Nhìn lại ngành bảo hiểm năm 2021
Dịch bệnh COVID-19 vừa mang lại những khó khăn, thách thức lớn cho ngành bảo hiểm trong năm 2021 nhưng đây cũng mở ra nhiều kỳ vọng cho lĩnh vực còn nhiều tiềm năng này.
Năm 2021 đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành bảo hiểm nhân thọ với tổng doanh thu phí bảo hiểm 10 tháng đạt 123.592, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần chủ yếu vẫn thuộc về các tên tuổi lớn như Manulife (24,1%), Bảo Việt nhân thọ (12,8%), Prudential (12,7%), Dai-ichi (12,2%), AIA (8,1%), MB Ageas (7,3%).
Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 10 tháng đầu năm ước đạt 170.837 tỷ đồng, tăng 15,68% so với cùng kỳ năm 2020.
Dịch bệnh và thiên tai
Trong năm 2021, thế giới liên tục chứng kiến thiệt hại do thiên tai ở nhiều nơi, với quy mô và tần suất ngày một gia tăng. Cùng với sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, phí bồi thường của các hãng bảo hiểm lớn trên thế giới đạt kỷ lục. Theo nghiên cứu từ Công ty AIR Worldwide, tổn thất được bảo hiểm trên toàn cầu có khả năng tiếp tục gia tăng, đến cuối năm 2021 có thể lên tới 106 tỷ USD, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Các vụ tranh chấp trong ngành bảo hiểm, liên quan đến hỗ trợ chi phí nằm viện, bồi thường cũng vì thế mà tăng lên.
Tuy nhiên, dịch bệnh cũng mang lại cơ hội thay đổi, đổi mới với các công ty bảo hiểm nhân thọ trên toàn thế giới trong bối cảnh mới. Các hãng bảo hiểm nỗ lực cung cấp nhiều giải pháp bảo vệ khách hàng, giúp họ chiến đấu trong trận chiến COVID-19. Quy trình mua bảo hiểm cũng dễ dàng và liền mạch hơn.
Thực tế, trải qua đại dịch, khách hàng cũng nhận thức rõ về lợi ích của bảo hiểm nhân thọ, thu nhập và nhu cầu lập kế hoạch tài chính của họ cũng cao hơn. Riêng với Việt Nam, tiềm năng thị trường bảo hiểm còn rất lớn. Với quy mô thị trường bảo hiểm nhân thọ, số lượng hợp đồng có hiệu lực (hợp đồng chính) ước đạt 13.179.589 hợp đồng, tuy tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng mới chỉ tương đương khoảng 13% dân số. Trong khi tỷ lệ này ở các phát triển như Mỹ, Anh và Nhật Bản là 90%; ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore là 80% và Malaysia là 50% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ.
Hợp tác chiến lược, phân phối bảo hiểm không còn "độc quyền" của ngân hàng
Ngày 24/12/2021 đã diễn ra sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của ngành bảo hiểm nhân thọ khi AIA cùng Tiki chính thức đưa sản phẩm bảo hiểm hỗ trợ chi phí y tế lên sàn thương mại điện tử, ghi nhận màn chào sân đầu tiên đổ bộ vào "cứ địa" thương mại điện tử của AIA Việt Nam và ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam.
Thực tế, với mức trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử trong bối cảnh dịch bệnh và xu hướng chung của thế giới khiến thì việc các hãng bảo hiểm coi đây là địa chỉ tiềm năng để liên kết giới thiệu, phân phối sản phẩm là dễ hiểu. Việc các hãng bảo hiểm lớn nước ngoài sẵn sàng trả trước (Upfront fee) cho các ngân hàng để được ký hợp đồng phân phối độc quyền tại Việt Nam cho thấy thị trường bảo hiểm nhân thọ đang có tiềm năng rất lớn.
Không chỉ có các hãng bảo hiểm nhân thọ ký hợp đồng độc quyền phân phối, hợp tác chiến lược phân phối sản phẩm mà các hãng bảo hiểm phi nhân thọ cũng ký hợp đồng hợp tác chiến lược với nhiều đơn vị viễn thông để làm sao đưa thông tin được nhiều và tốt nhất sản phẩm tới khách hàng.
Năm 2021 ghi nhận thương vụ như: Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) và Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã ký kết hợp tác toàn diện, với kỳ vọng kênh bán bao gồm 813 cửa hàng cung cấp dịch vụ viễn thông, trên 30.000 điểm bán và 1.000 bưu cục của Viettel sẽ hỗ trợ đắc lực cho phân phối sản phẩm MIC. Chương trình hợp tác toàn diện được cho là "cánh tay" nối dài giúp đẩy mạnh truyền thông, phát triển thương hiệu của cả 2 đến gần hơn với khách hàng.
Ngày 26/7/2021, Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) và Công ty CP Tập đoàn Mai Linh ký kết thỏa thuận hợp tác độc quyền và chiến lược toàn diện. Theo nội dung thỏa thuận, Mai Linh lựa chọn PTI là đối tác độc quyền khai thác các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ đối với xe ô tô, tài sản kỹ thuật, cháy nổ… liên quan đến cán bộ, nhân viên và đối tác của Mai Linh. Thời hạn hợp đồng hợp tác bảo hiểm độc quyền là 10 năm với kế hoạch doanh thu 3.000 tỷ đồng.
Năm 2021 dù hoạt động ký hợp đồng hợp tác chiến lược, độc quyền phân phối giữa các hãng bảo hiểm và ngân hàng đã không còn sôi động như năm 2019-2020 nhưng vẫn có thương vụ Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam (Prudential Việt Nam) hợp tác chiến lược kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng. Thỏa thuận hợp tác độc quyền kéo dài trong 15 năm. Theo chứng khoán Vietcombank (VCBS), mức phí trả trước mà MSB nhận được từ thương vụ trên có thể lên đến 3.500 tỷ đồng.
Ông Larry Madge - Tổng Giám đốc Sun Life Việt Nam nhìn nhận, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ Việt Nam tăng trưởng cao trong 5 năm gần đây với mức tăng trưởng trung bình 30%/năm. Với tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ trên GDP vào khoảng 1,4% như hiện nay - thấp hơn so với mức trung bình của khu vực ASEAN là 3-4% GDP, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển trong thời gian tới.
Hiện kênh bancassurance đóng góp gần 30% vào tổng doanh thu bảo hiểm nhân thọ.
M&A - mở cửa đón vốn ngoại
Ngày 31/8/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức cập nhật “điều kiện tiếp cận thị trường” trong 59 ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm lĩnh vực bảo hiểm, trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư. Thông tin này ngay lập tức được các doanh nghiệp đón nhận với sự hào hứng. Theo đó, với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm “không hạn chế” tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Các doanh nghiệp bảo hiểm đều không giấu giếm mong muốn tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài để mở rộng kinh doanh và tăng trưởng lợi nhuận. Ngoài ra, tính thanh khoản và giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cũng được cải thiện.
Khi quy định pháp lý rõ ràng, các doanh nghiệp sẽ được gỡ khó trong vấn đề nới room ngoại. Ở chiều ngược lại, đây cũng là cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài, bởi từ đây, “cửa” sẽ mở hơn cho họ.
Đây cũng là tin vui cho hoạt động thoái vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp bảo hiểm. Như trường hợp của Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, việc nới room ngoại lên 100% cũng sẽ góp phần “mở đường” cho việc thoái toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Hiện Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vẫn sở hữu xấp xỉ 51% vốn tại đây.
Chuyển đổi số
Dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2021 ở mức 5,6%, chậm lại còn 4,1% vào năm 2022 và 3% vào năm 2023. Lạm phát là rủi ro chính trong giai đoạn này, áp lực về giá dự kiến xuất hiện nhiều nhất ở các thị trường mới nổi, Anh và Mỹ.
Trong khi đó, Swiss Re Institute dự đoán, phí bảo hiểm phi nhân thọ toàn cầu sẽ tăng 3,3% vào năm 2021, lên mức 3,7% vào năm 2022 và lùi về 3,3% trong năm 2023. Phí bảo hiểm y tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng do nền kinh tế Mỹ tăng trưởng và nhu cầu thị trường ổn định. Các thị trường bảo hiểm mới nổi được dự đoán sẽ mở rộng mạnh mẽ. Ngoài ra, phí bảo hiểm nhân thọ toàn cầu dự kiến tăng 3,5% vào năm 2021, còn 2,9% vào năm 2022 và 2,7% vào năm 2023.
Hiện nay, công nghệ kỹ thuật số ngày càng phổ biến và phát triển, tạo ra những bước nhảy vọt đáng kể trong ngành bảo hiểm. Công nghiệp giúp tăng sự minh bạch, giao dịch nhanh chóng hơn và có thể đưa ra các giải pháp dựa trên nhu cầu của khách hàng.
Dự đoán trong năm 2022, các công ty bảo hiểm sẽ tăng cường sử dụng công nghệ để phân tích sở thích, nhu cầu của khách hàng. Từ đó, họ có thể đề xuất các sản phẩm phù hợp với từng cá nhân.
Nhận thức của người dân về đại dịch được nâng cao, mức độ thâm nhập của các công ty bảo hiểm nhân thọ đang cao nhất 10 năm qua. Những xu hướng trên được chuyên gia dự đoán cũng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng của thị trường bảo hiểm nhân thọ trong năm 2022.
Nhà đầu tư