Nhóm M&C đuối sức, khoản tiền cọc 250 tỷ “bốc hơi” và bị hất ra khỏi dự án “đất vàng” Sài Gòn - Ba Son ra sao?
Không xoay được 250 tỷ đồng còn lại để đặt cọc, nhóm M&C bị mất quyền, nghĩa vụ đối với dự án "đất vàng" Sài Gòn - Ba Son.
- 25-02-2020Cú bắt tay giữa ông Trần Phương Bình và “đại gia” Phùng Ngọc Khánh để xoay tiền đầu tư dự án Sài Gòn - Ba Son
- 24-02-2020Sai phạm của ông Trần Phương Bình cho 4 công ty vay cùng thế chấp “khống” dự án Sài Gòn - Ba Son
- 20-02-2020Truy tố ông Trần Phương Bình và thuộc cấp gây thiệt hại cho DongABank hơn 8.800 tỷ đồng
Theo cáo trạng mới công bố, ông Trần Phương Bình, nguyên là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank - DAB) và 11 bị can đã thực hiện hành vi gây thiệt hại cho DAB hơn 8.827 tỷ đồng.
Trong đó gồm hành vi Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, cho 4 nhóm khách hàng (gồm M&C, Hiệp Phú Gia, Đồng Tiến, Tân Vạn Hưng) gây thiệt số tiền hơn 8.751 tỷ đồng; hành vi Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền hơn 75 tỷ đồng.
Với nhóm M&C, trong thời gian từ năm 2007 đến năm 2013, Phùng Ngọc Khánh là Tổng giám đốc Công ty M&C đã sử dụng pháp nhân của 11 công ty thuộc nhóm khách hàng M&C và 10 cá nhân (là người quen, nhân viên) để vay vốn tại DAB với tổng số tiền vay là hơn 7.106 tỷ đồng.
Đến nay, khoản vay của 10 cá nhân nêu trên đã được tất toán. Có 4 công ty (CTCP M&C, CTCP Đầu tư Khải Minh, CTCP Tân Superdeck M&C, Công ty TNHH An Bình An) với 5 khoản vay, có chung tài sản đảm bảo là quyền khai thác tháp căn hộ 38 tầng tại Khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son (số 2 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM), với tổng số dư nợ là 3.949 tỷ đồng.
Ở các bài đăng trước đó BizLIVE đã đề cập sai phạm trong việc DAB cho vay đối với 4 công ty trên. Trong bài này xin đề cập việc xác minh tại các đơn vị có liên quan về tài sản đảm bảo đối với Dự án Sài gòn - Ba Son.
Theo Công văn số 134 ngày 2/11/2018, UBND TP.HCM: Tại thời điểm năm 2011, khu đất tại số 2 Tôn Đức Thắng, Quận 1 là đất quốc phòng do Xí nghiệp Liên hiệp Ba Son quản lý, sử dụng, với hình thức sử dụng đất là giao đất không thu tiền sử dụng đất. Theo quy định, đơn vị này không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho Bộ Quốc phòng được bán chỉ định tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất để triển khai xây dựng Khu Trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son phù hợp quy hoạch của thành phố. Theo đó, CTCP Đầu tư dịch vụ thương mại TP là đơn vị được Bộ Quốc phòng chọn bán chỉ định, ký Hợp đồng chuyển nhượng và bàn giao đất tại thực địa để triển khai thực hiện dự án.
Từ năm 2011 đến nay, các sở, ngành thành phố không nhận hồ sơ của CTCP M&C xin giao, thuê đất để thực hiện dự án Sài Gòn - Ba Son tại khu đất nêu trên.
Theo Công văn số 562 ngày 28/8/2018 của Công ty Ba Son: Công ty Ba Son là doanh nghiệp thuộc Tổng cục Công nghiệp Bộ Quốc phòng, có trụ sở tại số 2 Tôn Đức Thắng, Quận 1, nhà máy tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 2, Thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Về việc hợp tác với CTCP M&C: Công ty Ba Son và CTCP M&C ký Hợp đồng số 06 về đầu tư xây dựng và kinh doanh khu Trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son tại số 2 Tôn Đức Thắng, Quận 1, được Bộ Quốc phòng phê duyệt ngày 19/4/2011.
Việc trên được thực hiện theo cơ chế sử dụng đất quốc phòng được Thủ tướng cho phép (công văn số 1869 ngày 4/11/2008) và tuân thủ các quy định của Bộ Quốc phòng (Thông tư số 35 ngày 20/7/2009) với mục đích tạo kinh phí để di dời nhà máy đóng tàu Ba Son ra khỏi trung tâm TP, theo Quyết định số 46/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng.
Theo cam kết của Hợp đồng 06, trong vòng 50 ngày kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực, CTCP M&C phải đóng cho Bộ Quốc phòng 500 tỷ đồng đảm bảo thực hiện hợp đồng (tiền đặt cọc). Tuy nhiên trên thực tế, Công ty này chỉ đóng được 250 tỷ đồng (thông qua Công ty Ba Son), không thực hiện phần nghĩa vụ tài chính còn lại, vi phạm cam kết hợp đồng nên phải chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Công ty M&C vi phạm điều khoản thỏa thuận nên số tiền 250 tỷ đồng đã đặt cọc sẽ bị mất. Đến ngày 21/8/2014, hai bên đã ký biên bản thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng nói trên, Công ty M&C không còn quyền, nghĩa vụ liên quan đến dự án nói trên.
Cáo trạng xác định, đến nay Công ty M&C và các công ty khác trong Nhóm khách hàng M&C không có quyền tài sản đối với dự án; việc Công ty M&C ký hợp đồng hợp tác với các công ty trong nhóm, sử dụng các hợp đồng hợp tác này để làm hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay để vay vốn là lập khống, không có căn cứ, chỉ là hình thức để hợp thức hồ sơ vay; việc DAB nhận dự án này làm tài sản thế chấp để cho vay là vi phạm quy định của pháp luật.
BizLive