MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn từ cuộc đổ bộ lên sàn của ngân hàng

27-04-2018 - 20:05 PM | Tài chính - ngân hàng

Hoạt động kinh doanh tích cực, cổ phiếu NH tăng giá được cho là mấu chốt thúc đẩy các nhà băng rục rịch niêm yết trong 2018.

Tận dụng cơ hội vàng

Phần lớn Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên của khối NH đã được diễn ra. Không chỉ là chỉ tiêu về lợi nhuận, tăng trưởng hay cổ tức, việc niêm yết trên sàn chứng khoán cũng là mục tiêu đã và đang được các nhà băng gấp rút thực hiện.

Nhìn từ cuộc đổ bộ lên sàn của ngân hàng - Ảnh 1.

Niêm yết sớm trên sàn chứng khoán sẽ mang lại nhiều lợi ích cho NH

Ngày 13/4 vừa qua, Techcombank đã có đợt IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) với mục tiêu gọi từ 864 đến 922 triệu USD, giá chào bán khoảng 120.000-128.000 đồng/cổ phiếu. NH dự kiến niêm yết vào 4/6. TPBank hôm 19/4 cũng đã có ngày giao dịch đầu tiên với 555 triệu cổ phiếu trên HoSE, giá tham chiếu trong phiên đầu tiên là 32.000 đồng/cổ phiếu tương ứng giá trị vốn hoá khi chào sàn đạt gần 17.760 tỷ đồng tức khoảng 800 triệu USD. ABBank tại Đại hội của mình cũng đã thông qua việc niêm yết cổ phiếu tại HoSE sẽ được thực hiện trong năm 2018. OCB cũng có kế hoạch niêm yết trên HoSE cuối quý III hoặc đầu quý IV/2018.

Một số NH khác như Vietbank dự kiến lên sàn UPCoM, đến năm 2020 sẽ niêm yết trên sàn HoSE. NamA Bank có tờ trình cổ đông niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán sau 3 năm lỡ hẹn. SeABank có kế hoạch niêm yết giai đoạn 2018-2020, còn SCB dự định là sau năm 2020...

Trước đó, làn sóng niêm yết của các NH đã được khởi động nhộn nhịp ngay từ đầu năm. Đơn cử như HDBank lên sàn vào 5/1 và lọt top 20 DN có vốn hoá lớn nhất trên sàn chứng khoán HoSE. Sau 3 tháng, cổ phiếu của NH này có số lượng giao dịch khá lớn tại mỗi phiên. 2017 được xem là năm thành công của cổ phiếu cũng như hoạt động kinh doanh của NH. Chuyên gia nhận định sự thịnh vượng trong hoạt động kinh doanh cộng với thị trường chứng khoán nhộn nhịp là mấu chốt khiến các nhà băng rục rịch lên sàn trong năm 2018.

Đồng tình về nhận định việc kinh doanh của các nhà băng thuận lợi là yếu tố chính, song một chuyên gia tài chính cũng nhìn nhận việc các NH đẩy mạnh việc niêm yết trên sàn còn tới từ nhiều yếu tố khác nữa. Trước hết là đề nghị từ phía cơ quan quản lý. "NHNN tuy không tạo sức ép khiến các NHTM phải niêm yết nhưng có chủ trương khuyến khích. Bản thân các NH cũng đang dần nhận thức việc cổ phiếu sớm được niêm yết sẽ có lợi cho mình", vị này chia sẻ.

Chuyên gia này cũng cho rằng, "áp lực đối với các NHTM trong việc niêm yết cổ phiếu cũng tới từ phía thị trường khi sự cạnh tranh mỗi ngày một khốc liệt hơn. Cộng thêm điều kiện kinh doanh đang thuận lợi thì năm 2018 việc chào sàn chứng khoán của các nhà băng là hợp lý".

Một điểm nữa cũng tạo thêm điều kiện cho các nhà băng niêm yết có thể dễ dàng nhận thấy là cổ phiếu NH đang ở xu hướng tăng. Khác hẳn với thời điểm cách đây vài năm khi nhiều NH phải chịu chung tình cảnh cổ phiếu dưới mệnh giá, từ thời điểm quý I/2017 tới quý I/2018 giá cổ phiếu NH niêm yết trên sàn tăng ngoạn mục từ 1-1,5 lần. Kết thúc quý I/2018, giá cổ phiếu NH trên sàn chứng khoán đã tăng tới 40% - cao hơn mức tăng 19,3% của chỉ số VN-Index.

Tăng trưởng thực chất

Lãnh đạo một NHTM nhìn nhận: Thực tế nguồn vốn nào cũng có giới hạn, NH nào nắm lấy cơ hội chào sàn sớm thì cổ phiếu càng có cơ hội tăng giá khi vốn còn dồi dào. Còn khi các nhà đầu tư đã rót tiền vào nhiều thì tới một lúc nào đó túi tiền của họ cũng sẽ vơi đi. Đó là chưa kể tình hình kinh tế, chính trị thế giới sẽ có những biến động khó lường, tác động tới thị trường chứng khoán toàn cầu.

Theo chuyên gia, kinh tế vĩ mô ổn định, hoạt động tín dụng khởi sắc, thị trường chứng khoán thuận lợi... thì việc NH gấp rút lên sàn sẽ là cơ hội hút vốn ngoại cực tốt trong thời điểm hiện nay. Năm 2017, vốn ngoại đổ vào thị trường Việt Nam tương đối lớn. Tháng 1/2018, tổng giá trị mua ròng của nhà đầu tư ngoại là 7,2 nghìn tỷ đồng. Tính tới hết tháng 3/2018 đạt mức 485 triệu USD. "Các nhà đầu tư ngoại khi nhìn vào danh mục đầu tư tại Việt Nam, nhận thấy NH là nhóm cổ phiếu đang dẫn đầu thì bản thân họ cũng sẽ có những ứng xử phù hợp với các quyết định đầu tư của mình. Đây cũng là điều kiện để các NH đẩy mạnh niêm yết trên sàn chứng khoán", một chuyên gia cho biết.

Song, có thực tế là cũng có NH đã lên kế hoạch niêm yết trong những lần đại hội trước nhưng vẫn bị trì hoãn. Điều này cũng không khó lý giải, khi chào sàn thì các nhà băng đều phải có những tính toán nhất định để cổ phiếu được bán với giá cao. Cùng với đó, báo cáo tài chính của các nhà băng là phải đảm bảo sự minh bạch về thông tin và được kiểm toán chặt chẽ.

Nếu không đảm bảo được hai yếu tố này, các NH sẽ rất ngần ngại niêm yết bởi e ngại sẽ gây bất lợi về mặt uy tín cho nhà băng. Thêm nữa, giá cổ phiếu phụ thuộc rất nhiều vào lợi nhuận của NH, lợi nhuận thấp thì tất yếu giá cổ phiếu sẽ tỷ lệ thuận theo. Việc chần chừ của một vài nhà băng cũng có thể tới từ nguyên do này.

Chia sẻ sâu thêm, chuyên gia thẳng thắn nhìn nhận: lợi nhuận cũng có thể giảm đi đối với những nhà đầu tư đến sau. Vì khách quan mà nói, mức sinh lời của các NH Việt vẫn còn chưa ổn định, trong khi vẫn tiếp tục phải xử lý những vấn đề còn tồn tại như nợ xấu, trích lập dự phòng cao…

Ở môt khía cạnh khác, giới chuyên gia cũng khuyến nghị rằng, với một cổ phiếu lên nhanh thì luôn phải lường trước những rủi ro, trong đó có vấn đề tăng ảo, tăng không thực chất. Vì đối với thị trường 2 là thị trường mua đi bán lại, rất dễ xảy ra hiện tượng làm giá, đầu cơ khiến giá trị bị đội lên tương đối lớn. Nếu nhà đầu tư không có sự phân tích, tính toán cẩn trọng mà chỉ hùa theo thị trường thì rất dễ gánh rủi ro.

"Thông thường, các nhà đầu tư thận trọng sẽ quan sát quá trình kinh doanh của một DN, cụ thể ở đây là TCTD từ tối thiểu 2-3 năm, nếu chỉ dừng lại ở một giai đoạn ngắn thì không có cơ sở nắm được tình hình lợi nhuận, sức khoẻ của TCTD đó. Trường hợp cổ phiếu tăng quá nhanh, lợi nhuận cũng như sức khoẻ tài chính của NH đó không tăng theo thì chắc chắn là sẽ dẫn tới rủi ro", chuyên gia cho biết.

Theo Minh Khuê

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên