Nhìn vào viện phí gần 600 tỷ đồng của Vua sòng bài Macau mà ngẫm ra chân lý: Khi còn trẻ, nhất định phải kiếm tiền, kiếm tiền và kiếm tiền
Đừng chỉ “lo lắng” muốn kiếm tiền mà hãy “đau đầu” để kiếm tiền ngay khi bạn còn trẻ, còn đủ thời gian, đủ năng lực và kiến thức.
- 30-05-2020Cho dù mối quan hệ tốt đẹp đến đâu, tuyệt đối đừng bỏ qua 3 quy tắc bất thành văn này
- 27-05-20204 kiểu người nhất định sẽ đạt được thành công dù thất bại hay vấp ngã bao nhiêu lần trong đời
- 20-05-2020Chỉ khi tôi 29 tuổi mới nhận ra: Trưởng thành sẽ dễ dàng hơn gấp 10 nếu bắt đầu bằng việc từ bỏ 3 thứ
Con số viện phí “không tưởng”
Thời gian gần đây, sự qua đời của ông trùm sòng bạc Macau Hà Hồng Sân đã thu hút không ít sự chú ý của dư luận. Sự việc càng được thảo luận nhiều hơn nữa khi truyền thông Hong Kong đưa ra đánh giá về chi phí dành cho việc chăm sóc sức khỏe của vị đại gia giàu nhất nhì châu Á này.
Theo trang AD, vấn đề về sức khỏe của Hà Hồng Sân bắt đầu vào tháng 7.2009 sau khi ông ngã và chấn thương. Ông nhập viện hơn 100 ngày với viện phí được cho là khoảng 1 triệu đô la Hong Kong (129.000 USD) một ngày, tương đương tối thiểu 100 triệu đô la Hong Kong (khoảng 12,8 triệu USD) cho hơn 3 tháng.
Sau đó, khoảng 1,15 triệu đô la Hong Kong (147.966 USD) mỗi tháng được chi trả thêm để Hà Hồng Sân có thể hồi phục trong môi trường thoải mái nhất với những phương pháp điều trị y tế tốt nhất tại bệnh viện Hong Kong Sanatorium & Hospital. Ở đây, chỉ tính riêng phí phòng cao cấp, ông đã tốn 23.000 đô la Hong Kong (khoảng 2.959 USD) một ngày.
Sau khi xuất viện, Hà Hồng Sân bỏ ra thêm 20 triệu đô la Hong Kong (khoảng 2,6 triệu USD) để trang bị tất cả các thiết bị y tế cần thiết, chưa kể tới chi phí thuê đội ngũ chuyên gia y tế gồm các y tá và nhà trị liệu vật lý túc trực 24/7.
Cuối cùng, theo AD ước tính, chi phí chăm sóc sức khỏe của vua sòng bài Hà Hồng Sân trong 11 năm qua có thể vượt quá 200 triệu đô la Hong Kong, tương đương khoảng 600 tỷ VND.
Với khối tài sản trị giá 66,6 tỷ USD của mình, có lẽ vị đại gia này cảm thấy không đáng là bao, nhưng với đại đa số người khác, đây đúng là con số trên trời. Thông qua đó, chúng ta nhận ra, tiền không thể giải quyết được 100% vấn đề, nhưng nó có thể giải quyết 90% và 10% còn lại cũng sẽ bị ảnh hưởng phần nào.
Do đó, khi cơ thể còn trẻ, còn đủ sức lực và thời gian, hãy tập trung kiếm tiền, kiếm tiền và kiếm tiền. Đó sẽ là nền tảng vững chắc nhất để bạn dựa vào sau này.
Tuổi trẻ là vũ khí sắc bén nhất để kiếm tiền
Người ta làm giàu bằng cách nào? Bằng năng lực, kiến thức và nhân phẩm.
Vậy nâng cao năng lực, kiến thức và nhân phẩm bằng cách nào? Bằng thời gian.
Theo thời gian, năng lực có thể tăng trưởng, kiến thức có thể mở rộng, nhân phẩm có thể hoàn thiện, với điều kiện là bạn có ý thức nỗ lực vươn lên bằng chính sức mình.
