tiêm chủng mới nhất của Trung Quốc nhắm mục tiêu vào người già, trẻ vị thành niên và cư dân ở các vùng nông thôn rộng lớn, xa xôi của đất nước.
Đối với Đan Mạch, quá trình chuyển dịch trở về cuộc sống trước dịch tại quốc gia này đã nhen nhóm từ cách đây vài tháng. Chính phủ Đan Mạch lúc đó nêu quan điểm rằng với việc 95% nhóm rủi ro cao - gồm y bác sĩ, công dân trên 60 tuổi, nhân viên viện dưỡng lão... đã được tiêm chủng, đất nước này có đủ khả năng chống cự làn sóng lây nhiễm lớn.
Trong buổi cập nhật thông tin vào cuối tháng 8/2021, Thủ tướng Mette Frederiksen khẳng định rằng "vaccine là siêu vũ khí để đánh bại dịch bệnh". Đan Mạch sau đó đã thông báo kế hoạch rút gọn quy mô cơ sở xét nghiệm vốn rất ấn tượng của mình, tiến hành đóng cửa gần như toàn bộ trạm test nhanh vào cuối tháng 9.
Ngày 10/9, Chính phủ Đan Mạch cho biết trong một tuyên bố: "SARS-CoV-2 không còn mối đe dọa nghiêm trọng đối với xã hội nhờ 72% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ".
Xét nghiệm trên diện rộng
Tại Đan Mạch, người dân được khuyến khích tiến hành xét nghiệm nCoV miễn phí một hoặc hai lần mỗi tuần, và đây cũng là nước có tỷ lệ xét nghiệm nCoV trên đầu người cao nhất toàn cầu. "Dân số Đan Mạch là 5,8 triệu người, trong khi chúng tôi có thể xét nghiệm hơn nửa triệu người mỗi ngày", Kirstine Vestergaard-Nielsen, Phó giám đốc Cơ quan Y tế Khẩn cấp Copenhagen, cho biết.
Trung Quốc cũng tăng cường xét nghiệm ở mức chưa từng có trong đợt bùng phát dịch lần này. Chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố đã liên tục xét nghiệm, kiểm tra công dân nhiều lần nhằm đảm bảo phát hiện sớm nhất ca nhiễm mới. Theo thống kê, hơn 100 triệu xét nghiệm đã được thực hiện trong lần bùng phát này.
Điển hình như Dương Châu (thành phố 4,5 triệu dân thuộc tỉnh Giang Tô) đã triển khai xét nghiệm PCR trên diện rộng 12 lần. Thành phố Nam Kinh (9,3 triệu dân) tổ chức xét nghiệm 7 lần, còn thành phố Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam) tiến hành xét nghiệm 5 lần. Một khi các ca dương tính được phát hiện, những ca này cùng những người tiếp xúc gần với họ sẽ được cách ly và điều trị.
Những khác biệt về nguồn cung vaccine
Liên quan đến việc dốc toàn lực cho vaccine, Đan Mạch đã tập trung cho Pfizer, mua sắm các hệ thống bảo quản lạnh đặc biệt, giúp đẩy nhanh thời gian tiêm chủng hơn. Hệ thống y tế hoạt động hiệu quả góp phần giúp quá trình triển khai vaccine diễn ra trơn tru.
Đặc biệt, giới chức y tế Đan Mạch còn tận dụng tối đa nguồn cung bằng cách sử dụng ống tiêm nhỏ hơn để tăng số liều vaccine từ mỗi lọ lên 6, thay vì 5 liều như thông thường.
Còn với Trung Quốc, quốc gia này đã thông qua 7 loại vaccine Covid-19 sản xuất nội địa. Công ty dược phẩm sinh học Sinovac có trụ sở tại Bắc Kinh sản xuất Coronavac, một loại vaccine bất hoạt. Công ty quốc doanh Sinopharm phát triển 2 loại vaccine Covid-19, và giống như Sinovac, chúng đều là các loại vaccine bất hoạt, hoạt động theo cách thức tương tự.
Ngoài ra, còn có vaccine vector (adenovirus) do CanSinoBIO và Viện Quân y thuộc Học viện Khoa học Quân phát triển đã được phê duyệt. Một phiên bản vaccine CanSino dạng hít đã được đệ trình để được cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Bên cạnh đó, vaccine do Anui Zhifei Longcom phát triển cũng đã được phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp ở Trung Quốc.
Vào tháng 6, Trung Quốc phê duyệt vaccine Covid-19 thứ 7 sản xuất trong nước, có thể vô hiệu hóa chéo các biến thể. Loại vaccine mới nhất được Trung Quốc phê duyệt do Viện Sinh học Y tế thuộc Viện Khoa học Y tế Trung Quốc (trụ sở tại Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam) phát triển.
Phần lớn người dân Trung Quốc tiêm vaccine Sinopharm hoặc Sinovac.