MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhờ quyết tâm từ bỏ ngân hàng cũ, tôi nhận ra rằng thay đổi không phải là làm lại mà là tiến xa hơn

24-08-2017 - 12:32 PM | Tài chính - ngân hàng

Tôi vẫn tiếp tục làm việc tại ngân hàng, cho đến khi tôi nghe thấy một câu nói của vị lãnh đạo ngân hàng V (ngân hàng được cử giám sát hoạt động của những ngân hàng yếu kém). Câu nói đó kèm với việc sếp của tôi bị thuyên chuyển sang công việc khác khiến tôi quyết tâm ra đi.

LTS: Từ nay đến 30/9/2017, CafeF phối hợp với Báo điện tử Trí thức trẻ tổ chức cuộc thi viết "Nghề Tài chính - Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang" nhằm tôn vinh những giá trị đẹp mà nghề đem lại, phê phán những điều chưa đẹp đồng thời truyền cảm hứng cho những người mới vào nghề.

Dưới đây là bài dự thi của bạn Trịnh Thị Thu Hiền, cán bộ ngân hàng VPBank.

-----------

Chúng ta ai cũng có một thời tuổi trẻ với những hoài bão, hy vọng! Như con thuyền lần đầu ra khơi, đầy háo hức và dự định vậy.

Năm 2008, tôi tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán tổng hợp của Đại học Kinh Tế Quốc Dân với tấm bằng giỏi trên tay. Những năm ấy, số lượng bằng giỏi của các trường Kinh tế vẫn chưa "tràn ngập" như vài năm lại đây nên khi đó tôi mang đầy hy vọng sẽ kiếm được một cơ hội việc làm tốt. Cái định nghĩa "tốt" khi ấy đối với tôi là các công ty kiểm toán, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm,...được khoác lên mình đồng phục sang trọng, ngồi làm việc tại các tòa nhà cao tầng với điều hòa mát rượi, môi trường làm việc chuyên nghiệp với các buổi đào tạo, tập huấn định kỳ.

Cách đây 10 năm, cũng là lúc nghề ngân hàng nở rộ, sinh viên các trường kinh tế, tài chính top đầu là ưu tiên lựa chọn cho các nhà tuyển dụng. Với những yếu tố thuận lợi đó, tôi cứ đinh ninh rằng mình sẽ rất rất nhanh kiếm được việc làm. Ấy vậy mà...Tôi trượt rất nhiều. Tôi nhớ trong vòng 4 tháng sau khi tốt nghiệp, tôi ứng tuyển vào hơn 10 công ty bao gồm cả kiểm toán và ngân hàng, trải qua các vòng loại hồ sơ, thi ngoại ngữ, tin học, IQ, GMAT, chuyên ngành nhưng cứ đến vòng phỏng vấn là tôi trượt. Hồi đó tôi sốt ruột lắm, bạn bè lần lượt kiếm được việc làm hoặc đã đi làm hết, còn tôi vẫn cặm cụi nộp hồ sơ, chờ đợi và chờ đợi...

Rồi không muốn ăn bám bố mẹ mãi, tôi xin làm kế toán cho một công ty nhỏ về xây dựng. Vừa làm việc tôi vừa nộp hồ sơ xin việc và vẫn nuôi hy vọng đến một ngày nào đó, tôi sẽ được khoác lên mình bộ đồng phục ngân hàng. Cho đến cuối năm 2008 thì cái mơ ước ấy của tôi mới thành sự thực, tôi được nhận vào phòng Kế toán HO của ngân hàng G. Trụ sở ngân hàng đặt tại một tòa nhà sang trọng ở trung tâm thành phố, bước chân vào tòa nhà tôi bị choáng ngợp từ quầy lễ tân, sảnh tiếp khách, thang máy sang trọng cho đến sự lỗng lẫy của những nhân viên làm việc tại đó. Lúc tôi vào cũng là giai đoạn chuẩn bị quyết toán năm, phòng Kế toán lúc nào cũng tấp nập, trên bàn nhân viên những tập chứng từ cao ngất ngưởng, trong tủ tài liệu lưu hàng chục quyển dày. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in ngày 31/12/2008 đó, ngày quyết toán đầu tiên trong nghề kế toán ngân hàng của tôi.

12h đêm, mọi người vẫn cặm cụi với những chồng chứng từ cao ngất, gương mặt ai cũng tập trung, căng thẳng xen lẫn mệt mỏi. Một đứa sinh viên vừa mới ra trường như tôi khi đó, chạy tới chạy lui photo chứng từ, rồi phụ trách cung cấp chứng từ cho kiểm toán cũng thấy mệt. Nhưng điều làm tôi nể phục nhất là Trưởng phòng tôi vẫn đủ tỉnh táo để phát hiện ra lỗi sai trong chứng từ, trong hạch toán của mọi người. Cả ngân hàng vẫn miệt mài vận hành cho kịp thời điểm khóa sổ cuối năm, mọi người tổ chức ăn nhẹ ở sảnh, tiếng nói cười vẫn rộn rã giữa những mệt mỏi của công việc.

Năm ấy, tôi nhớ mình rời khỏi ngân hàng lúc 2h30 sáng ngày 01/01, trở về nhà ngủ một giấc và quay lại làm việc lúc 8h sáng ngày 01/01/2009. Dù vậy, tôi không hề thấy mệt mỏi mà ngược lại háo hức vô cùng. Đó là sự háo hức khi được làm việc, được hòa mình cũng không khí chung của ngân hàng, được chứng kiến những con người chuyên nghiệp làm việc.

Ấy vậy mà, trải qua vài kỳ quyết toán, tôi lại mất dần đi cái háo hức của ngày đầu. Tôi dần nhận ra rằng, gắn bó với công việc Kế toán ngân hàng, tôi sẽ chẳng bao giờ có ngày nghỉ Tết dương lịch cả. Chúng tôi luôn làm việc qua đêm ngày 31/12 thậm chí là sang cả ngày 01 hoặc 02/01, Tôi sẽ ngồi trong phòng điều hòa không chỉ là 8h mỗi ngày mà còn là 10-12h mỗi ngày. Đút chân vào gầm bàn và làm bạn với số liệu hết ngày này qua ngày ngày khác. Chúng tôi phải luôn thận trọng với chứng từ và những con số, luôn phải đảm bảo tính tuân thủ trong nghề nghiệp của mình.

Trong lúc tôi còn đang băn khoăn với sự nghiệp cũng là lúc nghề ngân hàng lao đao. Ngân hàng tăng trưởng chậm dần, lợi nhuận giảm so với năm trước. Tôi bắt đầu nghe nhiều hơn về việc bắt lãnh đạo ngân hàng A vì chiếm đoạt, điều tra nhân viên ngân hàng B vì lừa đảo, giả mạo hồ sơ. Nghề ngân hàng không còn đầy màu hồng như trước nữa. Những cơn sóng nhỏ lặng lẽ, rồi mạnh dần lên thành cơn sóng lớn…Chúng tôi trở thành ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, hoạt động gần như đóng băng, doanh thu giảm sút trong khi chi phí cố định vẫn phải duy trì khiến cho lợi nhuận bị ảnh hưởng trầm trọng. Lương nhân viên giảm, các khoản thưởng bị cắt giảm và rồi ngân hàng chứng kiến sự ra đi của rất nhiều nhân viên. Tôi vẫn tiếp tục làm việc tại ngân hàng, cho đến khi tôi nghe thấy một câu nói của vị lãnh đạo ngân hàng V (ngân hàng được cử giám sát hoạt động của những ngân hàng yếu kém) về những người ở lại. Câu nói đó kèm với việc sếp của tôi bị thuyên chuyển sang công việc khác khiến tôi quyết tâm ra đi.

Rất lâu sau khi ra trường tôi lại cầm hồ sơ xin việc trên tay và trải qua cảm giác hồi hộp khi ngồi tại phòng phỏng vấn ngày đó. Và rồi tôi chợt nhận ra lý do tôi rớt tuyển dụng năm xưa. Chính vì tôi chỉ là một học sinh giỏi trên giấy tờ, tôi thiếu đi kỹ năng giao tiếp, thiếu sự đầu tư về trang phục, luôn giữ sự căng thẳng trên khuôn mặt trong suốt cuộc phỏng vấn.

Khắc phục được điều đó, tôi đã trúng tuyển ngay ở ngân hàng mới - ngân hàng VPBank.

Tôi bắt đầu làm quen lại với mọi thứ tại ngân hàng mới, hệ thống, cách vận hành, cơ cấu tổ chức và các quy định nội bộ. Sẽ là nói dối khi nói rằng tôi dễ dàng hòa nhập với môi trường mới, khi mà quanh tôi mọi thứ đều khác, ngay cả các mối quan hệ cũng phải bắt đầu lại từ đầu. Nhưng tôi nghĩ mình đã nhanh chóng thích nghi, bởi thời gian đã cho tôi không chỉ kiến thức mà cả kinh nghiệm. Tôi nhận ra, thay đổi không phải là làm lại mà là phát triển hơn. Con thuyền nhỏ khi ra khơi đầy háo hức nhưng có trải qua sóng gió mới vững vàng. Tôi cũng không còn băn khoăn với nghề nghiệp của mình, bởi có rất nhiều những kiến thức tài chính khác mà tôi chưa từng tìm hiểu đang chờ đợi tôi phía trước, bởi còn nhiều bài học nữa mà tôi cần phải học trong sự nghiệp của mình. Đừng tự hài lòng với bản thân mà hãy luôn tạo động lực, luôn duy trì cho mình sự háo hức của những ngày đầu là tâm niệm của tôi lúc này.

Nghề ngân hàng đã cho tôi nhiều trải nghiệm quý giá, tôi không dám khẳng định là quý giá hơn những nghề khác vì tôi cũng chưa từng trải nghiệm lĩnh vực khác ngoài nghề này nhưng chí ít tôi thấy suốt những năm tháng gắn bó với nghề, tôi được nhiều hơn là mất. Tôi có được những người đồng nghiệp xuất chúng, những kiến thức tài chính chuyên sâu, được làm việc trên những phần mềm ưu việt và công nghệ hiện đại.

Tôi sẽ chẳng biết được điều gì đang chờ đợi mình phía trước nên thay vì lo nghĩ hão huyền, tôi sẽ tập trung vào ngày hôm nay. Tôi nghĩ trân trọng nghề nghiệp của mình là điều kiện cần trước hết để đạt được thành công.

Trịnh Thị Thu Hiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên