Nhìn lại thế giới năm 2022: 'Chuỗi domino' tái cơ cấu các hãng công nghệ
Trụ sở Twitter tại San Francisco, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhen nhóm từ giữa năm, làn sóng tái cơ cấu các công ty công nghệ bỗng trở nên dồn dập và trở thành câu chuyện
- 29-12-2022Elon Musk lần đầu nhận sai kể từ khi nắm quyền Twitter: "Tôi cũng chỉ là nhân viên mới"
- 28-12-2022Những công dân thuộc năm sinh này phải làm CCCD gắn chip ngay trong năm 2023, nếu không sẽ bị phạt
- 28-12-2022Tổng kết thị trường tiền điện tử năm 2022: ‘Thảm họa’ LUNA, FTX, Bitcoin giảm 64%, hiệu ứng domino phá sản của các công ty tiền điện tử lớn
Trong thập niên qua, khi lĩnh vực công nghệ phát triển, số lượng việc làm trong ngành này cũng gia tăng nhanh chóng. Số liệu của tổ chức phi lợi nhuận CompTIA cho thấy lĩnh vực công nghệ đã có thêm 2,3 triệu việc làm mới trong thời gian từ năm 2009 đến 2019. Sự bùng nổ này buộc các công ty phải tạo ra các chính sách lao động hấp dẫn thu hút nhân tài như: nhân viên được hưởng số giờ nghỉ trưa dài hơn, có tiền trợ cấp đi lại, được bác sĩ massage tại chỗ…
Trong thời kỳ đại dịch COVID-19 hoành hành, những đặc quyền dành cho nhân viên được tiếp tục nới rộng hơn khi họ được phép làm việc tại nhà và cá nhân hóa lịch làm việc. Họ cũng có thể bỏ túi các khoản trợ cấp chăm sóc sức khỏe và du ngoạn khắp thế giới trong khi vẫn làm việc và hưởng lương. Một số công ty thậm chí còn cho phép nhân viên nghỉ làm vào các ngày thứ Sáu hằng tuần...
Nhưng đó đã là câu chuyện của quá khứ. Trong bối cảnh nền kinh tế đang rơi vào tình trạng bất ổn, những lo ngại về nguy cơ suy thoái, áp lực từ lạm phát gia tăng, tình hình xung đột tại Ukraine, dòng vốn đầu tư mạo hiểm chậm lại... nhiều "đại gia" trong lĩnh vực công nghệ bỗng nhận ra: Công ty đang thuê quá nhiều nhân viên, nhưng hiệu quả công việc chưa tương xứng với số lượng nhân sự và những ưu đãi họ được hưởng, "thắt chặt hầu bao" là điều cần thực hiện ngay. Theo đó, năm 2022, làn sóng tái cơ cấu công ty, tinh gọn bộ máy nhân sự để hướng tới cải thiện hiệu suất đã diễn ra đồng loạt trong lĩnh vực công nghệ.
Tạp chí Business Standard cho biết ông Mark Zuckerberg - người sáng lập công ty Meta (tên gọi tiền thân là Facebook) - là Giám đốc điều hành (CEO) công ty công nghệ lớn đầu tiên tại Mỹ “châm ngòi” cho làn sóng này. Để đối phó với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Meta từng tuyển dụng ồ ạt nhân sự trong hai năm qua, tăng số lượng từ 48.000 nhân viên vào cuối năm 2019 lên 77.800 người vào đầu năm nay. Tuy nhiên, tỷ phú người Mỹ đã dự đoán rằng nền kinh tế thế giới đang chuẩn bị rơi vào “một trong những đợt suy thoái tồi tệ nhất lịch sử” và từ đó quyết định đóng băng tuyển dụng, đồng thời sa thải nhiều nhân viên để tiết giảm chi phí hoạt động xuống mức thấp nhất. Ông Mark Zuckerberg thừa nhận đã lạc quan quá mức khi tính toán sự tăng trưởng của hãng, dẫn đến tuyển dụng quá nhiều nhân sự. CEO này nêu rõ: "Tôi muốn nâng cao kỳ vọng và đặt ra những mục tiêu tích cực hơn, cần tăng khối lượng và áp lực công việc lên đôi chút. Môi trường làm việc tại Meta có lẽ sẽ không phù hợp với một số người, do đó chúng tôi đã điều chỉnh”. Trung tuần tháng trước, Meta thông báo đã cắt giảm 11.000 lao động - tương đương 13% tổng số nhân sự của công ty này.
Tán thành quan điểm của tỷ phú Mark Zuckerberg, CEO của Google - ông Sundar Pichai - thừa nhận: “Rõ ràng hiệu suất hoạt động của chúng tôi hiện chưa tương ứng số lượng nhân viên mà chúng tôi có. Chúng tôi cần tạo ra một nền văn hóa doanh nghiệp tập trung vào sứ mệnh, sản phẩm và khách hàng của doanh nghiệp”. Theo CNBC, Google đang cân nhắc tái cơ cấu doanh nghiệp, đóng băng tuyển dụng và đầu tư cho đến năm 2023, đồng thời thúc đẩy nhân viên làm việc với sự khẩn trương và khao khát mãnh liệt hơn so với hiện tại.
Ông Brian Olsavsky - Giám đốc Tài chính của Amazon - cũng xác nhận rằng công ty đang “thừa nhân viên" sau khi tuyển dụng ồ ạt trong hai năm đại dịch. Điều này dẫn đến hiệu quả công việc bị ảnh hưởng và theo đó "gã khổng lồ" ngành thương mại điện tử này buộc phải tạm dừng phát triển các cơ sở văn phòng mới, đồng thời cân nhắc sa thải bớt một lượng nhân viên trong tương lai. Trong khi đó, tập đoàn phần mềm Microsoft, hãng máy tính HP, ứng dụng nhắn tin Snapchat hay công ty cung cấp dịch vụ đặt xe trực tuyến Lyft... đã sa thải một số nhân viên thuộc các bộ phận nhất định. Sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase Global cũng thông báo tạm ngừng tuyển dụng tất cả các vị trí công việc mới do các điều kiện thị trường hiện tại.
Mạnh mẽ nhất có lẽ là những gì tỷ phú Elon Musk đang thực hiện tại Twitter, kể từ khi ông hoàn tất thương vụ mua lại nền tảng mạng xã hội này cuối tháng 10 vừa qua. Theo Business Insider, ngay sau khi nắm quyền, ông Musk đã cắt giảm tới 50% lực lượng lao động của Twitter, chấm dứt hình thức làm việc từ xa, dừng phụ cấp cho nhân viên và biến văn phòng tại trụ sở chính của Twitter ở San Francisco thành phòng ngủ được trang bị tủ quần áo và máy giặt. "Ngày nghỉ ngơi" được áp dụng trong toàn công ty cũng đã biến mất khỏi thời gian biểu... Nay, mạng xã hội này chỉ còn vỏn vẹn 2.700 nhân sự. Trước đó, với tư cách CEO của Tesla, tỷ phú người Nam Phi cũng đã cho đóng cửa văn phòng của hãng xe điện này tại San Mateo (California, Mỹ) và cắt giảm khoảng 200 nhân sự tại đây.
Cách điều hành của ông Musk đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trong nhân viên, nhưng lại đón nhận sự tán đồng và hưởng ứng từ CEO của các doanh nghiệp công nghệ khác. Đối với những người có công ty riêng phát triển quá nhanh trong thời kỳ bùng nổ công nghệ, ông Musk chính là người mang lập ra hình mẫu về việc có thể giảm bớt tình trạng phình to khi rủi ro suy thoái kinh tế ập đến.
Ông Andrew Chen - Giám đốc cấp cao của công ty đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz - cho biết: "Những động thái của ông Musk tại Twitter tạo động lực để những người ở vị trí lãnh đạo đưa ra quyết định khó khăn trong thời kỳ suy thoái kinh tế, những quyết định mà trước đây họ không nghĩ tới". Nhiều CEO khác cũng thừa nhận rằng họ coi mô hình tái cơ cấu của Twitter như một ví dụ điển hình về tính hiệu quả và cũng đang loại bỏ dần các hoạt động không thực sự thiết yếu để hạn chế chi phí. Một nhà sáng lập công ty công nghệ cho biết: “Trước đây, nếu người lao động không thích công việc này, họ sẵn sàng chuyển sang công ty khác. Ở vị trí người sử dụng lao động, bạn phải tìm cách giữ chân nhân viên của mình. Nhưng giờ đây, khi các công ty công nghệ cắt giảm chi tiêu để ứng phó suy thoái kinh tế, nhiều nhân viên đã phải tự 'đánh giá lại' quyết định của mình”.
Tại Trung Quốc, các công ty lớn cũng "tái cơ cấu để tối ưu hóa kinh doanh” trong bối cảnh ngành công nghệ trong nước bị siết chặt theo quy định đối với hoạt động thương mại điện tử, tình hình suy thoái kinh tế, cũng như do các đối tác toàn cầu sa thải nhân viên. Tập đoàn Alibaba Group Holding xác nhận đã sa thải gần 10.000 nhân viên chỉ trong quý II/2022, khi gã khổng lồ thương mại điện tử này phải vật lộn với doanh số bán hàng trì trệ trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng yếu đi và những khó khăn kinh tế ngày càng lan rộng ở trong nước. Như vậy, chỉ tính trong nửa đầu năm nay, sàn thương mại điện tử này đã sa thải hơn 13.600 nhân sự, đánh dấu mức giảm quy mô biên chế lớn đầu tiên của công ty kể từ tháng 3/2016.
Trong khi đó, "gã khổng lồ" truyền thông xã hội Tencent Holdings đã cắt giảm 7.300 nhân viên trong 2 quý đầu năm nay, còn công ty Xiaomi ngày 20/12 vừa qua cũng thông báo bắt đầu sa thải nhân viên trong mảng kinh doanh điện thoại thông minh và dịch vụ Internet. Theo Xiaomi, kế hoạch tinh giản này ảnh hưởng tới chưa đến 10% tổng lực lượng lao động của hãng (hơn 35.300 nhân viên tính đến tháng 9/2022) và những người bị sa thải sẽ được bồi thường theo quy định.
Để sẵn sàng đối phó với một môi trường kinh doanh khó khăn hơn, các công ty công nghệ tại Đông Nam Á cũng đang sa thải nhân sự để cắt giảm chi phí và kiếm thêm lợi nhuận. Các công ty công nghệ lớn nhất Đông Nam Á, như GoTo của Indonesia, Grab của Singapore và Sea (cũng của Singapore), đã giảm tổng số nhân lực của họ tới 10% trong năm nay.
Thống kê của Layoffs.fyi - trang web chuyên tổng hợp những thông tin cắt giảm nhân sự của các công ty trên thế giới - cho thấy các quyết định cắt giảm việc làm tại 917 công ty công nghệ đã ảnh hưởng đến hơn 144.500 người trên thế giới trong năm nay. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá rằng hiện tượng này không phải là chỉ dấu cho thấy sự suy thoái dài hạn của ngành công nghiệp công nghệ mà chỉ đơn thuần là sự chuyển dịch tất yếu sau thời kỳ công ty công nghệ bùng nổ.
Theo một phân tích về những người lao động bị sa thải do Revelio Labs - một nhà cung cấp dữ liệu về lực lượng lao động thực hiện, 72% số nhân viên bị các công ty công nghệ sa thải trong năm 2022 đã tìm được việc làm mới trong vòng 3 tháng. Đáng ngạc nhiên hơn nữa, hơn 50% trong số họ đã nhận được những vị trí được trả lương nhiều hơn so với công việc đã mất. Tất nhiên, triển vọng việc làm của những người lao động bị sa thải là rất khác nhau, tùy theo vị trí việc làm và kỹ năng nghề nghiệp của họ.
Báo Tin tức