Đối với người thường, không được sinh ra ở vạch đích với vật chất và tài nguyên khổng lồ thì tuổi trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Thời gian có thể mang tới ưu thế tích lũy. Bạn bắt đầu nỗ lực càng sớm thì ưu thế trong tay càng lớn hơn so với những người khác. Bạn tận dụng thời gian càng tốt thì càng bù đắp được khoảng cách khác biệt mà hoàn cảnh gia đình tạo ra.
Phải biết rằng, người trẻ có nỗi lo của người trẻ, người già cũng có nỗi lo của người già, nhưng không có tiền tài trong tay thì nhìn đâu cũng toàn là lo toan. Cho dù không thể dùng tiền để giải quyết hết thảy vấn đề thì ít nhất, chỉ cần luôn nỗ lực kiếm tiền, bạn sẽ không phải chịu cảnh “ăn bữa nay, lo bữa mai”, không phải màn trời chiếu đất hoặc bơ vơ lỡ bước khi biến cố xảy ra.
Do đó, nếu bây giờ bạn không có khả năng tài chính, hãy cố gắng kiếm tiền và tích lũy càng sớm càng tốt, tối đa hóa giá trị thời gian còn lại của mình. Nếu không, dù tuổi tác qua đi, gia tài của bạn sẽ chẳng có gì ngoài một thân thể không ngừng già yếu thêm, một cuộc sống không ngừng lo toan vất vả.
Tiền tài đổi lấy tự do
Có người từng nói: “Tự do thực sự không có nghĩa là được làm những gì mình muốn, mà là được từ chối những gì không muốn làm.”
Thiếu đi cơ sở tài chính đồng nghĩa với việc bạn đã đánh mất lợi thế trên bàn đàm phán, không có cơ hội để lựa chọn cuộc chơi mà mình muốn, chỉ có thể thụ động đi theo sắp xếp của người khác.
Giống như một cậu học sinh giỏi nhưng gặp hoàn cảnh gia đình phá sản, thiếu nợ con số khổng lồ, buộc phải nghỉ học và đến ở nhờ nhà người thân. Ở thời điểm đó, cậu không chỉ đánh mất tương lai tươi sáng, mà còn đánh mất tôn nghiêm và tự do cá nhân khi đi “ăn nhờ ở đậu”, dù chịu tủi thân cũng không dám lên tiếng, dù gặp bất công cũng không thể phản kháng.
Không có đồng tiền trong tay, chúng ta chỉ giống như một chú chim không biết bay, dù cửa lồng để mở cũng không thể thoát khỏi giam cầm. Chỉ sống nhờ người khác cho ăn thì lấy đâu ra điều kiện đi tìm tự do?
Tác động của hoàn cảnh xung quanh lên một người là vô cùng mạnh mẽ, nhưng cũng rất âm thầm. Khi bản thân còn đang cam chịu sống trong một môi trường hoàn toàn không phù hợp thì chính sự không phù hợp đó đã và đang thay đổi bạn. Đợi đến ngày bạn hoàn toàn thích ứng với mọi thứ, bạn sẽ đánh mất động lực và sự tự tin để thay đổi lại từ đầu.
Ngược lại, nếu ngay từ đầu, bạn có được tư cách để tự tin, có được tài nguyên để phát triển, có được nền tảng tài chính vững chắc, bạn sẽ đủ bình tĩnh để hành xử trên đời.
Nhìn vào cuộc khủng hoảng kinh tế vừa diễn ra do tác động của dịch bệnh, chúng ta có thể thấy một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp phá sản, người thất nghiệp rơi vào cảnh lao đao, chạy vạy khắp nơi để vay nợ, sống cho qua ngày. Nhưng cũng có không ít người coi đây là cơ hội nghỉ xả hơi, tranh thủ du lịch, vui chơi và giải trí hết mình. Họ thảnh thơi như vậy thì ngay từ khi bắt đầu, họ đã không ngừng nỗ lực kiếm tiền và tích lũy đủ cho mình tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định.
Trở nên giàu có chưa chắc đã đem tới cho bạn một cuộc sống hoàn toàn tốt đẹp, nhưng ít nhất, tài chính có thể cho bạn cơ hội chủ động lựa chọn, cùng với sự tự tin, can đảm và quyết đoán khi phải chịu trách nhiệm cho các lựa chọn đó.