Nhìn trang phục của Thống đốc Ngân hàng Trung ương, dự đoán "sức khoẻ" của nền kinh tế Nga
Theo Đài Phát thanh Công cộng Quốc gia (NPR) của Mỹ, "đối với thế hệ các nhà hoạch định chính sách kinh tế Nga hiện tại, đây có lẽ là thời điểm căng thẳng nhất".
- 10-03-2022Lạm phát Mỹ tăng cao nhất 40 năm, được dự báo vẫn chưa đạt đỉnh
- 10-03-2022'Giấc mộng xe điện' của loạt ông lớn có nguy cơ tan vỡ: Giá một kim loại tăng khiến chi phí độn thêm 1.000 USD/mỗi xe, giảm lợi nhuận thì không đành mà tăng giá bán cũng chẳng xong
- 10-03-2022Không có đột phá trong đàm phán vòng 3 giữa Nga và Ukraine
- 10-03-2022Bí ẩn doanh nghiệp ở "trời Tây" vẫn lặng lẽ quản lý tiền giúp giới tài phiệt Nga
Ngày 8/3, Đài Phát thanh Công cộng Quốc gia (NPR) của Mỹ đã đăng một bài báo với tiêu đề "Cách các lệnh trừng phạt kinh tế đàn áp nền kinh tế Nga", trong đó nhấn mạnh vào việc Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina mặc một chiếc áo len cao cổ màu đen.
Bài báo của NPR viết: "Trong lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng sau khi chiến sự bùng nổ, Nabiullina đã mặc đồ đen và không cài trâm, có lẽ vì bà ấy cảm thấy rằng đây không phải là lúc để trưng diện, hoặc có lẽ là để thông báo về tình hình tiêu cực hiện nay của nền kinh tế Nga".
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina. Ảnh: Sina
Trâm cài áo thể hiện "sức khoẻ" của nền kinh tế
Theo NPR, trong vài năm qua, bà Nabiullina bắt đầu cài một chiếc trâm lên áo để tượng trưng cho tình trạng của nền kinh tế Nga hoặc các hành động của Ngân hàng Trung ương Nga. Bà Nabiulina từng tiết lộ rằng, bà thực sự đang sử dụng chiếc trâm để truyền tải thông tin, nhưng không có ý định giải thích ý nghĩa cụ thể.
Chiếc trâm cài trên áo của bà Nabiullina dần trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trong giới báo chí, truyền thông và giới phê bình phương Tây.
Theo NPR, một phóng viên từng hỏi Nabiullina: "Bà nghĩ mình là loài chim gì?" với hàm ý: nếu là đại bàng nghĩa là bà ủng hộ chính sách thắt chặt tiền tệ với lãi suất cao để chống lạm phát; nếu là chim bồ câu thì có nghĩa là bà theo đuổi chính sách lãi suất thấp và muốn thấy một môi trường tiền tệ nới lỏng.
Tháng 2/2020, bà Nabiulina thông báo rằng, Ngân hàng Trung ương Nga sẽ giảm nhẹ lãi suất, và tự gọi mình là một con cò. Theo văn hóa phương Tây, con cò thường mang đến một đứa trẻ sơ sinh. Một số người tin rằng, điều này tượng trưng cho sự tái sinh của Ngân hàng Trung ương Nga và nền kinh tế Nga.
Bà Elvira Nabiulina xuất hiện trước công chúng với chiếc trâm cài áo hình con cò vào tháng 2/2020. Ảnh: Sina
Tháng 3/2020, bà Nabiullina thông báo rằng, Ngân hàng Trung ương Nga đang thực hiện các biện pháp để hỗ trợ các tổ chức tài chính của nước này. Lúc đó, bà đang cài một chiếc trâm có hình con lật đật. Các nhà quan sát phương Tây cho rằng, nó được dùng để tượng trưng cho sự phục hồi của nền kinh tế Nga sau đại dịch.
Tháng 3/2020, bà Nabiullina cài một chiếc trâm có hình con lật đật. Ảnh: Sina
Tháng 6/2020, Ngân hàng Trung ương Nga thông báo hạ lãi suất cơ bản 1 điểm phần trăm để thúc đẩy nền kinh tế. Khi đó, bà Nabiullina cài một chiếc trâm hình chim bồ câu.
Đến tháng 3/2021, khi Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất để hạn chế lạm phát, mọi người lại thấy bà Nabiullina cài một chiếc trâm hình đại bàng.
Hai lần xuất hiện của bà Nabiullina vào tháng 6/2020 và tháng 3/2021. Ảnh: Sina
Nhưng theo NPR, các nhà quan sát phương Tây cũng đã có lúc đoán sai.
Tháng 10/2020, bà Nabiulina cài một chiếc trâm hình gợn sóng. Một vài nhà quan sát cho rằng, đây là biểu tượng cho một đợt lên đỉnh khác của đại dịch COVID-19. Những người khác thì đoán rằng, ông Biden nhiều khả năng trở thành Tổng thống Mỹ sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn địa chính trị. Nhưng các dự đoán này sau đó đã bị chính bà Nabiullina phủ nhận.
Hiệu quả của các biện pháp trừng phạt
Trong vài tuần qua, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh đã áp đặt hàng loạt các biện pháp trừng phạt đối với Nga sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
NPR đưa tin: "Đối với thế hệ các nhà hoạch định chính sách kinh tế Nga hiện tại, đây có lẽ là thời điểm căng thẳng nhất".
