MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn lại những vụ sập nhà kinh hoàng và nỗi lo mang tên 8B Lê Trực

26-08-2016 - 14:44 PM | Bất động sản

Nguyên nhân phần lớn là do nhà cũ nát hoặc trong quá trình thi công, sửa chữa không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Không chỉ gây sập đổ chính ngôi nhà thi công, mà những ngôi nhà liền kề cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Những nỗi kinh hoàng mang tên nhà sập.

Ngày 4/8/2016, ngôi nhà 4 tầng địa chỉ tại 43 phố Cửa Bắc (quận Ba Đình) bất ngờ đổ sập hoàn toàn. 4/9 người có mặt trong nhà nhanh chân chạy thoát, 5 người bị mắc kẹt thì có 3 người được giải cứu trong tình trạng nguy kịch, 2 người còn lại tử vong.

Theo tài liệu của Cơ quan Công an, nguyên nhân sập nhà số 43 là do nhà số 41 Cửa Bắc (sát vách nhà bị sập) trong quá trình phá dỡ và khôi phục lại đã không thực hiện đúng theo nội dung văn bản chấp thuận của UBND quận Ba Đình.

Cụ thể là: "Trước khi tiến hành khôi phục lại nhà cũ phải lập hồ sơ khảo sát hiện trạng các công trình liền kề. Chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với việc hư hỏng các công trình liền kề, các công trình ngầm, trên mặt đất và trên không, cây xanh công cộng có liên quan nếu nguyên nhân được xác định do thi công công trình gây ra.

Phải gửi văn bản thông báo khởi công, văn bản cho phép khôi phục lại nhà cũ kèm theo hồ sơ thiết kế được Phòng Quản lý đô thị xác nhận cho UBND phường Trúc Bạch và Đội Thanh tra xây dựng quận Ba Đình để theo dõi và quản lý theo quy định”.

Tuy vậy, bà Vân không thực hiện các nội dung quy định trên mà tự ý thỏa thuận thuê thợ phá dỡ toàn bộ ngôi nhà số 41 của bà Vân, tổ chức sử dụng máy xúc đào móng nhà vận chuyển rác thải. Trong quá trình thi công nhà số 41 đã không có những biện pháp thi công đảm bảo an toàn cho các công trình xung quanh, dẫn đến sập đổ nhà số 43 phố Cửa Bắc. Hiện nay, cơ quan Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".

Tháng 4/2016, một ngôi nhà 5 tầng ở TP Cao Bằng bị đổ sập làm 3 người chết, 3 người bị thương. Vụ tai nạn xảy ra ban đêm, khi cả gia đình đang ngủ trong nhà nên số người thương vong lớn. Nguyên nhân được xác định là do công trình liền kề đào móng, làm ảnh hưởng đến kết cấu ngôi nhà, gây đổ sập.

Ngày 22/9/2015, ngôi nhà 2 tầng nổi, một tầng hầm nằm trong ngõ tại số 105 -107 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) bất ngờ đổ sập toàn bộ tầng 2. Con số 8 người thương vong, trong đó có 2 người chết khiến nhiều người phải bàng hoàng, đau xót.

Ngày 31/3/2011, ngôi nhà 5 tầng số 49 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa, TP Hà Nội) bất ngờ đổ sập hoàn toàn, kéo theo một phần lan can của tòa nhà chung cư 5 tầng bên cạnh sập theo.

Vụ sập khiến diện tích khoảng 300m2 của tòa nhà bị san phẳng. Cả tòa nhà đổ nghiêng và sụp về phía bên trái theo chiều tòa nhà, rất may có sự cảnh báo trước nên không có thiệt hại về người. Được biết, tòa nhà trên gồm 5 tầng, một tum, đang trong quá trình hoàn tất để chuẩn bị khai trương bán bánh Pizza... Về nguyên nhân vụ sập, theo PGS, TSKH Nguyễn Văn Hùng - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc đánh giá, ngôi nhà ở Huỳnh Thúc Kháng do hiện tượng cơi nới và trong quá trình cải tạo đã thay đổi kết cấu chịu lực của tầng 1 dẫn đến bị đổ.

Việc phá tường gạch thay vào đó là dùng những mặt kính nhằm tạo tiếp cận với bên ngoài tốt hơn sẽ dẫn đến việc làm thay đổi chịu tải của tầng một. Quá trình sửa chữa tạo ra sự lệch tâm ở trên cho nên tạo mô men uốn càng lớn, khiến tải trọng đè xuống cột càng lớn, cuối cùng dẫn đển đổ sập. Hiện tượng này không chỉ gây sập mà vừa sập vừa nghiêng. Nghiêng trước rồi mới sập.

Tuy không gây thiệt hại về người, xong vụ sập nhà này đã khiến cho dư luận, đặc biệt là những người trong ngành xây dựng bị một phen kinh hoàng.

Nhìn lại những vụ sập nhà kinh hoàng này, có thể thấy nguyên nhân phần lớn là do nhà cũ nát hoặc trong quá trình thi công, sửa chữa không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Không chỉ gây sập đổ chính ngôi nhà thi công, mà những ngôi nhà liền kề cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ẩn họa sập nhà từ câu chuyện 8B Lê Trực

Quay trở lại câu chuyện phá dỡ phần sai phạm tại Tòa nhà 8B Lê Trực, một trong những chủ đề gây tranh cãi trong dư luận suốt một thời gian dài. Không chỉ xuất hiện những luồng ý kiến trái chiều của người dân, khách hàng mua nhà, các cơ quan chức năng, mà chính các cơ quan chuyên môn cũng phải cân nhắc, lựa chọn phương án và giải pháp phá dỡ.


Ẩn họa từ tòa nhà Lê Trực. Ảnh GDVN.

Ẩn họa từ tòa nhà Lê Trực. Ảnh GDVN.

Sai phạm đã rõ ràng, phần sai phạm đã và đang hiển hiện trước mắt. Nhưng làm thế nào để xử lý phần sai phạm này để vừa đảm bảo tính nghiêm minh của Luật pháp, vừa hạn chế thấp nhất thiệt hại cho chính những người mua nhà và hàng chục hộ dân liền kề với công trình thì thực sự nan giải.

Về phía chính quyền địa phương, UBND Thành phố Hà Nội kiên quyết chỉ đạo cưỡng chế phá dỡ phần vi phạm. UBND phường Điện Biên và quận Ba Đình cũng nghiêm túc thực thi. Nhưng phải chăng vì quá “sốt sắng” thể hiện tinh thần kiên quyết đấu tranh với vi phạm, mà UBND quận Ba Đình đã chỉ đạo UBND phường Điện Biên tập trung phối hợp đơn vị thi công tổ chức cưỡng chế phá dỡ toà nhà khi chưa có phương án phá dỡ, chưa được đơn vị tư vấn lập và thẩm tra, các cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt?

Trong khi căn cứ các quy định pháp luật hiện hành cũng như văn bản hướng dẫn số 11579/SXD-GĐCL ngày 9/11/2015 của Sở Xây dựng Hà Nội thì phương án phá dỡ toà nhà 8B Lê Trực phải được công khai, được thẩm tra và có đơn vị tư vấn giám sát.

Việc phá dỡ phần sai phạm tại Tòa nhà 8B Lê Trực đã được tiến hành từ tháng 11/2015. Việc phá dỡ ban đầu do chủ đầu tư thực hiện theo phương án đã được phê duyệt, với phương châm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến kết cấu xây dựng của tòa nhà và đảm bảo an toàn cho các hộ liền kề. Tuy nhiên, đến tháng 3/2016, UBND phường Điện Biên đã tổ chức cưỡng chế nhằm đẩy nhanh tiến độ phá dỡ toàn bộ phần diện tích sai phạm.

Việc cưỡng chế phá dỡ với phương án không phù hợp đã gây nhiều tác động đến công trình: xuất hiện nhiều vết nứt lớn trên tường và nền ở nhiều tầng căn hộ, bê tông, gạch vữa rơi xuống nhà các căn hộ liền kề, văng cả ra đường gây ảnh hưởng đến người và phương tiện tham gia giao thông…

Theo đánh giá của nhiều nhà chuyên môn có kinh nghiệm lâu năm trong ngành xây dựng, việc dùng các phương án, phương tiện không đảm bảo yêu cầu kĩ thuật phá dỡ như vậy sẽ tác động rất lớn đến kết cấu và chất lượng của công trình, đặc biệt là một công trình được xây dựng kiên cố như 8B Lê Trực. Việc lo ngại về nguy cơ sụt lún, sập đổ là hoàn toàn có cơ sở và rất đáng để xem xét, phòng ngừa.

Vấn đề giải quyết và xử lý sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Nhưng từ những vụ sập nhà kinh hoàng do tác động của việc thi công phá dỡ, sửa chữa không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, cũng rất nên cân nhắc phương án và biện pháp xử lý. Bởi việc cưỡng chế phá dỡ, nếu làm mạnh tay chỉ trong vài tháng là xong, nhưng hậu quả thì khôn lường và không thể dự báo trước. Đừng để sau này, lại có thêm một vụ sập nhà kinh hoàng, nghiêm trọng xảy ra với hàng ngàn dân cư sinh sống và làm việc tại tòa nhà 8B Lê Trực.

Theo Hoài Thu

Pháp luật Plus

Trở lên trên