MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn lại thập kỷ 2010: Chứng khoán Mỹ hồi phục ngoạn mục sau quãng thời gian kinh hoàng

29-12-2019 - 09:45 AM | Tài chính quốc tế

Chu kỳ thị trường, cùng mức định giá cao như hiện tại khiến thị trường chứng khoán Mỹ ít có khả năng ghi nhận diễn biến vượt trội vào thập kỷ tới.

Thập kỷ khởi sắc của thị trường chứng khoán Mỹ diễn ra sau một khoảng thời gian đầy kinh hoàng vào những năm 2000, khi thị trường đã mất rất nhiều kể cả khi cổ tức được dùng để  tái đầu tư, và chỉ "bớt tệ hơn" Nhật Bản trong số các thị trường lớn của thế giới. Trong 2 thập kỷ vừa qua, Mỹ trở thành một trong những thị trường quan trọng, xếp hạng trước Nhật Bản, Anh và eurozone, nhưng vẫn đứng sau Canada, Australia, Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ và các thị trường mới nổi.

(Bài viết chủ yếu đề cập tới thị trường chứng khoán và đồng USD)

Từ trước đến nay, việc một thị trường được định giá cao có thể giữ được những mức định giá ở mức cao ổn định như vậy trong thời gian dài là rất hiếm. Nhờ có những công ty công nghệ lớn, như Apple, Amazon, Facebook và Alphabet, nên thị trường Mỹ mới có mức định giá lớn so với phần còn lại của thế giới.

Hồi phục mạnh mẽ sau một thập kỷ kinh hoàng, chứng khoán Mỹ có cơ hội trải qua 10 năm thăng hoa thêm một lần nữa?  - Ảnh 1.

Tuy nhiên, 10 năm tới có thể mang đến những thay đổi lớn, bất ổn chính trị, công nghệ mới và sự chuyển biến từ việc phụ thuộc vào chính sách tiền tệ - vốn bị cản trở bởi lãi suất thấp - sang việc chương trình kích thích của chính phủ sẽ đóng vai trò lớn hơn trong xác định định hướng thị trường. Mỹ không chỉ phải vượt qua sự thay đổi này hiệu quả hơn so với những thị trường khác, mà còn là điều cần thiết phải làm để có thể giữ vững mức định giá đang có.

Những yếu tố thực sự thúc đẩy đà dẫn đầu của Mỹ là sự vượt trội của những lĩnh vực quan trọng đối với nền kinh tế như công nghiệp, ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu và tài chính, cùng với đó là ưu thế của các công ty công nghệ trong thị trường nước này và một đồng USD mạnh.

Hồi phục mạnh mẽ sau một thập kỷ kinh hoàng, chứng khoán Mỹ có cơ hội trải qua 10 năm thăng hoa thêm một lần nữa?  - Ảnh 2.

Đồng USD bắt đầu thập kỷ với diễn biến khá tồi tệ, rớt giá vào năm 2011 xuống mức yếu nhất so với các đồng tiền tệ khác ở thời điểm lịch sử hiện đại, trong bối cảnh Nhà Trắng và Quốc hội có những tranh cãi gay gắt về mức trần vay nợ quốc gia có thể dẫn đến tình trạng vỡ nợ. Cuối cùng, trường hợp vỡ nợ không xảy ra, nhưng chính phủ Mỹ đã "vuột" mất xếp hạng tín dụng AAA - khi đồng USD chạm đáy hồi tháng 8 năm đó. Kể từ đó, nền kinh hồi phục mạnh mẽ hơn và những bất ổn xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới đã đưa đồng USD tăng lên hơn 33%.

Những nguyên tắc cơ bản đã thúc đẩy các nhà đầu tư rót tiền vào nước Mỹ, nhưng thị trường chứng khoán nước này đã gặt hái được những thành tựu tốt hơn nhiều so với diễn biến của nền kinh tế. Đã có 3 yếu tố xảy ra. Lợi nhuận của các công ty Mỹ từ nước ngoài tăng lên một cách ngoạn mục, giúp tỷ suất sinh lời của S&P 500 đạt kỷ lục vào năm ngoái khi tỷ suất sinh lợi doanh nghiệp tại Mỹ giảm từ mức cao nhất năm 2012 xuống dưới mức hồi cuối năm 2009. Khi các chính trị gia đi ngược lại toàn cầu hoá, các quốc gia có mức thuế thấp đang gặp khó khăn và các cơ quan quản lý nước ngoài chú ý tới lợi nhuận cao của một số công ty lớn nhất nước Mỹ, thì việc duy trì tỷ suất lợi nhuận sẽ là kết quả tích cực.

Việc cắt giảm thuế cũng góp phần thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp. Có thể việc mức thuế doanh nghiệp ở Mỹ thấp như hiện nay sẽ không diễn ra một lần nữa.

Hồi phục mạnh mẽ sau một thập kỷ kinh hoàng, chứng khoán Mỹ có cơ hội trải qua 10 năm thăng hoa thêm một lần nữa?  - Ảnh 3.

Đầu năm 2010, thị trường chứng khoán Mỹ được định giá ở mức cao gấp 14,5 lần lợi nhuận hoạt động dự kiến trong 12 tháng tới, theo I/B/E/S Estimates. Con số trên đã tăng vọt lên gần 18 lần, đưa mức định giá của thị trường Mỹ lên cao hơn nhiều so với eurozone, Anh, Nhật Bản hoặc các thị trường mới nổi. Mức tăng của định giá cũng cao hơn nhiều so với bất kỳ nơi nào khác (P/E của Nhật Bản và các thị trường mới nổi giảm trong thập kỷ qua). Chỉ số P/B cũng tăng vọt.

Nếu mức định giá của S&P tăng lên mức đó một lần nữa, thì mức P/E dự phóng toàn thị trường có thể đạt 21 lần, tương đương với dữ liệu từ năm 1985 và thời điểm bùng nổ bong bóng dot.com những năm 90. Điều đó không phải là bất khả thi, tuy nhiên sẽ tạo ra một bong bóng lớn, và đó là điều thường ít khi xảy ra.

Đương nhiên, nếu thập kỷ tới xảy ra thảm hoạ tự nhiên, bất ổn chính trị nhiều hơn và khủng hoảng tiền tệ, thì nước Mỹ có thể được hưởng lợi tự sự ổn định tương đối hiện tại. Dẫu vậy, nhà đầu tư cũng không nên quá kỳ vọng vào một thị trường tăng giá tuyệt vời như thập kỷ vừa qua. 

Tham khảo Wall Street Journal

 

Giang Ng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên