MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NHNN: Sẽ định kỳ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD, ưu tiên đơn vị giảm lãi suất cho vay

25-07-2021 - 14:27 PM | Tài chính - ngân hàng

NHNN: Sẽ định kỳ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD, ưu tiên đơn vị giảm lãi suất cho vay

NHNN nhấn mạnh sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng.

Trong báo cáo cập nhật hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm mới hoàn thành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá, triển vọng phục hồi kinh tế thế giới còn nhiều bất trắc, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 với biến chủng Delta diễn biến ngày càng phức tạp tại châu Á. Giá hàng hóa cơ bản (dầu mỏ, lương thực thực phẩm) được dự báo giữ ở mức cao. Rủi ro về lạm phát và rủi ro bất ổn tài chính có xu hướng tăng cao, các NHTW có xu hướng thu hồi các biện pháp nới lỏng sớm hơn dự kiến. Trong bối cảnh đó, điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng gặp nhiều khó khăn, thách thức để vừa hỗ trợ đà phục hồi kinh tế, vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tăng trưởng kinh tế trong nước phục hồi với sự phục hồi của kinh tế thế giới nhưng mục tiêu 6,5% là rất khó khăn. Dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở trong nước, đặc biệt là tại các tỉnh là động lực cho tăng trưởng, các khu công nghiệp. Theo dự báo của Bộ KHĐT, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm dự kiến đạt 5,8%, do đó để đạt mục tiêu 6,5%, ước tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm phải đạt 7,1% là mức khá cao, tương đương giai đoạn trước dịch (6T cuối năm cùng kỳ 2018: 7,12%; 2019: 7,3%). Trong bối cảnh dư địa CSTT không còn nhiều, việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế đòi hỏi phải thực hiện mạnh mẽ hơn các biện pháp hỗ trợ tài khóa như đầu tư công, miễn giảm thuế, hỗ trợ thu nhập cho người dân để kích thích tiêu dùng – đặc biệt đối với đối tượng bị tác động mạnh bởi Covid-19 như người lao động tự do, lao động tại các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng mạnh.

Lạm phát dự kiến được kiểm soát khoảng 4% (các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế dự báo lạm phát Việt Nam năm 2021 trong khoảng 3,0-3,88%) trong điều kiện nền kinh tế vẫn bị tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Tuy nhiên, rủi ro gia tăng lạm phát trên thế giới ngày càng tăng nên không thể chủ quan với áp lực lạm phát.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, theo đánh giá của nhiều cơ quan nghiên cứu, tổ chức quốc tế, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố tập trung các khu công nghiệp lớn đang thực hiện giãn cách xã hội, việc này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh đó, theo NHNN, đến cuối năm 2021, có khả năng tỷ lệ nợ xấu nội bảng và tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống sẽ cao hơn so với mức đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 08/TTr-NHNN ngày 24/02/2021.

Các giải pháp điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm

NHNN đưa ra 8 giải pháp điều hành chính sách tiền tệ những tháng cuối năm, cụ thể như sau.

Một là, điều hành CSTT linh hoạt, duy trì thanh khoản hệ thống; đồng bộ hóa các giải pháp tiền tệ, tín dụng, thanh khoản để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Theo dõi sát diễn biến lạm phát và thị trường trong và ngoài nước để chuẩn bị phương án điều hành (có tính đến độ trễ chính sách) nếu lạm phát tăng nhanh hơn dự kiến.

Hai là, điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT tạo điều kiện để giảm lãi suất vay cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong điều kiện áp lực lạm phát còn có khả năng kiểm soát, giữ ổn định lãi suất điều hành để ổn định mặt bằng lãi suất thị trường; chỉ đạo TCTD chủ động tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất các khoản vay cũ và mới.

Ba là, điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với diễn thị trường, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT; phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT;

Bốn là: tiếp tục thực hiện điều hành tín dụng theo chỉ tiêu định hướng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu. Định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh; trong đó ưu tiên TCTD giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, góp phần hạn chế tín dụng đen. Chỉ đạo các TCTD triển khai tích cực các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người đi vay theo Thông tư 01 và Thông tư 03.

Năm là, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Sáu là, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động thanh toán, trong đó, tập trung xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; triển khai Nghị định mới về TTKDTM. Phối hợp triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money). Triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bảy là, tập trung chỉ đạo cơ cấu lại các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống các TCTD.  Tiếp tục tăng cường năng lực tài chính cho các NHTMNN, bảo đảm vai trò chủ đạo của các ngân hàng này trong hệ thống các TCTD.

Chỉ đạo TCTD tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng; tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Theo dõi sát tình hình, diễn biến nợ xấu để xây dựng các phương án xử lý nợ xấu phù hợp trong giai đoạn 2021-2025. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14.

Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổng kết tình hình thực hiện Đề án 1058; nghiên cứu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 để tiếp tục hỗ trợ các TCTD tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất và đồng bộ về cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, hỗ trợ các TCTD trong giai đoạn tiếp theo.

Tám là, tiếp tục tăng cường, đổi mới công tác thanh tra theo hướng thanh tra pháp nhân, gắn kết chặt chẽ với công tác giám sát, từng bước kết hợp và áp dụng phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát an toàn vĩ mô và vi mô, cảnh báo sớm nhằm ngăn ngừa, hạn chế rủi ro trong hoạt động của TCTD. Tiếp tục tăng cường giám sát chất lượng tín dụng, việc cấp tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, tình hình tăng trưởng tín dụng, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các khoản cấp tín dụng lớn...


Thanh Bình

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên