MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn Techcombank vội vã chốt lời Vietnam Airlines, cổ đông "ôm" Sabeco từ IPO cũng đắng lòng

Nếu so với Techcombank, chỉ phải chờ 2 năm và có thể bán HVN với giá cao hơn 80% giá mua khi IPO (nếu thành công) thì việc chờ đợi Sabeco đến 9 năm của Jaccar Capital Fund, Quỹ DWS Vietnam Fund Limited, Tập đoàn Bảo Việt, Ngân hàng BIDV... khá mệt mỏi.

Một tuần sau khi Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán HVN) lên sàn, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã đăng ký bán luôn 10 triệu cổ phiếu. Trong đợt IPO không được nhiều nhà đầu tư quan tâm của Vietnam Airlines năm 2014, Techcombank đã mua 25,58 triệu cổ phiếu với giá bình quân 22.307 đồng/cp. Giá giao dịch trên sàn của HVN – dù đã giảm mạnh – nhưng cũng xoay quanh 40.000 đồng/cp, cao hơn nhiều mức giá trúng IPO.

Động thái vội vã chốt lời của Techcombank với số cổ phiếu của ông lớn ngành hàng không khiến cho nhiều người nhớ về “nỗi nhọc nhằn” của nhiều tổ chức khi tham gia mua cổ phần trong phiên IPO của Tổng Công ty Rượu Bia – Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco).

9 năm trước, vào ngày 29/01/2008, Sabeco chào bán cổ phiếu lần đầu tại Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Khối lượng đấu giá hơn 128 triệu cổ phần, tương đương 20% vốn. Buổi đấu giá diễn ra không quá sôi động với tổng khối lượng cổ phiếu bán ra là 78,4 triệu đơn vị – chỉ bằng 61% lượng chào bán. Giá đấu thành công cao nhất là 89.000đ/CP, thấp nhất 70.000đ/CP, bình quân 70.003đ/CP. Sabeco thu về gần 5.486 tỷ đồng.

Trong phiên IPO này, nhiều nhà đầu tư tổ chức đã mua lô 500.000 cổ phiếu Sabeco, có thể kể tên là Jaccar Capital Fund, Quỹ DWS Vietnam Fund Limited, Tập đoàn Bảo Việt, Ngân hàng BIDV, …

Lên sàn HOSE vào đầu tháng 12/2016, cổ phiếu SAB của Sabeco đã phần nào khiến các cổ đông không phải thất vọng khi giá cổ phiếu luôn giao dịch trên mức 200.000 đồng/cp nhưng không phải ai cũng chờ được đến ngày này.

Nhiều tổ chức đã nỗ lực bán Sabeco thông qua đấu giá. Năm 2014, BIDV bán đấu giá 500.000 cổ phiếu Sabeco với giá khởi điểm 73.000 đồng/cp. Không chờ được đến khi Sabeco lên sàn, năm 2015, quỹ DWS đã bán toàn bộ 0,16% vốn tại Sabeco nhưng cũng may mắn, quỹ này cho biết đạt tỷ lệ hoàn vốn IRR là 10,3% và giá bán cao gấp 1,9 lần so với số tiền đầu tư.

CTCK Tp.Hồ Chí Minh (HSC) cũng đã bán Sabeco với giá 85.000 đồng/cp trước khi doanh nghiệp lên sàn, giá vốn bình quân là 80.000 đồng/đơn vị.

Cổ phiếu Sabeco trên OTC đã rất ế ẩm cho đến trước tháng 9/2016, khi những thông tin tích cực về việc doanh nghiệp lên sàn được tung ra, cổ phiếu mới trở nên “nóng bỏng” và được đẩy giá lên từng ngày. Nếu so với Techcombank, chỉ phải chờ 2 năm và có thể bán HVN với giá cao hơn 80% giá mua khi IPO (nếu thành công) thì việc chờ đợi 9 năm và bán với giá cao hơn 90% đi chăng nữa, vẫn là một nỗi nhọc nhằn.

Một trong các quỹ ngoại mua Sabeco khi IPO đã phải chua chát nói rằng quá mệt mỏi vì chờ đợi dù tỷ suất hoàn vốn nội bộ IRR đối với khoản đầu tư này đạt 15%, và đó là chưa tính chi phí cơ hội. Trong biên bản ĐHCĐ hàng năm của Sabeco, câu hỏi thường xuyên được cổ đông chất vấn là bao giờ niêm yết? Các cổ đông cũng liên tục yêu cầu phải trả cổ tức trên 30%/năm vì giá IPO cao.

Một trong số những nhà đầu tư từ thời IPO “may mắn” là Tập đoàn Bảo Việt (BVH). Ngày 3/1/2017, Tập đoàn Bảo Việt đã bán đi toàn bộ 500.000 cổ phiếu SAB đang sở hữu theo phương thức thỏa thuận, thu về 95 tỷ đồng, tương ứng với việc giá bán ra là 190.000 đồng/cổ phiếu. Đầu tháng 1/2017, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex - PJICO (PGI) đã hiện thực hoá khoản đầu tư cổ phiếu SAB thu về 41 tỷ đồng, ghi nhận khoản lãi gần 27 tỷ đồng. Pjico đã mua Sabeco với giá 70.000 đồng/cp và bán ra với giá gần 205.000 đồng/cp.

Mai Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên