Nhìn lại quy mô các gói hỗ trợ trong giai đoạn đại dịch Covid-19 của Việt Nam, Singapore, Thái Lan
Tùy vào nguồn lực mỗi nước mà chính phủ sẽ có những gói hỗ trợ với quy mô khác nhau để phục hổi kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
- 02-10-2021Chính phủ họp thường kỳ, tập trung thảo luận về 2 nội dung chính: Kinh tế và thích ứng an toàn với Covid-19
- 02-10-2021GDP quý 3 giảm sâu ảnh hưởng ra sao đến lương bình quân lao động?
- 02-10-20219 tháng, Việt Nam đầu tư ra nước ngoài hơn 570 triệu USD, tăng mạnh nhờ dự án của Vingroup tại Mỹ và Vinfast tại Đức
Đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt kinh tế - xã hội ở các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trước tình hình đó, chính phủ các nước đã tung ra những gói hỗ trợ khác nhau để hỗ trợ người dân cũng như phục hồi nền kinh tế.
Theo đó, các quốc gia đã đưa ra các chính sách tài khóa ưu tiên đầu tư hạ tầng, giảm áp lực chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ người dân, lao động, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi số….
Bên cạnh đó, một số quốc gia còn thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn, giảm chi phí vốn vay cho doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Tính đến hiện tại, Singapore đã chi gần 100 tỷ đô la Singapore (SGD), tương đương 70,4 tỷ USD để giúp các doanh nghiệp và hộ gia đình phục hồi sau những tác động kinh tế của đại dịch Covid-19. Chia sẻ với CNBC, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat cho biết, con số này chiếm gần 20% GDP của đất nước.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong dịch Covid-19, Singapore đã áp dụng chính sách hoàn một phần thuế thu nhập doanh nghiệp (năm 2020) và cho phép doanh nghiệp nộp thuế này trễ không quá ba tháng. Singapore còn miễn thuế bất động sản trong năm 2020, miễn 2 tháng phí thuê văn phòng tại các tòa nhà thuộc sở hữu của chính phủ.
Sang năm 2021, Singapore đã ban hành các gói hỗ trợ cho đối tượng thất nghiệp hoặc giảm thu nhập do COVID-19. Người mất việc hoặc buộc nghỉ làm không lương trong ít nhất 3 tháng được hỗ trợ tương ứng 3 tháng, mỗi tháng 700 SGD (11,87 triệu đồng). Người giảm từ 50% thu nhập trong ít nhất 3 tháng được hỗ trợ 500 SGD (8,48 triệu) mỗi tháng và trong 3 tháng liên tục.
Một gói trợ cấp tạm thời dành riêng cho người có thu nhập trung bình hoặc thấp. Theo đó, người bị nghỉ việc không lương từ một tháng sẽ được hỗ trợ một lần 700 SGD và người giảm từ 50% thu nhập được hỗ trợ một lần 500 SGD.
Mới đây nhất, Chính phủ Singapore cũng đã phân bổ 8 tỷ SGD (5,8 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế đang chịu áp lực từ đại dịch. Trong đó, 187 triệu SGD (136,5 triệu USD) cứu trợ cho lĩnh vực hàng không.
Quy mô gói hỗ trợ Covid-19 của Việt Nam so với một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á
Tại Thái Lan, Chính phủ đã chi khoảng 11,4% GDP cho các gói hỗ trợ Covid-19. Cụ thể, gần đây nhất Chính phủ Thái Lan lên kế hoạch chi 225 tỷ Baht (7,2 tỷ USD) để hỗ trợ tài chính cho nhóm đối tượng thu nhập thấp bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Chính phủ Thái Lan cũng thông qua 6 gói hỗ trợ kinh tế giữa bối cảnh ảnh hưởng nặng nề của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 3. Ví dụ, gói hỗ trợ người tiêu dùng các sản phẩm thông qua ứng dụng ví điện tử của Chính phủ Thái Lan với ưu đãi hoàn tiền và voucher điện tử; chương trình tăng tiêu dùng đối với người dân sử dụng thẻ phúc lợi xã hội với mức hỗ trợ 200 Bạt/ tháng đến hết năm 2021...
Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan đã phê duyệt chương trình cho vay ưu đãi 50 tỷ Baht để cung cấp các khoản vay lãi suất thấp trong tối đa 3 năm cho người lao động phi chính thức và các doanh nghiệp vừa và nhỏ có liên quan đến lĩnh vực du lịch.
Tại Việt Nam, trong khuôn khổ Hội nghị tham vấn về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 của Bộ Kế hoạch Đầu tư (KH-ĐT) mới đây, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân.
Theo đó, chính sách hỗ trợ chủ yếu bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ về thuế, phí, lệ phí, khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn và giảm lãi suất các khoản vay, chi ngân sách nhà nước với quy mô khoảng 6,7 tỷ USD.
Nếu tính cả các khoản hỗ trợ qua các kênh khác như Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, các khoản miễn, giảm cước viễn thông, điện, nước, học phí, quy mô các gói hỗ trợ năm 2021 là khoảng 10,45 tỷ USD, tương đương 2,84% GDP.
Tuy nhiên, Bộ trưởng nhận định, so với nhiều nước trong khu vực như Thái Lan (11,4% GDP), Malaysia (5,3% GDP) thì mức hỗ trợ này của Việt Nam vẫn còn thấp. Lãnh đạo Bộ KH-ĐT cho rằng, thời gian qua chính sách hỗ trợ của Việt Nam vẫn chủ yếu nhằm giải quyết khó khăn ngắn hạn về tài chính của doanh nghiệp, người dân, chủ yếu tác động về phía cung của nền kinh tế.
Do đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, các chính sách trong tương lai cần có các giải pháp mang tính tổng thể, dài hạn, đồng bộ với nguồn lực đủ lớn để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế gắn với cải cách cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc trong tương lai.