Bài báo cho biết, trong lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng sau khi chiến sự bùng nổ, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Nabiullina đã mặc đồ đen và không đeo trâm cài, có lẽ vì bà ấy cảm thấy rằng đây không phải là lúc để chơi, hoặc có lẽ để thông báo về tình hình tiêu cực hiện nay của nền kinh tế Nga.
"Bạn biết đấy, giống như bà ấy đang ở một đám tang hoặc một buổi hòa nhạc death metal hay gì đó. Chúng tôi không biết nữa", NPR nhận định.
Ảnh chụp màn hình bài báo của NPR.
Theo NPR, điều này cho thấy rằng các lệnh trừng phạt rộng khắp mà phương Tây áp đặt dường như đang phát huy tác dụng.
Các lệnh trừng phạt cấm bay đang gây tổn hại cho ngành hàng không Nga và khiến các doanh nhân Nga không thể đi du lịch.
Phương Tây đang tịch thu tài sản của các nhà tài phiệt Nga.
Phương Tây cũng đóng băng hàng trăm tỷ USD dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga, vốn rất quan trọng để Nga ổn định môi trường tiền tệ và tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Các ngân hàng Nga cũng bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, làm gián đoạn hoạt động chuyển tiền quốc tế của các tổ chức tài chính Nga…
"Họ đã đẩy các công ty Nga đến bờ vực phá sản, đẩy giá trị của đồng Rúp Nga xuống mức thấp nhất mọi thời đại. Kết quả là, người Nga đã phải xếp hàng dài tại các cây ATM để cố gắng đổi đồng Rúp của họ thành những loại tài sản ổn định như ngoại tệ mạnh", đài NPR nhận định.
Oxford Economics - một công ty tư vấn - ước tính rằng, các lệnh trừng phạt có thể làm nền kinh tế Nga sụt giảm 7%. Để so sánh, con số đó gần gấp đôi mức sụt giảm của nền kinh tế Mỹ trong cuộc Đại suy thoái (những năm 1930). Người dân Nga dự kiến sẽ phải đối mặt với việc đóng cửa doanh nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt và vô số khó khăn.
NPR nhận định: "Chúng tôi không biết Nabiulina sẽ cài chiếc trâm nào trong những tháng tới".
"Đánh mạnh nhưng không gây tử vong"
Mặt khác, tại Nga, mọi người vẫn tràn đầy niềm tin vào tình hình kinh tế của nước này và tin rằng không có người chiến thắng sau các lệnh trừng phạt.
Hãng thông tấn Sputnik của Nga ngày 5/3 đăng bài "Liệu các lệnh trừng phạt có thể hủy hoại nền kinh tế Nga?". Sputnik nhận định, đối với Nga, các biện pháp trừng phạt không có gì mới. Kể từ khi Crimea sáp nhập vào Nga vào năm 2014 và cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine bắt đầu, Nga vẫn "sống khoẻ" dưới sức ép của các lệnh trừng phạt liên tục từ phương Tây.
Vladimir Padalko - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga – cho biết, 8 năm qua không hề lãng phí. Trong thời gian này, hệ thống kinh tế và tài chính của Nga không chỉ đứng vững mà còn học cách chống lại các "âm mưu giết người" của phương Tây một cách hiệu quả.
"Tình hình năm ngoái cho thấy Nga đang trên đà phát triển: tỷ lệ sản xuất công nghiệp vượt 5%, GDP tăng khoảng 4,5-4,7%. Lĩnh vực ngoại thương đạt kết quả vượt bậc, xuất khẩu đạt 785 tỷ USD, với thặng dư đáng kể", ông Padalko nói.
Những nước nhập khẩu ngũ cốc của Nga và Ukraine (giá trị xuất khẩu tính theo triệu USD). Nguồn: Truyền thông Đức
Alexander Skorobogatov - một giáo sư tại Đại học Kinh tế Nga - cho biết: "Không có gì nghi ngờ, điều này (các lệnh trừng phạt) sẽ dẫn đến sự suy giảm mức sống của người dân Nga, nhưng nó sẽ không phá hủy nền kinh tế Nga. Dù gì, đất nước của chúng tôi vẫn có khả năng tự cung tự cấp".
"Trong trường hợp xảy ra chiến tranh kinh tế, việc bay ra nước ngoài và quần áo hàng hiệu không còn cần thiết nữa. Các nhu cầu cơ bản sẽ được đặt lên hàng đầu như thực phẩm, ánh sáng, sưởi ấm và nhiên liệu cho giao thông. Không giống như các nước khác, Nga có nguồn cung cấp dồi dào cho các nhu cầu này", ông Skorobogatov nhận định.
Giáo sư Skorobogatov cũng cho rằng, trong một hoặc hai năm tới, đời sống vật chất của người dân Nga sẽ bị ảnh hưởng nặng nề; nhưng về lâu dài, nền kinh tế nước này sẽ thích nghi với hoàn cảnh mới.
Igor Yushenkov - một nhà phân tích cấp cao của Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga - nhắc nhở rằng, nơi nào có trừng phạt, ở đó có những biện pháp đáp trả. Những người ủng hộ các lệnh trừng phạt phải cảm thấy rằng áp lực chưa từng có đối với Nga là con dao hai lưỡi.
Chuyên gia này cũng cảnh báo, nếu các nước phương Tây và Nga đối đầu với nhau trong các lĩnh vực như thương mại về năng lượng và tài nguyên, thì tất cả sẽ phải chịu tổn thất rất lớn.
Trí thức trẻ